Là vận động viên chủ lực của taekwondo Việt Nam một thời, từ 2 năm qua, Hồ Nhất Thống lại chuyển sang huấn luyện shorinji kempo.
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 17: Nỗi lòng nữ hoàng xứ Huế
Khi còn thi đấu ở hạng cân dưới (-) 58 kg , Hồ Nhất Thống đã giành rất nhiều thành tích. Nhưng đặc biệt nhất là giai đoạn 1997-1999, khi anh lần lượt đoạt đủ bộ huy chương từ khu vực đến thế giới: HCV SEA Games 1997, HCV ASIAD 1998 và HCĐ thế giới 1999. Năm 2001, anh nghỉ thi đấu và tham gia công tác huấn luyện taekwondo ở đội quyển quốc gia cùng đội tuyển TP.HCM. Bên cạnh đó, từ năm 2005, anh còn làm việc ở bộ phận Quản lý tập huấn và thi đấu của Trung tâm đào tạo VĐV võ thuật TP.HCM. Đến năm 2008, Hồ Nhất Thống rời khỏi Ban huấn luyện đội tuyển quốc gia, sau đó cũng rút lui khỏi đội tuyển thành phố vào năm 2009. Bẵng đi một thời gian, người hâm mộ thể thao thấy anh xuất hiện trở lại ở SEA Games 26 (2011) tại Indonesia nhưng ở vị trí HLV đội tuyển... shorinji kempo Việt Nam.
|
Thử thách mới
Tiếp PV Thanh Niên vào một chiều sau tết khi vừa cùng chuyên gia Indonesia đứng lớp ở đội tuyển shorinji kempo, lưng áo Nhất Thống ướt đẫm mồ hôi. Anh cười tươi: “Xin lỗi bạn nhé, mình mới thị phạm cho các em nên trông vậy đấy. Với lại, những lúc như thế là cơ hội để vận động chút đỉnh cho khỏe người”. Anh cho biết, shorinji kempo là môn võ Nhật Bản, xuất xứ từ võ Thiếu Lâm của Trung Quốc, hiện được phổ biến ở khoảng 40 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, Indonesia là một trong những nước phát triển mạnh nhất, với số lượng người tham gia luyện tập đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Nhật. Chính vì vậy, khi nước này đăng cai SEA Games 26, shorinji kempo đã được vận động để đưa vào chương trình thi đấu chính thức. Ở SEA Games 24 tại Thái Lan, đây chỉ là môn biểu diễn.
Sau khi có quyết định của BTC SEA Games Indonesia, cuối năm 2010, TP.HCM đã được Tổng cục TDTT cho phép thành lập đội tuyển shorinji kempo đại diện Việt Nam tranh tài tại đấu trường khu vực. Người được chọn để dẫn dắt đội tuyển non trẻ này là Nhất Thống. Anh kể: “Khi được giao nhiệm vụ, mình cũng lo lắm. Môn võ này quá lạ lẫm ở Việt Nam. Trên thế giới, tuy được truyền bá ở khá nhiều quốc gia nhưng shorinji kempo hầu như chưa được đưa vào thi đấu ở đại hội thể thao quốc tế nào, trừ SEA Games. Ngay cả mình vào thời điểm ấy cũng chưa biết nhiều về môn này. Nhưng mình nghĩ, cứ nỗ lực tối đa và xem đây là thử thách mới để chinh phục”.
Sau khi tham gia một khóa huấn luyện với các chuyên gia Indonesia, Nhất Thống có thể yên tâm hơn. Về kỹ thuật, shorinji kempo gồm các đòn thế đấm, đá và bẻ khóa. Khi thi đấu, môn võ này chia thành 2 hạng mục, đối kháng và quyền. Đấu đối kháng có nhiều điểm giống với taekwondo, karate, nhưng cho đấm knock-out vào mặt (karate thì đấm dừng) và chỉ cho đá đến tầm bụng (taekwondo cho đá đến mặt). Thi quyền thì như một dạng biểu diễn tự vệ, có kết hợp cả “quyền, cước” và kết thúc bằng đòn bẻ khóa tay để quật ngã đối thủ. Nhất Thống đảm nhận huấn luyện đối kháng, vốn khá gần gũi với sở trường taekwondo của anh, còn phần quyền thuật do chuyên gia Indonesia phụ trách.
