Sao phim truyền hình ngày ấy, bây giờ: Người 'khốn khổ' nhất màn ảnh Việt

11/06/2015 06:00 GMT+7

(TNO) Diễn viên Trung Anh in đậm dấu ấn trong khán giả xem truyền hình với hình ảnh người đàn ông khốn khổ, khuôn mặt buồn rười rượi, ánh mắt lúc nào cũng như chực khóc.

(TNO) Diễn viên Trung Anh in đậm dấu ấn trong khán giả xem phim truyền hình với hình ảnh người đàn ông khốn khổ, khuôn mặt buồn rười rượi, ánh mắt lúc nào cũng như chực khóc.

sao-phim-truyen-hinh-ngay-ay-bay-gio-dien-vien-Trung-Anh-dien-vien-khon-kho-nhatTrung Anh, người được mệnh danh người đàn ông "khốn khổ" của màn ảnh Việt - Ảnh nhân vật cung cấp
"A! Trữ điên, anh Trữ điên!" bọn trẻ con hét toáng lên khi nhìn thấy bóng dáng Trung Anh từ xa đi lại. Nam diễn viên chính của phim Mê lộ ngày nào chỉ lắc đầu rồi cười khẽ. Đó là những năm 1995, 1996, khi mà Mê lộ, bộ phim của đạo diễn Việt Cường phóng tác từ truyện cùng tên của nhà văn Đỗ Chu vừa lên sóng.
Một anh lính sau khi xuất ngũ, vì bất đắc chí khi bị đối xử không công bằng đã hóa điên dại. Bộ phim lên sóng cách đây 2 thập kỷ nhưng đến giờ vẫn còn ám ảnh trong lòng khán giả với hình ảnh một ông Trữ, quần áo rách bươm, tóc rối bù, trên cổ đeo một dây dài đầy vỏ lon, mắt đỏ ngầu vì rượu, cầm cây lao chạy trên đường gạch nóng giữa trưa, hô “xung phong”.
Từ Mê lộ sau này đến phim nhựa Trừng phạt của đạo diễn Bạch Diệp và hàng loạt phim truyền hình khác, hiếm vai nào thấy Trung Anh sung sướng, nhàn hạ, có địa vị.
sao-phim-truyen-hinh-ngay-ay-bay-gio-dien-vien-Trung-Anh-dien-vien-khon-kho-nhatDiễn viên Trung Anh trong đám tang nghệ sĩ Anh Dũng - Ảnh: Thúy Hằng
Người ta quen Trung Anh với hình ảnh một thầy giáo thương binh, một anh lính xuất ngũ gian nan làm kinh tế, ông nông dân quần ống thấp ống cao, đạp chiếc xe thồ chênh vênh trên bờ đê, một ông thầy giáo nghèo có vợ bỏ nhà đi đã lặn lội đến tận biên giới để tìm vợ thì bất ngờ bị lừa thành kẻ xách hàng lậu.
“Mặt tôi sinh ra đã nhiều nếp nhăn, nó thành các cơ trên khuôn mặt. Lên hình, những nếp nhăn đó càng ấn tượng hơn. Đâm ra, chưa diễn đã thấy khổ. Khi đã quen với vai khổ hạnh rồi, rất khó để vào vai sướng hơn”, Trung Anh thành thật.
Mãi gần đây, người xem truyền hình mới thấy Trung Anh đỡ khổ hơn trong Những công dân tập thểHôn nhân ngõ hẹp. Ông nhà văn hơi hâm hâm, gàn dở, lúc nào cũng cho mình là người nổi tiếng nhưng tác phẩm của mình không ai đăng, cho đến nhân vật có sở thích hay "đâm bị thóc, chọc bị gạo" mà Trung Anh thủ vai trong Những công dân tập thể mang lại nhiều tiếng cười cho khán giả.
Trung Anh rất thích vai diễn này, anh cho rằng đây không hẳn là một người xấu, cũng không phải một người tốt trọn vẹn mà là một nhân vật “đời thường” hội tụ đầy đủ cả sự ích kỷ, nhỏ nhen, nhưng vẫn có lòng thương người. Anh hy vọng bộ phim của đạo diễn Vũ Trường Khoa này sẽ là một sự khởi đầu cho hình ảnh mới của mình.
