Sao sáng trên đỉnh Nậm Ban

07/05/2017 09:18 GMT+7

Sáng 17.2.1979, phía Trung Quốc bắn pháo cấp tập hủy diệt Trạm biên phòng Gia Khâu và doanh trại đồn 1, sau đó lính bộ binh ồ ạt tràn sang đánh chiếm đồn. Lừu A Phừ dẫn tổ nuôi quân 6 người chốt giữ điểm cao được phân công và đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch ngay từ sáng sớm.

Anh hùng lực lượng vũ trang (AHLLVT) Lừu A Phừ 67 tuổi tròn xoe mắt nhìn chúng tôi, tỏ vẻ ngạc nhiên: “Tại sao các bác biết tôi ở đây. Lên cách nào hay vậy?”.
Ông phăm phăm bước lên căn nhà sàn mới dựng, kéo roẹt cái hòm tôn dưới gầm giường, lúi húi mở 3 lần khóa, lau sạch bụi bặm bám xung quanh và lôi ra từng tập giấy tờ ố vàng, cong queo.
Người anh nuôi
Tôi ngồi kiên nhẫn xem: Từ giấy chứng nhận mua trâu năm 1985, trợ cấp khó khăn năm 1991 trị giá 1 triệu đồng của UBND tỉnh Lai Châu cho AHLLVT, bằng, giấy khen, huân, huy chương và nhiều nhất là các giấy mời ra trụ sở xã - huyện nhận quà tặng, chế độ của cấp trên tặng cho AHLLVT.
Hỏi, ông cười phớ lớ: Từ nhà mình ra UBND xã Nậm Ban, nơi ô tô đến được, đồng bào quen đi rừng cũng phải cuốc bộ nửa ngày. Xe máy thì chỉ thanh niên cứng tay, quen đường mới dám cầm lái. Xa quá nên các đoàn muốn vào cũng đành chịu, toàn mời mình ra nhận quà, thăm hỏi.
Nâng niu từng tờ giấy khen, ông quay lại hồi ức: Sinh năm 1950, anh thanh niên dân tộc Mông ở xã Tà Phình (Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) đi công nhân lâm trường và năm 1974 sau khi sinh đứa con trai đầu tiên Lầu A Thùng, ông mới nhập ngũ vào Công an nhân dân vũ trang - CANDVT (nay là bộ đội biên phòng). Vốn có sức khỏe, lại cần cù chịu khó nên ông được giao đủ các nhiệm vụ từ quay máy phát vô tuyến điện cho đến mở đường khảo sát biên giới và lâu nhất là công việc nấu nướng nuôi quân.
Đến giờ, những cựu chiến binh của đồn 1 CANDVT tỉnh Lai Châu (nay là Đồn biên phòng 289 - Sì Lờ Lầu) vẫn còn giữ hình ảnh người anh nuôi dân tộc Mông suốt ngày quần ống thấp ống cao vào rừng tìm rau, kiếm măng, bẫy chim thú cải thiện bữa ăn cho anh em.
Ông kể: Từ cuối năm 1977, phía Trung Quốc gia tăng khiêu khích vũ trang trên địa bàn biên giới Lai Châu. Như ngày 29.11.1978, Trung Quốc cho một đại đội tập kích trạm CANDVT Lùng Than (khi đó thuộc Đồn Ma Lù Thàng); ngày 29.1.1979, tổ công tác gồm 3 chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tuần tra biên giới dọc sông Nậm Na thì bị một trung đội vũ trang Trung Quốc phục kích tấn công khiến một chiến sĩ hy sinh ngay tại chỗ.
Chiến sĩ Bình bị bắt trên đường độc đạo, trong lúc bị dẫn giải, anh Bình đã đánh gục đối tượng áp giải và chạy thoát; ngày 6.2.1979, khi Đại đội 5 cơ động của CANDVT Lai Châu lên lập chốt tăng cường cho trạm Lùng Than, phía Trung Quốc cho hai đại đội bộ binh tập kích vào chốt Lùng Than làm 3 chiến sĩ hy sinh.
Ngày 30.1.1979, tại xã Vàng Ma Chải (Phong Thổ), lính Trung Quốc nổ súng tấn công tổ công tác đang tuần tra dọc biên giới, thấy chiến sĩ Chiến nằm im sau gò mối nổi, phía Trung Quốc tưởng anh Chiến đã chết nên cho 4 tên sang lấy súng. Khi tốp lính đang vượt suối, anh Chiến bất ngờ nổ súng diệt tại chỗ 2 tên, làm bị thương 2 tên...
