Sao ông hội đồng trên phim lại... lắm vợ?

11/09/2018 11:49 GMT+7

Xem những phim truyền hình lấy bối cảnh Nam bộ xưa, thời Pháp thuộc, hễ có nhân vật ông hội đồng thì đa phần đều nhiều vợ, ức hiếp gái nhà lành (ông hội đồng Hoàng trong Nhà ông Hoàng có ma đang phát trên TodayTV là ví dụ). Trong khi theo một số nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Nam bộ, thực tế không như vậy!

Trong phim Nhà ông Hoàng có ma, ông hội đồng Hoàng có 3 vợ. Những phim truyền hình phát trước đó như Ải trần gian thì ông hội đồng Bùi có 4 vợ; ông hội đồng Thanh trong Ải mỹ nhân cũng có 4 vợ; ông hội đồng Vĩnh trong Lời sám hối có đến 5 vợ... Và tất cả các bà vợ đều ở chung một nhà!
Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, đã là phim ảnh thì chuyện hư cấu là lẽ bình thường. Tuy nhiên, nó phải được xây dựng dựa trên cơ sở thực tế chứ không thể… thiếu nghiên cứu, tìm hiểu và muốn làm sao thì làm. “Các tư liệu cổ hay cả trong tập quán đều không thấy nói đến chuyện nhiều vợ của các ông hội đồng. Hơn nữa, các ông hội đồng Nam kỳ, chính xác là thời Pháp thuộc, không thể nhiều vợ được. Vì thời đó chức hội đồng được bầu cử khắt khe, tổ chức bộ máy của Pháp cũng nghiêm ngặt, mà luật của người Pháp lúc bấy giờ cũng không có chuyện một chồng nhiều vợ”, ông Tường nói. Ông cho rằng: “Ông hội đồng có thể léng phéng trăng hoa ở ngoài nhưng kín kẽ, giấu không để vợ biết, bởi vợ của các ông cũng đều môn đăng hộ đối, quyền lực không kém”.
Theo Các giai thoại Nam kỳ lục tỉnh của Hứa Hoành, “Những ông hội đồng nổi tiếng hồi mấy thập niên đầu thế kỷ 20 là các ông Bùi Quang Chiêu, Lê Quang Liêm (Phủ Bảy), Trương Văn Bền, Huỳnh Ngọc Bình, Trần Như Lân (bác sĩ)...”; và “dù các ông hội đồng chỉ có quyền tư vấn nhưng đối với dân chúng, họ được trọng vọng lắm vì giàu có, có nhiều đặc quyền do Pháp ban cho”. Chính vì vậy, nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường cho rằng, khi đã ở chức này, các ông hội đồng đều bảo vệ uy thế của mình, nên “chuyện nhiều vợ là điều khó xảy ra, chứ đừng nói đến chuyện các bà lại cùng ở chung một nhà như phim dàn dựng”.
Khán giả bây giờ muốn tìm kiếm thông tin không khó, khi họ vừa được học, được truyền miệng và được đọc. Do đó, việc đưa vào phim các nhân vật có hình ảnh trái ngược hay quá khác biệt với những gì được biết đến, như chuyện đa thê của ông hội đồng, sẽ dễ bị người xem cho là… làm ẩu, thiếu tìm hiểu, nghiên cứu. Một nhà nghiên cứu văn hóa khác còn nói thêm rằng: “Người viết kịch bản hay làm phim nói chung đừng nên bị ảnh hưởng bởi định kiến: cứ ông hội đồng hay ai đó làm việc cho Pháp thời bấy giờ là làm việc cho địch, và cứ phe địch thì ta có quyền cường điệu để làm xấu đi hình ảnh của họ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.