Sao ngành điện tăng giá vào mùa nắng nóng?

16/05/2023 10:16 GMT+7

Câu hỏi này được nhiều bạn đọc chuyển đến ngành điện tại buổi tọa đàm trực tuyến về giá điện do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 16.5.

Bạn đọc Trương Hoài An đặt câu hỏi: "Giá điện tính theo 6 bậc là nhiều quá. Ngành điện nên điều chỉnh giá cho những hộ sử dụng từ 400 kWh/tháng trở lên mới đúng vì mức tiêu thụ này là phổ biến. Còn những hộ sử dụng thấp hơn, dưới 200 kWh, đa số là gia đình công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Chỉnh giá tăng đồng loạt vậy thì khó khăn hơn cho người nghèo".

Tại sao ngành điện không chờ đến mùa mưa, dùng ít điện hãy tăng giá?

Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin: Trước khi điều chỉnh tăng giá điện, EVN đã có tính toán kỹ lưỡng về mức ảnh hưởng tới từng nhóm hộ dân. Cụ thể, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, tiền tăng thêm 2.500 đồng/hộ. Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, tiền điện tăng thêm 5.100 đồng/hộ. Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, tiền điện tăng thêm 11.100 đồng/hộ, đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, tiền tăng thêm 18.700 đồng/hộ. Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, số tiền tăng thêm 27.200 đồng/hộ. Như vậy, đợt tăng giá 3% tác động những hộ gia đình là nhỏ.

Sao ngành điện tăng giá vào mùa nắng nóng? - Ảnh 1.

Toạ đàm trực tuyến về điện sáng 16.5 do Báo Thanh Niên tổ chức

ĐỘC LẬP

Trả lời câu hỏi của bạn đọc Kiều Minh (Q.11, TP.HCM) cũng như một số bạn đọc khác về việc: "Tại sao ngành điện lại tăng giá điện ngay trong mùa nắng nóng? Tại sao không chờ đến mùa mưa, dùng điện ít hãy tăng?". Ông Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, việc điều chỉnh giá bán điện bình quân EVN thực hiện trên cơ sở các hướng dẫn, quy định tại Quyết định số 24/2017 (QĐ 24) của Thủ tướng Chính phủ. Hàng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

‎Lần gần đây nhất, EVN điều chỉnh giá điện vào ngày 2.3.2019. Nghĩa là trong 4 năm qua, giá bán lẻ điện không điều chỉnh theo như Quyết định 24. Vì thế, EVN đã gặp nhiều khó khăn trong công tác đảm bảo sản xuất kinh doanh cung ứng đủ điện cho nền kinh tế quốc dân, phải đối mặt với xu thế giá nhiên liệu thế giới liên tục tăng. Tuy nhiên EVN đã rất cố gắng nỗ lực trong việc điều hành tối ưu hệ thống, khai thác tối đa nguồn thủy điện theo tình hình thủy văn, giảm tổn thất, tiết kiệm chi phí tại tất cả các đơn vị thuộc EVN và nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động. Vừa qua, khi ngành điện mất cân bằng về tài chính, dù cắt giảm chi phí rất lớn. Khi có kết quả kinh doanh được kiểm toán của năm 2022, đến thời điểm năm 2023, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN được công bố, EVN đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và các Bộ ngành đề nghị cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện hành.

Chia sẻ thêm về giá điện 6 bậc, ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc Tập đoàn EVN cho biết,  Việt Nam đặt ra 3 mục tiêu, giá thành đảm bảo chi phí; cơ cấu nguồn điện (thủy điện, than, khí…) và nguồn điện rẻ thì sử dụng trước, cao huy động sau. "Ngành điện huy động khi nào đủ cầu thì thôi và phải đảm bảo cung cầu có tính tức thì chứ không thể dự trữ được. Khi nào nhu cầu điện tăng cao, ngành điện huy động nhiều hơn, giá thành cao hơn. Chính vì vậy, những giờ cao điểm các nguồn điện huy động kể cả giá thành cao nhất"- ông Lâm giải thích.

Cụ thể, trong những lúc nhu cầu điện tăng cao, ngành điện phải huy động điện, kể cả bằng dầu với giá thành hơn 5.000 đồng/kWh. Giá bán bình quân hiện nay của chúng ta bình quân 1.920 đồng/kWh. Biên độ chênh lệch giữa mua và bán điện rất cao. Trong tổng số cơ cấu nguồn, EVN đang nắm giữ 40% công suất nguồn, 60% còn lại qua các chủ đầu tư ngoài tập đoàn. Nhìn vào cơ cấu chi phí giá thành có thể thấy, chi phí 1.920 đồng/kWh thì chi phí mua điện chiếm 82%, do đó vào lúc cao điểm chi phí điện sẽ cao hơn.

Bên cạnh đó, trong tổng số 30 triệu khách hàng sử dụng điện, có đến 25 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, còn lại là khách hàng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ. Nhìn vào số bậc mà hộ gia đình sử dụng cho thấy số hộ sử dụng bậc 1 và 2 chiếm tỷ trọng cao, giá thấp hơn.

"Giá điện theo bậc thang nhằm sử dụng điện tiết kiệm. Hiện nay cũng đang có kiến nghị giảm bậc thang và nếu được Chính phủ cho phép thì số bậc sẽ rút đi" - ông Lâm nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.