Sáng 17.2.1979, phía Trung Quốc bắn pháo cấp tập hủy diệt Trạm biên phòng Gia Khâu và doanh trại đồn 1, sau đó lính bộ binh ồ ạt tràn sang đánh chiếm đồn. Lừu A Phừ dẫn tổ nuôi quân 6 người chốt giữ điểm cao được phân công và đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch ngay từ sáng sớm.
Đến khoảng 8 giờ, 2 chiến sĩ hy sinh, 2 chiến sĩ nữa bị thương nặng, Phừ và chiến sĩ còn lại cũng bị thương ở tay và mặt nhưng vẫn kiên cường chiến đấu. Khi lính địch ào vào trận địa, nhảy xuống chiến hào, Phừ linh hoạt sử dụng lựu đạn, dao lê đánh giáp lá cà và các loại súng AK, B40, B41 đánh trả giữ chốt, diệt nhiều tên địch ngay tại chỗ. Khi bị thương nặng phải rút khỏi chốt và đêm 17.2.1979 nhận lệnh di chuyển trận địa, rút về phía sau, chuẩn úy Lừu A Phừ vẫn cương quyết dẫn đầu mũi cảm tử, bảo vệ các thương binh.
“Không thể nào đưa 2 liệt sĩ Bùi Công Khuê, Trần Đức Thịnh cùng sinh năm 1959 theo cùng đoàn thương binh, đành giấu anh em trong góc giao thông hào”, ông Lừu A Phừ kể lại và gạt nước mắt: “Hôm sau pháo nó bắn phi tang trận địa, đơn vị tăng cường lên tìm kiếm mãi vẫn không thấy thi hài anh em. Sau này xây dựng lại đồn, phát hiện nhiều hài cốt, địch, ta lẫn lộn”...
Anh hùng lực lượng vũ trang Lừu A Phừ bên căn nhà mới dựng lại Ảnh: M.T.H
Gương mẫu... chuyển nhà
Sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, chuẩn úy nuôi quân Lừu A Phừ được trao tặng Huân chương Chiến công hạng nhì và ngày 19.12.1979, được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng phong tặng danh hiệu AHLLVT nhân dân. Do bị xếp hạng thương binh loại A (hạng 3 vĩnh viễn) với tỷ lệ thương tật 55%, cấp trên cho ông chuyển công tác về Ban Chỉ huy quân sự H.Sìn Hồ (Lai Châu) và năm 1984, ông xin về nghỉ sau 10 năm gắn bó với quân đội.
Về địa phương, ông làm công an viên xã Tà Phình (Sìn Hồ) và mãi năm 1997, khi được cấp trên đề nghị, ông vận động gia đình - dòng họ di chuyển sang xã Nậm Ban (H.Nậm Ngùn, Lai Châu) khai phá đất rừng, bảo vệ khu vực biên giới ở bản mới Nậm Vạc 1 với chức danh trưởng bản. Năm 2000, bản Nậm Vạc 2 được thành lập, cả xã và huyện lại thuyết phục ông “đi đầu gương mẫu”, thêm một lần nữa bỏ nhà cửa mới xây dựng để “làm lại từ đầu” trên vùng đất mới. Ông cũng chấp nhận, đưa cả nhà ra đi.
Sau 2 lần gương mẫu, căn nhà thứ 3 của ông được xây ở bản Nậm Vạc 2 chỉ đơn sơ là nhà đắp đất, mái lợp tôn và dần xiêu vẹo bởi mưa gió, không chứa nổi 12 nhân khẩu của 4 gia đình - 3 thế hệ. Cực chẳng đã, đầu năm 2014 ông mới làm đơn xin cấp trên hỗ trợ việc xây nhà. Sau hàng chục lần gửi đơn, gặp đoàn cán bộ huyện tỉnh nào về xã làm việc, cũng đưa đơn - trình bày hoàn cảnh, đầu tháng 4. 2016 căn nhà sàn truyền thống của ông mới được hoàn thành với số kinh phí hỗ trợ của bộ đội biên phòng là 60 triệu đồng, số 60 triệu đồng còn lại, ông phải bán 3 con trâu và vay mượn thêm của các cán bộ xã.

