Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 11: Thái Xuân và đội tuyển “lạ lùng”

18/02/2013 00:00 GMT+7

Từng đứng trên đỉnh vinh quang, từng rơi vào cảnh bế tắc đến cùng cực khi sự nghiệp đang ở thời kỳ hoàng kim nhất. Còn bây giờ, cựu tuyển thủ cầu mây Hoàng Thị Thái Xuân đang được “đi đến tận cùng của sự đam mê”.

Từng đứng trên đỉnh vinh quang, từng rơi vào cảnh bế tắc đến cùng cực khi sự nghiệp đang ở thời kỳ hoàng kim nhất. Còn bây giờ, cựu tuyển thủ cầu mây Hoàng Thị Thái Xuân đang được “đi đến tận cùng của sự đam mê”.

Cùng với Thúy Vinh, Trần Thị Vui, Hoàng Thị Thái Xuân là một trong những tên tuổi đầu tiên của cầu mây nữ VN.

Gắn bó với cầu chinh từ năm 1991 đến tận cuối năm 1996, đùng một cái, Xuân được HLV Hà Khả Luân (nguyên Phó giám đốc Sở TDTT Hà Nội) gọi sang chơi cầu mây - môn thể thao lạ hoắc ở VN lúc bấy giờ. “Nghĩ lại quãng thời gian ấy, cũng không hiểu tại sao cầu mây lại có sức thu hút mãnh liệt đến thế. Là dân đá cầu mà mình còn cảm thấy quá khó để tiếp cận với nó. Muốn chơi tốt được cầu mây, ngoài đôi chân khéo léo còn phải có thể lực thật tốt và đầu óc phải tinh anh. Từ động tác kỹ thuật cho đến luật chơi, cả thầy lẫn trò phải tự mày mò tìm hiểu cực kỳ vất vả. Làm gì có sách nào hướng dẫn, thầy mang mấy quyển luật từ Thái Lan về rồi cho người dịch. Thời gian đầu, nản vô cùng và có lúc tưởng chừng đã bỏ cuộc. Nhưng không ngờ, càng tập càng say mê”.

 
Thái Xuân và chồng con - Ảnh: nhân vật cung cấp

Đến chết cũng không thể quên

Chưa có đội tuyển nào “lạ lùng” như đội tuyển cầu mây. Từ ngày các cầu thủ được làm quen với môn thể thao du nhập từ Thái Lan đến ngày tập trung dự SEA Games 19 chỉ vỏn vẹn có vài tháng. Nói ví von thì y hệt như đứa trẻ vừa biết chữ ngày hôm trước, hôm sau đã phải đi thi đại học. Ấy thế mà cuối năm 1997 cũng đã mang về 2 tấm HCĐ nội dung nữ đồng đội và đội tuyển rồi ở giải thế giới King’s Cup cũng đoạt HCĐ. Và một năm sau đó, lập được chiến tích huy hoàng là đả bại Thái Lan ngay trên đất Thái trong trận bán kết gay cấn của ASIAD 13.

“Bây giờ hồi tưởng lại, tôi vẫn... nổi da gà, vẫn như thấy mình đang sống trong cảm xúc ngất ngây vì sung sướng. Trận vòng loại, đội tuyển VN đã gần như vắt kiệt sức để chiến thắng được đối thủ mạnh Myanmar và việc lọt vào bán kết cũng đã quá tuyệt diệu. Gặp chủ nhà Thái Lan, VN không chỉ phải chiến đấu trên sân mà còn phải chiến đấu với cả biển người trên khán đài. Chúng tôi đã chiến đấu kiên cường bằng tất cả nội lực của mình. Ở quả giao cầu cuối cùng, đội bạn đỡ hỏng. Chiến thắng nằm gọn trong tay VN. Tất cả òa lên nức nở! Nước mắt ở đâu ùa về. Không thể tin nổi là ta đã chiến thắng!”.

Và cũng không thể tin nổi, ở trận chung kết, VN lại... chiến bại trước Myanmar. “Gặp lại Myanmar, chúng tôi không hề chủ quan nhưng vận may đã không mỉm cười. Thi đấu giằng co cho đến loạt tie-break, VN đã thua và chỉ nhận HCB. ASIAD năm đó tôi tròn 19 tuổi và có đến chết tôi cũng không thể quên vì chứa đựng cả kỷ niệm ngọt ngào lẫn đau xót, đắng cay”, Thái Xuân kể lại.

Thêm một kỷ niệm ngọt ngào nữa là năm 2000, Xuân cùng đồng đội lại vượt qua Thái Lan ở trận chung kết để giành HCV giải vô địch thế giới King’s Cup cũng ngay tại Bangkok.

