Bà Ba Thiện ngẩng lên, ngăn bạn bằng ánh mắt. Bà Tám Biết uống ngược lời nói trở vô, như uống một ly rượu đắng, thở dài.
- Không có nó, làm chi cho cực? - Bà Tám nhìn bạn già tỉ mẩn nạo dừa bằng cây nạo cổ lỗ sĩ, lưng còng như cái cây mọc trong hốc tối cố chòi ra kiếm nắng, nhìn thương hết biết. Mùi xôi nếp bốc thơm thơm, nải chuối chín sắp chờ lột vỏ tước sạch những sợi gân. Than đã chất sẵn nơi lò chờ mồi lửa. Cái vỉ nướng nôn nóng được bắc lên.
Chỉ có bà Ba Thiện đều đều nạo dừa, bình thản như cái kim phút nhích từng nhích một không thèm để ý ai chờ đợi. Cũng có ai mà chờ đợi đâu.
- Lỡ mua rồi thì làm! - Bà Ba cười, hiền queo như đọt lục bình trổ non - Ở ăn chuối nếp nướng nhe bà.
- Ờ, tui không ăn chứ ai ăn? Lần nào cũng ăn đồ thằng quỷ đó bỏ lại - Bà Tám Biết làm bộ nhăn nhó, đưa tay bóp lớp da chảy nhão chùng hai bên hông - Ăn riết tui mập như con heo không ai ưng là tui bắt bà đền!
- Cái bà này, có cháu tới nơi hết rồi mà giỡn nhây! - Bà Ba Thiện bật cười, tiếng cười vô tư một nửa. Nửa còn lại, loãng đi như bình trà qua mấy đợt còn cố châm thêm nước sôi.
Minh họa: Tuấn Anh |
Tám Biết xắn tay vô phụ bạn. Bà vừa lột chuối vừa lặng im, ngứa miệng quá cuối cùng cũng phải hỏi:
- Đợt này nó đi đâu?
- Hình như Hà Giang - Bà Thiện đã nạo xong dừa, đứng lên nấu nước chuẩn bị vắt nước cốt.
- Sao bà không kêu nó dẫn theo? - Bà Biết cằn nhằn.
- Thôi, vác theo thân già này nặng nề - Bà Ba chỉ vô cái chân một cong một thẳng - Giò cẳng vầy nữa, đi chi xa xôi! Cho con mình nó tự do đi mở mang tầm mắt, về nó kể cho nghe được rồi.
Bà Tám Biết định nói gì nhưng lại thôi, uống lần nữa lời như rượu đắng. Hai chữ “con nuôi” òng ọc trôi trong bụng, thứ rượu dở ẹc, làm ruột quặn lên đau. Nghĩ sao mà không thương không nói cho được, dù biết nói ra chẳng để làm gì. Cho đã miệng thôi. Như người ta cực quá cất tiếng than “trời ơi”, rồi lại cắm đầu khổ tiếp. Thì thôi, bà Ba Thiện đã ưng vậy, Tám Biết nói vô ra chi cho bạn mình buồn.
***
Tám Biết có một cái dằm trong tim, bác sĩ lắc đầu không thể gắp ra. Nó là tâm bệnh, sẽ ám bà suốt đời, trừ khi bà quên được. Quên kiểu gì? Nuôi con mấy chục năm trời, nó nghe lời người ta ngon ngọt dụ dỗ, lén lấy sổ đỏ đem cầm, để lại cho bà già món nợ năm chục triệu. Lấy hết tiền vàng theo trai, nghe đâu làm ăn cũng khá bên Campuchia. Chưa một lần nó gọi về hỏi thăm.
Ai cũng có thời mù quáng, Tám Biết khác chi đâu. Bà nghĩ, có khi nó giàu rồi nó về báo hiếu cho mình sau. Nhưng nhớ quá, thôi mình qua thăm nó trước. Giáp mặt bên đất bạn, người dưng nước lã nhiệt tình cầm tờ giấy ghi địa chỉ dẫn tới tận nhà. Còn con mình, nhìn mình như nhìn bà chủ hụi đòi nợ. Có thể nó coi bà là kẻ cho vay thiệt, khi quăng ra một cọc ba chục triệu, nói trả tiền bà nuôi tui đó giờ coi như hết nợ nần.
Ờ con nuôi, cầm ba chục triệu về dưỡng già cũng được. Ngu gì không lấy, Tám Biết ôm cọc tiền về, dọc đường không rụng một hột nước mắt. Nước mắt nhiều như lúa trĩu, nhưng ứ lại, cánh đồng bà già lưng cong rạp trên chiếc xe ôm chạy qua biên giới. Gần như song song với mặt đường, lấy thân làm thước, đo coi đời mình còn bao nhiêu năm tháng cô đơn.
