Cũng cùng ý tưởng ấy, thông thường khi người VN đi du lịch nước ngoài, người bản địa sẽ thốt lên câu: “Sao không đến bảo tàng?”. Tại sao phải đến bảo tàng? Đó là một thắc mắc hết sức thú vị và tìm câu trả lời còn thú vị hơn một khi bạn bước vào đó.
Quá trình tiến hóa của nhân loại, lịch sử của một dân tộc, của một địa phương, cộng đồng, được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, do đó bảo tàng của các quốc gia không có cái nào giống cái nào. Nơi đó lưu giữ những vật thể chứng minh sự tồn tại, phát triển và thăng hoa của con người nói chung.
Giàu có như nước Mỹ cho nên bảo tàng cái nào cũng lớn và phong phú. Nhưng một Tiểu vương quốc Ả Rập giàu sụ với những công trình xa hoa, bề thế, nhiều cái nhất trên thế giới… cũng có bảo tàng, song lại không hoành tráng như bảo tàng nước Mỹ. Họ thừa sức xây bảo tàng to lớn cỡ tòa nhà cao nhất thế giới mà họ đang sở hữu, nhưng vì lịch sử phát triển của vương quốc ấy khá đơn điệu trước khi người ta khám phá ra dầu hỏa dưới lòng cát sa mạc, do đó họ chỉ làm một cái bảo tàng khiêm tốn mà thôi. Ấy vậy mà du khách tứ xứ khi đến Dubai đều ghé thăm cái bảo tàng nhỏ xíu ấy để thấy sự khác biệt xa lắc về cuộc sống của người xưa và hiện tại. Hiểu theo cách khác, bảo tàng đích thị là một “quyển sách biết nói”.
Trông người rồi ngẫm đến ta. Lịch sử của dân tộc VN cả hàng ngàn năm là cả một bề dày đáng nể, “dày” hơn lịch sử nước Mỹ nhiều. Nhưng nếu xét về quy mô của bảo tàng, chúng ta chẳng thể so sánh với họ.
Trong bề dày lịch sử ấy của VN, có một giai đoạn chúng ta “nổi tiếng” toàn cầu, nói đến ai cũng biết, đó là chiến tranh. Đề tài chiến tranh VN cũng đã được chúng ta cụ thể hóa bằng một số bảo tàng, nhưng đáng buồn là nó cũng nhỏ xíu và đơn điệu, chưa lột tả hết bề dày và cả sự sinh động, khốc liệt của cuộc chiến ấy. Kể cả lịch sử ngàn năm chống ngoại xâm thời trước cũng nhợt nhạt không kém. Bước vào các bảo tàng của VN, du khách sẽ có cảm giác nó đơn điệu, buồn chán, một “quyển sách không biết nói”.
Vào Thế chiến 2, sau khi thôn tính châu Âu, trùm phát xít Hitler của Đức quốc xã, đã ra lệnh cho thuộc hạ “thu gom” toàn bộ các tác phẩm nghệ thuật (hội họa, điêu khắc…) của các nước đem về Đức với mục đích sẽ đưa chúng vào một nơi gọi là “Bảo tàng Quốc trưởng”. Hitler muốn bảo tàng của Đức quốc xã phải là “đệ nhất thiên hạ”, chẳng nơi nào sánh bằng, kể cả nước Mỹ. Một kẻ tàn ác, bị cả nhân loại nguyền rủa như Hitler mà cũng “yêu mến” bảo tàng thoạt nghe có vẻ lạ, nhưng nếu xét về giá trị của các tuyệt phẩm nghệ thuật bất hủ của nhân loại mà ông ta cướp rồi gom về một mối, bạn sẽ không ngạc nhiên, vì tinh hoa nghệ thuật đỉnh cao nằm hết trong bảo tàng ấy.
Xây dựng bảo tàng là cả một nghệ thuật, từ sưu tầm, sắp đặt, hiện vật đi kèm với câu chuyện sinh động, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trình bày, thuyết minh, thậm chí là tăng phần trải nghiệm, cảm xúc của người xem. Thậm chí tính chân thật của những vật thể được trưng bày sẽ được công chúng trân trọng với điều kiện nó phải là đồ thật, chứ bảo tàng mỹ thuật mà lại treo... tranh giả suốt thời gian dài như ở VN thì nó là cái gì đó chứ không phải bảo tàng.
Trong điều kiện hiện nay, VN có đủ khả năng về trí tuệ và tài chính để thiết kế và xây dựng những bảo tàng chất chứa sự sống động của dân tộc xuyên suốt chiều dài lịch sử. Vấn đề còn lại là những con người cụ thể được giao thực hiện trọng trách ấy mà thôi. Đừng để thiên hạ nghi vấn: Không biết làm hay không muốn làm?
Bình luận (0)