Nhưng kỷ niệm đắng cay nhất có lẽ là lần bị chấn thương nặng khi chỉ cách SEA Games 22 đúng 3 tháng. Một lần nhảy lên chắn cầu, nghe “khục” một cái, chủ công số 1 của đội tuyển VN khuỵu xuống sàn tập và khi đưa đi chụp phim đã bàng hoàng với kết luận của bác sĩ: vỡ sụn chêm đầu gối chân trái, đứt dây chằng chéo sau chân trái. Xuân rất liều vì quyết định không mổ mà tập hồi phục bằng cách... đeo gạch vào chân. Thời điểm ấy Xuân cũng đã định xin từ giã đội tuyển nhưng các thầy khuyên nên ở lại bởi Xuân thi đấu bằng “đầu và kinh nghiệm”. Năm đó trên sân nhà, VN lại chỉ giành HCB nhưng ở trận gặp Thái Lan, nhờ có Xuân đã giành chiến thắng nội dung đồng đội.

Không HCV nào sánh bằng

Xuân bảo sự nghiệp lớn nhất đời mình là cô con gái năm nay 8 tuổi và cậu con trai 5 tuổi mà không HCV nào sánh bằng. Cưới chồng năm 2003 nhưng 2 năm sau, hai vợ chồng Xuân mới quyết định sinh con. “Nhà nội chưa có cháu nên giục giã ghê lắm, nhưng đội tuyển lúc đó vẫn cần mình nên tôi chỉ dám thưa là chúng con đang kế hoạch. Số tôi quả thật quá may mắn khi có được một người bạn đời như chồng tôi. Ngay đến khi làm lễ cưới xong, cũng không có tuần trăng mật vì tôi đi tập huấn ở Trung Quốc liền một lèo 2 tháng. Bây giờ tôi cũng bận túi bụi ở đội, việc nhà hay chăm sóc con hầu như nhờ hết vào bà nội và bố bọn trẻ”.

Có vài chuyện có thể coi là “tày đình” mà Xuân không kể ra nhưng tôi tình cờ biết được qua một người bạn làm cho ngành thể thao Hà Nội. Năm 2002, Xuân đã thi đỗ Trường đại học Sư phạm Hà Nội nhưng chỉ học được vài tháng vì đã trót đam mê cầu mây nên đã quyết định quay lại. Làm trụ cột đội tuyển cho đến hết SEA Games 22, Xuân tiếp tục khoác áo Hà Nội thêm 2 năm nữa rồi mới chính thức xin nghỉ đội tuyển để sinh con. Thời gian đó, Xuân bị khủng hoảng trầm trọng vì cô bị thất nghiệp, thẻ bảo hiểm cũng không có, tiền thưởng dành dụm nhiều năm mang ra tiêu dần rồi cũng hết. Cũng may sau đó, Xuân được Sở TDTT Hà Nội nhận vào làm và giao nhiệm vụ đi tuyển quân cho cầu mây Hà Nội với mức lương khởi điểm 450.000 đồng/tháng.

Bây giờ, công việc của Xuân không chỉ tuyển quân mà làm huấn luyện cả lớp năng khiếu lẫn tuyến I với hơn 4 triệu đồng/tháng, bao gồm cả tiền công và tiền lương. Hỏi Xuân về những chuyện đã qua, cô nhẹ nhàng lắc đầu, bảo không muốn nhắc đến những gì thuộc về “khoảng trầm” của quá khứ. “Tôi rất hài lòng với những gì mình đang có. Công việc được tạo điều kiện tối đa vì HLV đội tuyển Hà Tùng Lập mới nhậm chức trưởng bộ môn cầu mây Hà Nội là người rất năng động, thấu hiểu anh em. Thu nhập của tôi không quá cao nhưng thật may mắn, mọi khoản chi tiêu lớn của gia đình đã có ông xã tôi lo”.

Cựu nữ tuyển thủ Hoàng Thái Xuân, sinh năm 1978 tại Hà Nội. Cô thuộc thế hệ cầu mầy đầu tiên của VN và là trụ cột không thể thiếu của đội tuyển cầu mây nữ quốc gia suốt từ SEA Games 19 tới SEA Games 22. Trong thời kỳ hoàng kim của mình, Xuân là chủ công số 1 của cầu mây VN và đến tận bây giờ khó có đàn em nào xuất sắc được như Xuân. Trong nhiều lần dự giải thế giới và King’s Cup, Xuân đã từng giành 1 HCV, 7 HCB. Cô cũng đã đoạt 2 HCB ASIAD, 7 HCB SEA Games...

Lan Phương

>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 10: “Cứ để bóng bàn nói về tôi”
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 9: Ngã rẽ của cựu nữ hoàng nhảy cao
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 8: Hồng Sơn “công chúa”
>> Sao thể thao Việt mừng xuân Quý Tỵ 2013

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.