Chín đứa trẻ ở Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi sẽ không bị chết oan một cách tức tưởi như thế nếu các em biết bơi. Mà “biết bơi” bây giờ đã thành điều “xa xỉ” đối với các cháu học sinh, bất luận ở quê hay ở thành phố.
Đang là mùa hè, mùa mà con sông Trà luôn trơ đáy, ấy vậy mà đám trẻ con vẫn bị đuối nước, thật vô lý hết sức, nhưng đó lại là sự thật. Quá đau lòng! Ai cũng có một tuổi thơ tinh nghịch, nhất là những người từng có tuổi thơ gắn với nông thôn. Các em học sinh Trường THCS Nghĩa Hà cũng vậy. Mùa hè trốn cha mẹ đi bắt chim, bắt cá và tắm sông, tắm suối là chuyện thường tình của những đứa trẻ ở nông thôn trước đây. Có khác chăng là, đám trẻ con ở nông thôn trước đây hiếm khi đuối nước trong mùa hè, còn các cháu ở Nghĩa Hà thì bao nhiêu đứa tắm sông thì bấy nhiêu cháu đuối nước.
Lớp người 50-60 tuổi như chúng tôi hiện nay, dù là có nhà ở cạnh sông hay ở xa sông, việc “biết bơi” là điều không có gì lạ. Những đứa trẻ không ở cạnh sông, không bơi giỏi nhưng chắc chắn là không thể đuối nước ngay trong những ngày hè như các cháu ở Nghĩa Hà này. Một con suối rộng chừng vài chục mét, thậm chí là một cái ao làng quanh năm ngầu đục, ngai ngái mùi phân trâu nhưng đó lại là nơi cả tuổi thơ chúng tôi gắn bó. Đám trẻ con lên 5 lên 6, trưa nào cũng hẹn nhau ra chỗ ao làng này để tập bơi. Chúng tôi úp mặt lại, bịt luôn cả mũi lẫn mồm rồi cứ thế mà quẫy đạp. Quẫy đạp đến chừng nào bơi được thì thôi. Chẳng có ai tập cho trẻ con bơi cả. Tự chúng tôi “dạy” cho chính chúng tôi biết bơi. Cha mẹ bấy giờ có sợ con chết đuối không? Tôi nghĩ, chắc chắn là không! Vì cha mẹ chúng tôi cũng từng “tập bơi” như thế, ở những cái ao làng như thế. Không phải các bậc phụ huynh hồi ấy “vô trách nhiệm” với con mà cái chính là, việc “quản” con cái thời ấy không như bây giờ. Công việc đồng áng, miếng cơm manh áo nó lấp hết thời gian của những người nông dân, không có phút thảnh thơi để “chăm” con cái. Đám trẻ cứ thế lớn lên, hồn nhiên như cây cỏ. Chuyện biết bơi với đám trẻ con ngày ấy như một lẽ thường tình. Cũng như chúng tôi biết cầm liềm cắt cỏ, cắt lúa, biết cày, biết bừa mà chẳng cần ai dạy cả.
Xe đạp và quần áo 9 học sinh tử nạn để bên bờ sông - Ảnh: Hiển Cừ
|
Nhưng ngày nay thì khác.
Từ những viên chức nhà nước đến người nông dân hiện nay, mỗi nhà chỉ có hai đứa con. Vì quá ít con như thế, bậc cha mẹ nào cũng luôn “để tâm” đến chúng. Họ quản con đến mức chẳng cho chúng hở ra phút nào! Đã vậy, chuyện học hành bây giờ đã chiếm gần như toàn bộ thời gian của đứa trẻ. Chúng bị đủ các thứ không tên gọi “ vùi lấp” chúng, trừ việc trốn cha mẹ đi bắt chim, bắt cá và tập bơi như chúng tôi ngày trước. Cả một thành phố đến hai ba chục vạn dân như TP.Quảng Ngãi mà chỉ có mỗi cái bể bơi Diên Hồng là có “thầy” hướng dẫn bơi thì thử hỏi trẻ con không đuối nước sao được! Bây giờ người ta chăm chút cho việc xây sân tennis, hình thành các sân golf, tấp nập xây nhà hàng, quán nhậu, các chung cư cao tầng chứ mấy ai xây bể bơi cho các cháu tập!
Trong nhiều chục năm qua, ngành giáo dục đề ra hàng loạt những “cải cách” nhưng chưa thấy có một sự quyết liệt nào trong việc đưa môn bơi vào nhà trường cả, ngoại trừ một số địa phương như TP.HCM. Không dạy bơi nên các em “tự bơi” theo cách của mình.
Một quãng sông Trà mùa nước cạn đã thành mồ chôn tập thể của 9 đứa trẻ. Chỉ cần “biết bơi” vừa đủ là các cháu có thể vượt qua quãng sông định mệnh ấy rồi.
Mùa hè nào cũng có dăm bảy cháu nhỏ đuối nước vì không biết bơi. Xin ông tân Bộ trưởng thêm một dòng này trong đề án cải cách của ông: Các trường phổ thông phải đưa môn bơi vào dạy bắt buộc!
Chắc chắn trẻ con sẽ không phải chết oan vì không biết bơi.
Bình luận (0)