Dồn nén lâu quá, nước mắt rụng ngược hết vô trong, bùng ngược thành trận bệnh. Mười lăm ngày nằm ngoi ngóp thở, khi tỉnh lại, bà lột vỏ làm người mới. Sang sảng nói cười, miệng tía lia khẩu xà tâm phật cả xóm biết tính. Người ta tưởng bà quên rồi. Chỉ có bác sĩ cao tay, khám ra bà già mang tâm bệnh hết đời.
Vì cái dằm đó, bà Biết nhìn Ba Thiện bằng đôi mắt của con nai bị thương nhìn con nai đang lọt vô tầm ngắm thợ săn. Biết thằng Nghiệp có thương bà bạn già không, hay một ngày kia cũng rũ cánh đi như con bà? Nó đâu có đường dây liên kết nào với Ba Thiện, cả cái tên cũng do ba má ruột nó đặt, bà Ba kiên quyết giữ.
Thì đành mỗi đêm Tám Biết làm người mê tín, thắp đỏ nhang khắp nhà cầu đủ các thần phật mong bạn mình đừng trắc trở. Một lần mất con đau như cắt ruột, thêm một lần nữa, sống kiểu gì với trái tim bầm dập? Không có cây sống đời nào trổ rễ nổi nếu liên tục bị cắt rời rồi cặm đất. Huống chi con người máu thịt, nào phải cỏ cây.
Xin trời!
***
Nhiều đêm bà Ba Thiện thức trong giấc mơ. Khi đó, bà đi mải miết giữa những lùm cây quá khứ, giữa khói lửa và những tiếng nổ. Một thế giới không màu, u uất xám như tất cả làm bằng khói. Bà đi, đi hoài đi hủy, đi tìm màu sắc của mình.
Nhưng không bao giờ bà Ba tìm được. Con đường luôn kết thúc bằng một khoảng đen thăm thẳm, với cây cầu treo yếu ớt không thấy được đầu bên kia. Giống như bóng tối hút hết mọi thứ về phía nó, chầm chậm nhai nuốt, âm ỉ mất mát. Nhiều lần bà định bước chân lên cây cầu ấy, mà luôn có tiếng người ngăn lại.
Tiếng thằng Nghiệp. Tiếng bà bạn già Tám Biết. Ánh sáng lóe lên từ nơi những tiếng gọi thân thương, lan ra, chụp lấy bà. Kéo bà vào lòng ánh sáng, như một cái ôm ấm áp.
Và khi đó, bà Ba Thiện tỉnh dậy, ngơ ngẩn với giọt nước mắt còn níu nơi đuôi mắt, đọng lại của cả bóng tối và ánh sáng.
Bà Ba biết, giấc mơ là ám ảnh của người mẹ mong muốn tìm con, chỉ để được ôm con một lần nữa. Ở hiện thực, bà đã dừng những cuộc tìm kiếm. Trái tim bà tiếp tục trong mơ. Bà giấu tất cả mọi người điều đó, để không ai phải day dứt nữa. Nhất là thằng Nghiệp.
***
- Chưa bỏ cuộc hả thằng quỷ? - Ông phóng viên ngừng gõ máy, hạ mắt kính nhìn Nghiệp. Chưa bao giờ ông thôi ngạc nhiên trước anh, chàng thanh niên bôn ba khắp nước tìm tin tức người thân.
- Có tin mới hả anh? - Nghiệp vừa nói vừa thở, liếc sơ cũng biết nghe có manh mối anh lại hộc tốc chạy tới, như mọi lần.
- Ừ, ở Cà Mau. Địa chỉ nè, đi thử coi phải không - Ông đưa tờ giấy cho Nghiệp, nhìn cái cách anh trân trọng cầm nó bằng cả hai tay, ông chỉ biết thở dài. Cầu trời cho lần này anh kiếm được, chứ ông cũng không nỡ nhìn anh chạy ngược xuôi hoài.
Ông đâu có biết, Nghiệp đã chuẩn bị cho những cuộc truy vết từ hồi còn nhỏ xíu. Mười bốn tuổi, anh đã dám nói xạo với má Ba cô bắt đi học thêm, để đi làm ngoài giờ học kiếm tiền. Được đồng nào, anh chạy liền tới quán net, gõ kiếm những bài báo đăng tin tìm người thân. Anh nhai nuốt từng chữ một, cố đãi trong đó từng vụn tín hiệu, cho một hy vọng.
