Siêu tân tinh 1987A là tên chỉ vụ nổ một ngôi sao khổng lồ màu xanh ở thiên hà lùn láng giềng của Trái đất là Mây Magellanic Lớn (LMC), cách đây khoảng 164.000 năm ánh sáng.
Vào thời điểm đó, cộng đồng thiên văn học thế giới rúng động vì được trao cơ hội chưa từng có để quan sát một ngôi sao đang nổ tung trong thời gian thực bằng các thiết bị và kính viễn vọng hiện đại.
Tuy nhiên, các chuyên gia phát hiện có điều gì đó không đúng khi nghiên cứu tàn tích của ngôi sao ở thiên hà xa xôi. Sau khi ánh sáng của vụ nổ siêu tân tinh phai nhạt đi, họ kỳ vọng sẽ nhìn thấy một sao neutron ở lõi vụ nổ.
Trong đó, sao neutron là lõi sụp đổ của những ngôi sao khổng lồ, với khối lượng dao động từ gấp 10 đến 25 lần so với mặt trời.
Thế nhưng, không có thứ gì ở đó.
Suốt 34 năm qua, các nhà thiên văn học luôn tìm kiếm sao neutron mất tích, Nhiều giả thuyết được đặt ra, chẳng hạn, nó không đủ thời gian hình thành, hoặc có lẽ khối lượng của sao khổng lồ xanh không đủ lớn để tạo ra sao neutron, hoặc thay vì sao neutron, một hố đen đã xuất hiện thay thế.
May mắn là sự kiên trì của họ cuối cùng đã được đền bù, theo Tiến sĩ Emanuele Greco đang công tác tại Đại học Palermo (Ý).
Với dữ liệu mới do hai kính viễn vọng không gian của NASA là Chandra và NuSTAR truyền về, Tiến sĩ Greco và đồng sự bắt được các tín hiệu cho thấy dường như sao neutron đã xuất hiện ở vị trí luôn kỳ vọng.
Thậm chí hơn thế, dạng sao neutron mà họ đang quan sát có lẽ là sao xung hay ẩn tinh (pulsar), với đặc điểm xoay rất nhanh và vô cùng khó quan sát.
Nếu thật sự là một ẩn tinh, đây sẽ là ẩn tinh trẻ nhất mà con người từng phát hiện trong lịch sử nghiên cứu vũ trụ, theo báo cáo trên chuyên san Astrophysical Journal Letters.
“Chúng ta có lẽ đã được trao cơ hội duy nhất trong đời để quan sát một ẩn tinh kể từ thời điểm tượng hình”, theo Tiến sĩ Salvatore Orland, nhà thiên văn học của Đài quan sát thiên văn Palermo (Ý).
Bình luận (0)