Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 2: Cú mạo hiểm của cựu nữ hoàng tốc độ

29/01/2013 03:35 GMT+7

“Linh cũ kỹ lắm rồi, chẳng có gì mới để lên báo đâu. À có cái này mới nhất nè: Công ty Linh làm đang thực hiện một dự án hỗ trợ các VĐV thể thao Việt Nam sau khi giải nghệ”.

“Linh cũ kỹ lắm rồi, chẳng có gì mới để lên báo đâu. À có cái này mới nhất nè: Công ty Linh làm đang thực hiện một dự án hỗ trợ các VĐV thể thao Việt Nam sau khi giải nghệ”.

>> Sao thể thao ngày ấy -  Kỳ 1: Lý Đức “teo” 16 kg

Cựu nữ hoàng tốc độ Việt Nam Trương Hoàng Mỹ Linh nay là Giám đốc bộ phận dự án - tuyển dụng Công ty bảo hiểm nhân thọ Manulife phấn chấn cho biết như vậy.    

Mỹ Linh và gia đình nhỏ của chị
Mỹ Linh và gia đình nhỏ của chị - Ảnh: Q A 

Tại sao đến tận bây giờ đa phần các VĐV thể thao sau khi giải nghệ vẫn cực khổ đến như vậy? Mỹ Linh cứ đau đáu với ý nghĩ đó khi nghe câu chuyện về một VĐV điền kinh phải làm nghề nhổ cỏ sân bóng, một cầu thủ bóng đá nữ phải đi bán bánh mì, một lực sĩ phải chở nước mắm thuê cùng nhiều VĐV thể thao phải lao động tay chân sau khi vắt kiệt sức lực cho thể thao nước nhà.

Dự án thời giải nghệ

Ý nghĩ trên khiến Mỹ Linh buộc phải hành động bởi hơn ai hết cô thấu hiểu những được mất của VĐV khi chấp nhận theo đuổi thể thao đỉnh cao. “Đã là VĐV thể thao đỉnh cao, họ đều sở hữu một khả năng đặc biệt. Nếu được trao cơ hội, họ hoàn toàn đủ sức kiếm tiền trang trải cuộc sống sau khi giải nghệ”, Mỹ Linh khẳng định. Trong đầu cô vạch ra rất nhiều giải pháp để hỗ trợ họ, thiết thực nhất trong khả năng của Mỹ Linh là giúp họ trở thành nhân viên tư vấn tài chính, thậm chí trở thành quản lý ngay chính nơi cô đang làm việc.    

Nói là làm. Mỹ Linh trình dự án đào tạo VĐV thể thao sau khi nghỉ thi đấu thành nhân viên tài chính lên Ban Giám đốc Manulife. Sau nhiều lần thuyết phục, chứng minh khả năng thành công của dự án, Mỹ Linh thở phào nhẹ nhõm khi dự án được ban giám đốc thông qua. Cô lập tức bắt tay thực hiện khi tiến hành thương thảo rồi ký kết với Tổng cục TDTT dự án này trong thời gian từ 2012 đến 2017.

Chỉ chưa đầy 4 tháng thực hiện dự án ở TP.HCM và Hà Nội, Mỹ Linh cho biết hầu hết các VĐV tham gia dự án đều “sống khỏe”, thậm chí “sống rất khỏe” với nghề. “Bây giờ tôi có thể chia sẻ rằng không ít cựu VĐV thể thao tham gia dự án, sau khi được đào tạo, họ có hiệu quả công việc còn tốt hơn những người có kinh nghiệm trong nghề. Có người thu nhập mỗi tháng lên tới 30 triệu đồng, phần còn lại đều sống được với nghề mới”, Mỹ Linh tự hào. Cựu nữ hoàng tốc độ Việt Nam mong mỏi ngành thể thao, quản lý các bộ môn giới thiệu thêm nhiều trường hợp cựu VĐV chưa ổn định cuộc sống sau giải nghệ để kịp thời hỗ trợ họ.

