Nhìn rộng ra, hóa ra những cái cổng chào, thường là rất hoành tráng, ở ngay ranh giới của huyện này với huyện kia, tỉnh này với thành phố nọ, đã là một phần quen thuộc của đặc sản tư duy “hoành tráng” ở người Việt. Có địa phương xây cổng chào tới vài trăm tỉ, ai nghe cũng phải giật mình. Cứ như thể đó là một cách đánh dấu lãnh địa đầy kiêu hãnh hiện hữu trong bản năng suy nghĩ.
Cũng như sao phải cố tìm bằng được cho nghề đầu bếp VN một tổ nghề, rồi vì thế mà “bổ nhiệm” một cách khiên cưỡng hoàng tử Lang Liêu vào vai trò ông tổ đầu bếp?
Hoàng tử bánh chưng bánh dày Lang Liêu với tấm lòng hiếu thảo thì liên quan gì đến nghề nấu nướng, và chắc là cũng chẳng thể giúp gì thêm để phát triển một nền du lịch mãi vẫn giậm chân trong những yếu kém và đơn điệu về sản phẩm du lịch. Ẩm thực Việt cũng tự hào ghi tên mình vào nền tảng giá trị văn hóa ẩm thực nhân loại với những món ăn bất hủ đấy thôi, đợi gì đến lúc có tổ nghề.
Phải chăng cái việc “bổ nhiệm” đầy khiên cưỡng hoàng tử Lang Liêu vào vai trò ông tổ nghề bếp núc chính là cái nếp nghĩ rập khuôn kiểu “người có gì thì ta phải có nấy” như chuyện làm cổng chào. Người ta có tổ nghề sao mình không có tổ nghề. Lại còn lập luận đến mức, thiếu tổ nghề sẽ thiếu cơ sở để phát triển!?
Kiểu tư duy rập khuôn ấy là nguồn cơn của rất nhiều kiểu lựa chọn phát triển lạ đời, không giống ai so với cách tiếp cận của các nước phát triển. Tỉnh họ có sân bay thì tỉnh mình cũng phải có sân bay, dù chỉ cách nhau cự ly cỡ trăm cây số. Tỉnh người ta có đại học thì mình cũng phải có đại học, thế là đại học ra đời như nấm. Tỉnh nào cũng tìm công thức phát triển kiểu “một nhà máy đường, hai trường đại học”.
Rồi sau những cái cổng chào hoành tráng được dựng lên ở ranh giới các địa phương ấy, có mấy ai thật sự quan tâm những con đường phía sau cổng chào sẽ dẫn chúng ta về đâu trên hành trình phát triển và tiến bộ?
Rồi sau khi “bổ nhiệm” hoàng tử Lang Liêu làm ông tổ nghề bếp Việt, thì mấy ai quan tâm đến chính sách hỗ trợ phát triển cho giới đầu bếp Việt để họ hết lòng cống hiến phát triển ẩm thực VN?
Bình luận (0)