Sao em không về?

10/11/2020 08:00 GMT+7

Quê em xứ Thanh nặng ngọt những điệu hò ven sông. Mỗi tháng giêng đội cơn mưa hoa xoan lững thững đi về trên phố, giấc mơ làng lại chập chờn trong niềm mộng mị…

Bất chợt trong em chênh chao một cảm giác nhớ tết làng… và hình như em muốn đi tiếp con đường rải đầy hoa xoan này để trở về những ngày chưa xa lắm: Ngày canh hoa đào đón những cái tết trăng non, rét ngọt.
Bình Dương mưa lạnh gió lùa qua vai áo, bất giác em nhớ gió bấc mưa phùn, nhớ xoan đào trước ngõ nhỏ. Mẹ con đêm về bồng bế ủ ấm nhau bỗng thấy tết đến gần. Nhớ manh áo ấm quê, nhớ chợ tết, nhớ vườn hoa cải đông bên hiên nhà ở xứ Thanh cồn cào tận đáy mắt. Thương nhớ vô ngàn mà quên mất rằng đồng hồ vẫn đổ thời gian…
Bước chân em mười tám, đôi mươi từng nhẹ bẫng dạo vòng Lam Kinh đền đài cổ kính, ngày đầu xuân trôi chầm chậm trên cầu Bạch Dược, Ngọ môn, sân Rồng, Thái miếu, Chính điện như còn thơm mùi nhang lộc đầu xuân trên đôi tay nhỏ. Có những khoảnh khắc ven sông Sài Gòn, em chợt nhớ những ngày đám bạn rủ đi thăm cầu Hàm Rồng đất lửa năm xưa, sơn thủy hữu tình, khí thiêng hội tụ. Đám trẻ tụi em thuở ấy thi thoảng vẫn rủ nhau lao xao đi ngắm đôi bờ sông Mã bên núi Ngọc, núi Rồng, lời thề “Quyết thắng” trên ngọn đồi Cánh Tiên. Cũng có khi xúc cảm mười tám của em trôi theo dòng sông xanh lặng lờ uốn khúc chở nặng phù sa, mang theo điệu hò neo đậu lòng người ngược xuôi của những chàng trai cô gái quê Thanh. Xuân sang làng em lễ hội đền ông Tống Thanh Nghị rợp màu sắc của sức sống sinh sôi, rặng tre mọc ngược như chứng nhân của một thời giữ bờ, giữ cõi… Trong ký ức miên man của em, xứ Thanh đậm nghĩa vẹn tình, nặng lòng nỗi nhớ người đi xa như thế!
Sao em không về? Nghe đâu vài ba hôm nữa trời đất sang giêng!
Hiên nhà em cũ từ ngày mẹ chỉ còn một mình nuôi nấng mấy đứa con, góc hè đầy rêu ấy nơi em vẫn lót dép ngồi chơi chắt chuyền đợi mẹ tan chợ mỗi trưa vẫn vẹn nguyên từng câu chuyện: Trong cái rét cắt mưa phùn, mẹ về lưng áo đẫm mồ hôi ngồi đếm những đồng tiền nhàu nát. Đó cũng là toàn bộ tiền sắm tết của chị em em, nó có được nhờ những nải chuối ngon nhất trong vườn được căn ke để dành chờ bán trưng ngày tết. Khu vườn không rộng nhưng nó chứa đựng tiếng cười nói suốt tuổi thơ em từ những chuối, đu đủ, thậm chí cả những luống mạ non ủ bùn trong bạt tránh rét. Ngày thơ bên mẹ, mỗi độ trưa hè hiên nhà đầy rêu của em rộn tiếng chắt chuyền, ô ăn quan, dù gió Lào nắng rát gò má từng đứa. Rồi cái hiên nhà cũ úa ấy cứ mỗi ngày một im lặng cả trưa hè oi ả lẫn đông sang gió cắt. Chị em em lớn lên lại xa mẹ dần, xa lối nhỏ sườn dốc, xa ngọn đồi ngô sắn bóng mẹ lưng khom. Xa miền núi xanh có cánh đồng rau ven con sông Hoạt, xa tiếng gọi nhau đôi bờ.
Cuộc sống hối hả, cách xa cả chiều dài đất nước, em ít về. Trăng đô thị thật nhỏ hẹp so với bóng trăng bên hiên nhà em. Hiên nhà cứ rêu úa tháng năm nhìn em lớn lên như vậy. Với bóng hiên nhà cũ không bao giờ có mùa, người cũng không mùa, những con đường ở quê không mùa, chỉ có những đứa trẻ như em ngày đêm rả rích và lớn lên bên hiên, bên mẹ. Cái hiên nhà cũ kỹ rêu úa chứa đựng cả một câu chuyện dài như đời người, như tháng năm của mẹ và của em. Tết này em không về, chợt nhớ bóng hiên, nhớ chặng đường ấu thơ đã đi qua. Thương mẹ lặng lẽ bên hiên chờ em về tết.
Làng em mùa tết có gì: Có một mùa hoa cải ven sông lại chỉ trông ngóng đông về mà ươm vàng thao thiết, là chuyện của mùa đông, chuyện về những ngón tay đan, chuyện về những mâm ngũ quả có cha, có mẹ nhớ thương vơi đầy. Mùa đông quê em nay có lẽ vẫn khúc khích môi cười, thoáng bên hiên rêu hè dáng mẹ gầy phơi đồ trong rét ngọt, rợp sương góc hè mạ non chờ tết. Bình Dương hối hả, đêm em mơ rét ngọt quê mình, từ thuở xa quê, trăng non, rét ngọt vẫn đợi vẫn chờ.
Trong giấc mơ em mưa bay đầy ngõ hoa đào rụng. Hoa xoan tết nở tím khắp các triền đồi. Đền Ông Tống của làng đã thơm hương nhang đèn khói mới!
Sao em không về? Nghe đâu vài ba hôm nữa trời đất sang giêng!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.