Mỹ Linh chia sẻ rằng thay vì tài trợ cho các chương trình, các giải đấu thể thao, công ty chị quyết định hỗ trợ trực tiếp cho các VĐV bởi họ là đối tượng chính của thể thao và cũng là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Mạo hiểm để thành công     

Đến bây giờ khi đã “làm sếp” quản lý hàng trăm nhân viên trên khắp cả nước, Mỹ Linh vẫn không quên những quyết định mạo hiểm trong cuộc đời.     

Năm 1995 khi vướng chấn thương không thể tiếp tục thi đấu, Mỹ Linh quyết định từ giã thể thao đỉnh cao. Đó cũng là thời điểm cô vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngoại ngữ và được hứa hẹn về công tác ở Sở TDTT TP.HCM (nay là Sở VH-TT-DL TP.HCM). Thời đó, VĐV nào giã từ thể thao đỉnh cao mà được nhận về Sở làm việc như Mỹ Linh là chuyện hiếm. Vậy mà cô quyết định chọn con đường khác khi “đầu quân” về Đài truyền hình TP.HCM trong vai trò phát thanh viên bản tin tiếng Anh. Công việc tại đây trôi chảy nhưng cơ hội lại đến, Mỹ Linh quyết định “nhảy việc” sang lĩnh vực hàng không, trở thành thư ký điều hành Công ty liên doanh dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất, rồi chuyển sang làm trợ lý giám đốc hàng hóa cho Hãng hàng không Thụy Sĩ. Sự kiện “nước Mỹ bị tấn công” ngày 11.9.2001 khiến Mỹ Linh bị sốc, quyết định rời ngành hàng không mặc cho nhiều người bảo đầu óc cô có vấn đề.

Bỏ qua nhiều lời mời của các hãng hàng không, Mỹ Linh nghỉ ngơi một thời gian rồi bất ngờ quay trở lại với vai trò…trưởng phòng khách hàng Công ty bảo hiểm nhân thọ Bảo Minh CMG. “Lúc đó tôi chẳng biết gì về bảo hiểm, không hiểu sao người ta đọc hồ sơ rồi ấn ngay cho tôi chức vụ này”, Mỹ Linh nói. “Cứ thử làm việc này xem sao”, Mỹ Linh đón nhận cơ hội bằng ý nghĩ như vậy. Liên tục 2 tháng đầu, Mỹ Linh tập trung vào nghiên cứu, học hỏi về nghề bảo hiểm, nhất là những gì liên quan đến công việc. Từ 4 nhân viên ban đầu, sau 5 năm cô đã gầy dựng được hệ thống quản lý dưới mình lên tới 300 nhân viên trên toàn quốc, hoạt động hiệu quả trên cả sự mong đợi.

Sẵn sàng đối diện với thử thách khiến Mỹ Linh không dừng lại. Cô dấn bước tiếp theo, trở thành Giám đốc bộ phận dự án - tuyển dụng Công ty bảo hiểm nhân thọ Manulife và gắn bó đến nay.

Ở tuổi 44, cựu nữ hoàng tốc độ Việt Nam vẫn giữ mục tiêu sẽ gác lại công việc mưu sinh vào năm 50 tuổi để có nhiều thời gian chăm sóc cho chồng và 2 con thân yêu.

Trương Hoàng Mỹ Linh, sinh năm 1969 tại TP.HCM. Thành tích: Vô địch cự ly 100 m, 200 m từ năm 1986 đến 1995, từng tham dự các kỳ SEA Games, giữ kỷ lục quốc gia nhiều năm liền ở cự ly 100 m với thành tích 11”47.

Hoàng Quỳnh

>> Nhiều nỗi lo cho điền kinh VN
>> Điền kinh VN chưa chuyên nghiệp
>> Vị thế mới của điền kinh VN
>> Điền kinh VN thêm hy vọng cho SEA Games
>> Nghịch lý điền kinh VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.