Mười tám tuổi, Nghiệp nói xạo xin má tiền đóng học phí cả năm, nói trường bắt vậy. Má đóng rồi, anh lên trường lén xin rút lại nửa năm, lấy làm vốn hùn buôn bán với bạn bè. Đợt đó cãi lộn dữ lắm, bởi bà Tám Biết nghi ngờ anh lấy tiền ăn chơi. Anh đành chịu, không dám khai thiệt mình làm mọi cách có tiền để đi. Đi bất cứ nơi nào có tin tức về một người còn chờ đợi một người.
Hồi đó, lúc tắm cho anh, má Ba kêu dưới chân có nốt ruồi son số thằng này chắc đi rong cả đời. Lời má linh nghiệp, dấu chân anh đã hằn khắp núi non, sông biển. Anh sẵn sàng đi bất cứ đâu, chỉ cần có một xíu xiu manh mối. Anh nói dóc má đi du lịch cho biết với người ta. Bàn chân anh chai dần, bây giờ ngửa lên nhìn, những lớp da dày rộp phồng che không thấy nốt ruồi đâu nữa. Mà anh vẫn đi.
Đi cho tới khi nào tìm được thì thôi. Như con cá sinh ra để lội trên dòng sông, dù ép cách nào, nó làm sao ngừng lội được.
***
- Có tin gì chưa anh? - Nghiệp tới, đôi mắt mệt mỏi ánh lên như đứa con nít ôm cổng rào cả ngày hỏi má có mua bánh cho con không.
Ông phóng viên lắc đầu nhìn chàng thanh niên tên Nghiệp ngày nào đã ngả màu tóc còn chưa chịu lập gia đình, say hoài những cuộc đi. Không lẽ anh tính đi cả đời sao.
Thấy Nghiệp ủ rũ như ngọn rau thiếu nước, đôi mắt tối sầm lại, chịu không được ông đành phải chìa ra tờ giấy:
- Có tin từ Mỹ. Nhưng người đó còn bà con ngoài Hà Giang, mày ra Hà Giang hỏi cho chắc trước.
***
Lúc bà Ba Thiện tới bệnh viện, Nghiệp còn đang ngủ. Nhìn con phờ phạc bà xót như ai vắt chanh vô mắt. Cũng mừng ông bà phù hộ, anh không bị nặng. Xe tải tông mà còn lành lặn, coi như phước lớn mạng lớn rồi.
Bà Ba nhón chân đi như mèo, ngồi nhẹ xuống lặng lẽ nhìn con ngủ. Trong mắt bà, anh vẫn nhỏ xíu, y như ngày xưa.
Cái ngày máy bay dội bom ì đùng trên đầu, bà Ba dẫn con gái chạy xuống hầm lớn tránh bom. Hầm hết chỗ, chỉ còn chứa đủ con bà. Một thằng con nít nhỏ xíu đứng kế bà, đưa tay chới với khóc ròng má ơi má ơi hoài mà không ai hồi đáp. Người ta lèn chặt trong hầm như một giỏ tép bạc. Máy bay rít trên đầu báo hiệu giờ thần chết đi vung lưỡi hái.
Không kịp nghĩ gì, bà Ba ấn con gái vô vòng tay người dưng nhờ coi giùm. Còn mình, bà xốc nách thằng nhỏ lên, chạy về phía hầm khác. Hên còn kịp.
Những tiếng nổ lạnh sống lưng. Bà ôm rịt thằng nhỏ trong lòng, cố đánh lạc hướng nó, con tên gì. Nghiệp, nó nói giữa những tiếng nấc. Lại những tiếng nổ lớn. Mọi thứ rung chuyển, trái tim như bị bứt khỏi lồng ngực, căng cứng đau nghẹn. Bà lấy thân bọc lấy Nghiệp, như cố che một mầm non. Giây phút đó, bà tin rằng ở bên kia, con gái bà cũng đang được người ta ủ lấy. Thời khắc mạng sống mỏng như tơ, người với người, làm sao mà không thương cho được. Nhất là một người mẹ, nhìn đứa trẻ nào chẳng nghĩ đến con.
Những tiếng động lắng dần. Trời chẳng trong lên nổi. Khói khẹt mùi hỗn hạp buồn nôn đấm vô khứu giác. Bà Ba ẵm Nghiệp chui ra, chết lặng nhìn bốn phía tan hoang. Trước mắt bà, hầm trú nơi con gái và chắc là cả ba má Nghiệp đã ở, bể nát như một cái trứng gà bị giẫm bẹp. Không còn nhận ra ai với ai trong đó.
