Sao quần vợt muốn đẩy mạnh việc chống doping

16/11/2015 17:15 GMT+7

Tại cuộc họp báo giải ATP World Tour Finals, các ngôi sao quần vợt hàng đầu đồng thanh kêu gọi làng quần vợt thế giới cần kiểm soát chặt chẽ và mạnh tay hơn trong hoạt động phòng chống sử dụng doping.

Tại cuộc họp báo giải ATP World Tour Finals, các ngôi sao quần vợt hàng đầu đồng thanh kêu gọi làng quần vợt thế giới cần kiểm soát chặt chẽ và mạnh tay hơn trong hoạt động phòng chống sử dụng doping.

Federer không ngạc nhiên trước vụ scandal doping ở môn điền kinh - Ảnh: AFP

Khi được hỏi rằng báo cáo điều tra về doping ở điền kinh Nga của cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) có gây ngạc nhiên, Roger Federer nói: “Tôi không ngạc nhiên nhưng báo cáo đó ngầm nói những nước khác cũng không làm đúng quy trình”.

Như đã lên tiếng trong vài năm gần đây, một lần nữa, Federer kêu gọi việc tăng tần suất xét nghiệm doping và nhận định chuyện tiến hành xét nghiệm ở những vòng cuối giải là cần thiết. Anh chia sẻ rằng “Tôi luôn ngạc nhiên khi rời sân sau trận chung kết và tự hỏi rằng công tác chống doping ở đâu. Khi lọt vào tứ kết hoặc sâu hơn, điểm và tiền thưởng cao hơn, bạn cần biết rằng mình sẽ được xét nghiệm”.

Murray cho biết anh bị kiểm tra doping rất nhiều trong năm nay - Ảnh: AFP

Với Andy Murray, vốn ủng hộ quan điểm của Federer về nỗ lực chống doping, việc tăng số lượng xét nghiệm vẫn chưa đủ. “Năm nay, tôi được xét nghiệm nhiều hơn so với trước đây và có lẽ nhiều nhất trong sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, vấn đề về số lượng chẳng còn quan trọng nữa vì tôi được xét nghiệm nhiều hơn bất kì vận động viên nào nhưng chuyện đó chẳng tạo nên sự khác biệt. Lance Armstrong là vận động viên được xét nghiệm nhiều nhất thế giới và anh ấy không rớt lần nào nhưng thực tế thì khác”.

Nadal ủng hộ việc trích tiền thưởng để làm kinh phí kiểm tra doping - Ảnh: AFP

Về chống doping, Rafael Nadal thì mong mọi kết quả xét nghiệm đều được công bố rộng rãi. Bản thân anh cũng hoàn toàn ủng hộ việc trích tiền thưởng giải làm nguồn tài chính để cải thiện cuộc chiến chống doping.

Người còn lại trong “tứ đại anh hào” của quần vợt chuyên nghiệp là tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic cho rằng, chương trình chống doping hiện nay là đủ. Thậm chí anh còn nói một số thủ tục lại quá rườm rà, đặc biệt là chuyện định vị các tay vợt. Số là theo quy định các tay vợt top 50 thế giới phải cung cấp địa điểm của mình trong thời gian 1 giờ mỗi ngày.

Djokovic bày tỏ quan điểm - Ảnh: AFP

Djokovic cảm thấy đây là chuyện phiền nhiễu, đặc biệt là trong mùa “xả hơi”. “Mùa giải quần vợt rất dài. Người ta hoàn toàn biết và có thể tìm chúng tôi. Tuy nhiên, khi không thi đấu, chúng tôi đi lại như con thoi, đổi địa điểm thường xuyên thì thật khó mà theo dõi rồi điền vào phiếu địa điểm theo quy định”, Djokovic nói.

Hiện nay, chương trình chống doping do Liên đoàn quần vợt quốc tế điều hành (ITF). Ngân sách dành cho hoạt động này từ sự đóng góp của Hiệp hội quần vợt nam, nữ chuyên nghiệp (ATP, WTA), ITF và các giải Grand Slam, ước tính khoảng 4 triệu USD/năm.

Theo số liệu do AP thu thập, chương trình chống doping trong làng quần vợt chuyên nghiệp thế giới thực hiện hơn 3.500 xét nghiệm hàng năm, trong đó có hơn 1.400 mẫu khi không thi đấu. Thông thường, các tay vợt top 50 ATP được xét nghiệm hơn 7 lần mỗi mùa giải và top 50 WTA vào khoảng 4-6 lần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.