tin liên quan

Một mái nhà cho người anh hùng
Ông Nguyễn Xuân Trường (70 tuổi, hiện đang ở xã Kỳ Lạc, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVT) khi là đại đội trưởng bộ binh thuộc sư đoàn 326, Quân khu 2, trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc 1979.
Anh Liền A Sinh, công an viên của bản Nậm Vạc 2, cho biết hằng tháng ông Phừ đều dành vài trăm ngàn để giúp đỡ ông Phàng cũng là cựu chiến binh bảo vệ biên giới phía bắc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ốm đau liên miên và mua bánh kẹo, sách vở tặng cho các học sinh trong bản, động viên các em đừng bỏ học, tiếp tục cắp sách tới trường. “Người Mông không có thói quen nhận tài trợ, duy ông Phừ đã phá bỏ rào cản đó và giờ trở thành tấm gương phát động phong trào đùm bọc trong bản”, anh Liền A Sinh kể.
Trời sẩm tối, chúng tôi chia tay để xuống núi, AHLLVT Lừu A Phừ nắm tay chúng tôi lắc lắc: “Cán bộ có về tỉnh thì bảo tỉnh cho mình lên thăm lại Sì Lờ Lầu”. Tôi ngạc nhiên: “Cùng trong H.Phong Thổ, cách hơn 100 km sao bác không tự đi lên thăm lại chiến trường xưa?” và ngẩn người trước câu trả lời của ông: “Mình là người Mông, lại là cán bộ đảng viên, không thể tự đi chơi lang thang được. Dân tộc mình có phong tục phải mời mới đến”. Chiều ở Nậm Ban, xuống lưng chừng núi vẫn thấy ông đứng chơ vơ trên đỉnh lờ mờ sương mây. Anh con trai Lầu A Thùng vừa dẫn tôi xuống núi vừa nói: “Hôm nay, chắc bố vui lắm vì có các anh đến hỏi chuyện, chụp ảnh...”.
Tôi ngoái đầu nhìn lại: Trên đỉnh Nậm Ban nơi ông đứng, bỗng lóe lên ánh sao sớm. Ánh sao màu xanh, như câu chuyện về những người Mông, Dao, Tày, Nùng, Mảng, Hà Nhì... bình dị nhưng bất khuất, ngã xuống rồi vẫn bất tử, bảo vệ biên cương...
Gặng hỏi chuyện động viên trẻ con đi học, ông Lừu A Phừ nói thật: “10 năm trong quân đội cũng là 10 năm tôi đi biền biệt, không một lần về thăm nhà. Khi khoác ba lô về bản, con trai Lầu A Thùng đã lớn. Hồi ấy lại không có điểm trường bản như bây giờ, nên thằng bé trầy trật học mấy năm lớp 2 và đành bỏ. 2 đứa con gái cũng không ở được với mình. Con trai út Lừu A Sáu, 32 tuổi mắc bệnh tự kỷ, cũng không học nổi và giờ còn không biết tiếng phổ thông. Con cái mình thiệt thòi, nên càng phải lo cho bọn trẻ trong bản, không để nó thất học vất vả”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.