Ngày các chàng trai khoác lên mình áo xanh hội quân cũng là ngày nhiều giọt nước mắt bịn rịn chia tay. Bà khóc, mẹ khóc, thậm chí người yêu cũng khóc. Thật ra, chúng ta khóc vì điều gì? Các mạng xã hội liên tục chia sẻ clip ghi lại hình ảnh khóc ngày đi nghĩa vụ quân sự. Từ Facebook, đến YouTube và TikTok. Clip nhiều đến nỗi chỉ trong 1 tiếng tôi xem hơn 20 clip như thế của khắp các vùng miền. Dẫu biết cuộc chia tay nào cũng mang nhiều luyến nhớ nhưng thiết nghĩ để khóc vật vã, chạy theo xe quân sự lăn bánh, hoặc thét gào gọi tên các chiến sĩ nghĩa vụ thì tôi nghĩ chẳng nên.
Chúng ta đang trong thời bình, chẳng phải một cuộc chiến để khi khoác lên mình chiếc áo xanh là câu chuyện sinh ly tử biệt in hằn vào thấp thỏm lo âu tâm trí.
Có một đêm rừng ở Lò Gò – Tây Ninh, tôi ngồi bên các cựu binh của thời chiến tranh khói lửa, bom rơi, đạn lạc, ấy vậy mà khi được hỏi nếu được chọn lựa lần nữa thì các chú vẫn sẵn sàng lên đường. Khi ấy lo nhưng không khóc, khóc sẽ làm chùn bước chân, sẽ làm nhụt chí nam nhi.
Có những điều lớn lao hơn để khóc trong cuộc đời này. Lời của một cựu binh trở về sau trận đánh chiếm sân bay Thiện Ngôn, nằm bên cạnh xác hai người đồng đội vẫn gan lì bám trận địa chờ phía sau lên tiếp viện. Không khóc cho mình, không khóc cho đồng đội, chỉ khóc khi không còn quê hương. Tôi nhớ như in người cựu binh ánh mắt vẫn sắc lạnh và lời vang vọng giữa một đêm rừng tháng 4.2020.
Trong một lần về Trung đoàn vận tải 659 ở Cần Thơ vào tháng 8.2022, tôi có dịp tiếp xúc với 3 cậu lính trẻ, 3 anh chàng đầu bếp mới nhập ngũ hơn 5 tháng. Người trẻ nhất tròn 18 tuổi, anh chàng lớn nhất cũng chỉ 20 tuổi.
Nhìn các em thoăn thoắt tay cắt rau củ, tay xào đồ ăn, tay chiên trứng, tôi hỏi mất bao lâu để xong một bữa cơm cho đoàn chúng tôi. Cậu lính trẻ tuổi hai mươi nhễ nhại mồ hôi cười và trả lời 1 tiếng đồng hồ kể cả đi chợ. Hôm ấy 5 bàn ăn cho đoàn chúng tôi đến thăm và làm việc cùng trung đoàn. 5 bàn ăn chỉ được báo lúc 10 giờ sáng, khi tôi có mặt tại bếp nấu đã là gần 11 giờ trưa.
Tất cả đã sẵn sàng cho chúng tôi ngồi vào bàn. Nhìn cách sắp xếp bếp núc, cách dọn rửa và trình bày món ăn, tôi không nghĩ đây là các cậu trai trẻ mới học nấu ăn 2 tháng sau quãng thời gian 3 tháng quân trường. Chính các em bảo vào đây mới biết nấu ăn, chứ ở nhà chỉ toàn mẹ nấu. Một cậu trẻ vừa nấu món canh vừa bảo lần tới xin về phép sẽ nấu cho ba mẹ một bữa ăn. Tôi tin bữa ăn đầu tiên từ đứa con này chính là niềm hạnh phúc của ba mẹ em.
2 năm trong môi trường quân đội chính là 2 năm sẽ khiến các chàng trai trẻ này trưởng thành. Tôi thấy hầu hết lính nghĩa vụ quân sự đều học cách sắp xếp mọi thứ gọn gàng, thao trường rèn sức khỏe, hành quân rèn tư duy thích nghi, sau đó lại phân bổ về một đội nào đó để phục vụ xem như thêm một lần tiếp cận điều mới mẻ để mình khai phá bản thân.
Môi trường quân đội của lính nghĩa vụ vẫn được tạo điều kiện cho gia đình đi thăm cuối tuần, hoặc vẫn duy trì sự liên lạc với người thân qua máy điện thoại đặt ở văn phòng. Chính bản thân tôi từng đến Trung đoàn Gia Định thăm cậu em đi nghĩa vụ quân sự và tôi ngỡ mình đến một khu nào đó vui chơi cuối tuần. Cây xanh bao phủ, tấm bạt trải dưới thảm cỏ, ăn uống và cười đùa. Nhóm nào có đồ ăn ngon các chú bộ đội lại chia nhau rất thương quí. Hay cuối tuần đó, ai không có gia đình đến thăm vẫn có thể ngồi vào chung với bạn bè và lại thêm rôm rả câu chuyện.
Lính nghĩa vụ quân sự sau 2 năm về hầu như đều rắn rỏi, trưởng thành, có thêm bạn bè, có chút ít tiền để có thể học nghề hay làm gì đó mình thích.
Tôi nghĩ chẳng phải khóc cho một cuộc ra đi để trưởng thành. Tuổi trẻ ngày nay phải chăng chính sự ấp ủ của gia đình, người thân khiến các em ngày càng đối diện với sự trì trệ, chỉ quẩn quanh cùng mạng xã hội, rất thiếu kỹ năng sống. Chính những giọt nước mắt của ngày chia tay hội quân này, lại khiến bước chân các em chẳng thể mạnh mẽ để dấn thân cho một hành trình mới, hành trình trưởng thành.
Vậy nên, đừng khóc cho những đôi chân xanh màu tuổi trẻ khi tham gia nghĩa vụ quân sự. Hãy cười và chờ ngày về của những chàng trai đủ đầy khí chất.
Bình luận (0)