Vạn sự khởi đầu nan
Quá trình xây dựng đội tuyển shorinji kempo của Nhất Thống gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc tìm kiếm VĐV. Trước đây, với taekwondo, anh có khá nhiều lựa chọn vì môn này rất phổ biến ở Việt Nam, bản thân Thống cũng dạy một lớp phong trào ở CLB Rạch Miễu (Q.Phú Nhuận) để đào tạo “gà” riêng. Trong khi đó, với shorinji kempo, nguồn nhân lực gần như là con số không. Thật ra, ở Hà Nội cũng có một nhóm bạn trẻ luyện tập môn này từ vài năm trước, nhưng tập để vui khỏe là chính nên không thi đấu đỉnh cao.
Nhận thấy phần đối kháng của shorinji kempo có nền tảng căn bản giống với nhiều môn võ nên Nhất Thống chiêu mộ học trò ở taekwondo và các bạn trẻ có “căn cơ” ở các môn khác. Ai tham gia thi quyền thuật thì được học thêm về bẻ khóa khớp với chuyên gia Indonesia. Cứ thế, đội tuyển “n trong 1” của Nhất Thống dần ổn định. Nhờ cả thầy lẫn trò đều có nền tảng tốt từ trước, lại không ngừng học hỏi và quyết tâm cao trong tập luyện nên đội shorinji kempo tiến bộ rất nhanh. Đặt mục tiêu có HCV tại SEA Games 2011 nhưng kết quả hơn cả mong đợi, học trò của Nhất Thống đã mang về 4 HCV, 3 HCB, 6 HCĐ cho đoàn thể thao VN.
Thành công là thế, nhưng hiện chỉ 13 VĐV đội tuyển shorinji kempo được hưởng lương của tuyến năng khiếu trọng điểm TP.HCM. Có 3 em tham gia tập luyện đều đặn nhưng không được hưởng chế độ nào cả. Nhất Thống hy vọng nhóm VĐV nòng cốt này sẽ được quyết định của Tổng cục TDTT triệu tập tập huấn đội tuyển quốc gia trong khoảng 2-3 tháng chuẩn bị SEA Games vào cuối năm nay. Do là môn mới nên shorinji kempo chưa được đầu tư nhiều. Môn này lại chưa nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia hay Đông Nam Á nên các VĐV cũng ít có cơ hội cọ xát. Còn những giải thế giới, như giải vào tháng 8 tới ở Osaka (Nhật Bản) thì chi phí khá cao nên các em cũng khó có cơ hội tham dự. Nhất Thống dự định, nếu sắp tới shorinji kempo được duy trì ở SEA Games, anh sẽ xây dựng một cách bài bản, cho thi đai đẳng và phát triển ra các tỉnh thành khác.
Hồ Nhất Thống sinh năm 1975, từng giành HCV SEA Games (1997), HCV ASIAD (1998) và HCĐ thế giới (1999). Năm 1998, anh đứng đầu danh sách VĐV tiêu biểu toàn quốc và được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì. Vợ anh chính là VĐV taekwondo Nguyễn Thị Huyền Diệu. |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 3: Mê taekwondo, suýt mất hạnh phúc
>> VN tổ chức giải Taekwondo quân sự thế giới
>> Luật mới trong taekwondo: Không cần đá mạnh
>> Olympic 2012 - Thể thao Việt Nam đặt niềm tin vào cử tạ và taekwondo
>> Thưởng 1 tỉ đồng nếu taekwondo đoạt HCV Olympic
>> Trọng Cường đoạt HCV taekwondo châu Á
>> Nguyễn Trọng Cường đoạt HCV taekwondo châu Á 2012
Bình luận (0)