sao-phim-truyen-hinh-ngay-ay-bay-gio-dien-vien-Trung-Anh-dien-vien-khon-kho-nhatDiễn viên Trung Anh ngoài đời, anh đã bước sang tuổi 54 - Ảnh: Nhật Trường
“Tôi không nghĩ là người diễn viên cứ phải vào vai vua chúa, giám đốc mới là thành công. Chỉ là một anh xe ôm, nhưng có đất diễn và sáng tạo, vẫn sẽ được công chúng nhớ tới”, Trung Anh chia sẻ.
Riêng về sự sáng tạo, nam diễn viên của Những công dân tập thể được nhiều đạo diễn nhớ đến, vì sở thích… sửa kịch bản. Mang kịch bản về nghiên cứu xong, anh bảo với đạo diễn, nhân vật của anh cần thay đổi thế này, thế kia sẽ tốt hơn. Cũng là một cái duyên với nghề khi từ trước đến giờ, chưa có đạo diễn nào phải hối tiếc vì lỡ để Trung Anh sửa… nhân vật trong kịch bản.
Lâu lâu, không thấy Trung Anh lên sóng, khán giả nhắc nhau, “ông khổ khổ” đi đâu? Trung Anh chia sẻ, anh thuộc loại kén vai. Dù yêu nghề, và cần phim để có thu nhập cho cuộc sống đời thường nhưng có những kịch bản đọc qua đã thấy nhạt, anh đành chọn cách làm “người giấu mặt”.
Đóng hàng trăm tập phim, nhiều lần lồng tiếng cho nhân vật mình diễn xuất, nhưng Trung Anh có một đặc điểm không bao giờ xem lại phim của chính mình vì nhân vật nào cũng nhặt ra nhiều “sạn”.
sao-phim-truyen-hinh-ngay-ay-bay-gio-dien-vien-Trung-Anh-dien-vien-khon-kho-nhatHình ảnh mới mẻ của Trung Anh trong Những công dân tập thể - Ảnh chụp màn hình
Trung Anh sinh năm 1961, tuổi Tân Sửu. Anh bảo con trâu mà sinh ban ngày, nên cuộc đời lắm gian nan. Học xong diễn xuất tại nhà hát kịch Việt Nam, năm 1980, Trung Anh tham gia vai diễn đầu tiên trong phim Hà Nội mùa chim làm tổ. Năm 1982, anh nhập ngũ, cùng với các bạn học cùng là nghệ sĩ Quốc Khánh, Trọng Trinh, Đỗ Kỷ, đóng quân ở Móng Cái, Quảng Ninh. 2 năm trong quân đội là trải nghiệm quý giá của Trung Anh cho các vai diễn anh bộ đội xuất ngũ sau này.
Trung Anh lập gia đình muộn, mãi đến năm 36 tuổi mới tìm được hạnh phúc riêng. Vợ Trung Anh kém anh 10 tuổi, đang là nhân viên kế toán của một chi nhánh thuộc Tập đoàn Điện lực, người quán xuyến nhà cửa và chăm sóc cho 2 người con đang tuổi ăn, tuổi học của anh chị trong những ngày Trung Anh ra Bắc, vào Nam đóng phim. Con trai Trung Anh học lớp chuyên Hóa, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, con gái học lớp 6 trường Trung học Lương Thế Vinh.
“Nhiều người hỏi tôi đã có lúc nào chán nghề chưa, có chứ, 30 năm trước tôi định xin thôi. May mắn là điều đó chưa xảy ra, tôi còn duyên nợ với nghề nhiều lắm…”, người “khốn khổ” nhất màn ảnh Việt bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.