Niềm hy vọng mỏng loang như sương, ai đó kể rằng, trước khi hầm sập một số người đã chạy thoát được? Đi đâu? Không ai biết. Chiến tranh chia cắt người với người dễ ợt như cây liềm bén cắt lìa một đám cỏ. Thà là vịn câu nói đó, làm gậy chống đứng lên sống tiếp. Nhìn Nghiệp nằm trong lòng, khóc quá mệt đã ngủ thiếp đi, bà vừa thương vừa đau quặn. Biết ba má thằng nhỏ có chạy kịp không…
Một mẹ một con, cứ vậy dìu nhau mà bước tiếp. Giữa cảnh trời đất đen kịt lẫn lộn giữa tiếng người và linh hồn, bà Ba đã coi Nghiệp như con. Ở tình cảnh đó, không thương sao được!
Nhưng đôi khi, bà Ba tự hỏi, Nghiệp có muốn tìm ba má ruột không? Bà đã nhờ nhiều người truy tin, nhận lại chỉ là bặt vô âm tín.
***
Nghiệp từ từ mở mắt. Thấy bà Ba Thiện, anh khóc như đứa con nít tắm sông hụt chết đuối.
- Má đây, má đây con! - Bà Ba đưa tay ra ôm lấy đầu anh, đỡ anh tựa vô ngực mình mà khóc.
- Má, má, con kiếm được chị Hai… Chị bên Mỹ á má… - Nghiệp nói trong nấc nghẹn.
Mất một phút để bà Ba rã đông trái tim. Nó chòi đạp như con ếch mắc câu, làm lồng ngực muốn nổ tung. Bấy lâu nay, Nghiệp đi kiếm con gái bà. Anh chưa bao giờ quên ngày đó, trong lúc bà ôm chặt anh, con gái bà bơ vơ một mình nơi khác. Anh chưa bao giờ ngưng đau đáu, khi anh đuề huề trong yêu thương của má, ở một nơi xa xôi nào đó, chị Hai cù bơ cù bất mình ên.
Bà Ba không biết nói sao cho thỏa lòng mình. Bà ôm lấy đầu con, cong lưng hôn hít. Nước mắt của ánh sáng rụng xuống mặt Nghiệp nóng hôi hổi. Bà thầm cảm ơn anh vì đã yêu thương bà, chứ không phải vì anh dành biết bao năm tháng cho cuộc tìm kiếm mơ hồ. Anh không cần làm gì hết, bà vẫn thương anh, bằng tình thương má dành cho con, không cách gì cạn nổi. Như biển Đông nuôi nấng con cá nhỏ, để nó thỏa sức bơi lội trong lòng mình.
Mãi, bà chỉ nói được một câu:
- Má thương con, Nghiệp ơi!
Chắc là Nghiệp hiểu. Lúc bắt đầu, anh tìm kiếm để giải thoát bản thân bởi gánh nặng hàm ơn. Được sống là một mặc cảm. Dần dà, nhận ra tình cảm má dành cho anh, như một đứa con ruột thịt, anh chuyển đổi hành trình tìm kiếm hy vọng cho cả anh. Anh đã biết rõ, từ lâu rồi, ba má anh đâu còn nữa. Anh chỉ có má Ba thôi. Má Ba là má anh, thì con gái má là chị anh. Anh tìm chị Hai về cho cả gia đình được đoàn tụ.
Ở bên kia vách tường, phía cửa, bà Tám Biết chầm chậm kéo vạt áo lau nước mắt. Trái tim già nua không chịu nổi xúc động, ngấm ngầm muốn quật ngã bà. Bà làm như chưa thấy gì, bước nhẹ nhưng nhanh, vội rời đi. Bà muốn giữ nguyên không khí rưng rưng riêng tư đó cho hai má con bà Ba Thiện.
Trong tim bà, cái dằm dường như đang tan ra. Dù cố nói dối bản thân ra sao, sự thật bà vẫn thương con gái quá chừng. Nó có coi bà là má không, bà vẫn thương đâu ngưng được. Nếu thời gian có quay trở lại, dẫu bà biết nó sẽ ra đi tỉnh bơ như con chim tu hú ở nhờ ổ tạm, bà vẫn sẽ nhận nuôi nó. Bà vẫn sẽ thương yêu nó, như bà đã từng.
Sao mà không thương cho được, khi bà có trái tim con người ấm nóng. Trái tim của một người mẹ, rung lên như dây đàn ngân, cất một tiếng gọi con thiêng liêng, dẫu đứa trẻ chẳng phải do mình hoài thai sinh nở. Yêu thương có cần lý do đâu?
Bình luận (0)