Sập biệt thự cổ: Đường sắt đã báo cáo Hà Nội về sự xuống cấp

23/09/2015 17:57 GMT+7

(TNO) Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt cho biết, trước khi sập biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo, đơn vị này đã báo cáo Hà Nội về sự xuống cấp của ngôi nhà.

(TNO) Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt cho biết, trước khi sập biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo, đơn vị này đã báo cáo Hà Nội về sự xuống cấp của ngôi nhà.

Bộ Tài chính từng yêu cầu di dời
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, do điều kiện khó khăn về nhà ở của cán bộ công nhân, Tổng công ty Đường sắt đã ký hợp đồng thuê nhà ở cho 62 hộ dân tại nhà 107 Trần Hưng Đạo. Ngày 20.9.2013, Bộ Tài chính có văn bản số 12859/BTC-QLCS thống nhất để Tổng công ty giữ lại tiếp tục làm trụ sở làm việc theo quy hoạch của thành phố, liên hệ với Sở Xây dựng thành phố Hà Nội để được xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đề nghị Tổng công ty Đường sắt di dời, chấm dứt việc cho thuê tại cơ sở nhà đất để quản lý, sử dụng theo đúng quy định.
sap-nhaHiện trường vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo - Ảnh: Lê Nam
Trong khi đó, Tổng công ty Đường sắt lại cho rằng do thời gian sử dụng đã lâu, công trình (ngôi số 1) bị hư hỏng nặng có nguy cơ sụp đổ, úng ngập toàn bộ tầng hầm, do đó năm 2008, 2009, Tổng công ty đã có nhiều văn bản báo cáo UBND, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cho phép di dời các hộ gia đình trong khuôn viên 107 và phá dỡ để xây dựng trụ sở làm việc của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Cơ quan này cũng cho biết, đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội để thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính (văn bản số 2999/ĐS-VP ngày 27.11.2013, số 2130/ĐS-VP ngày 30.7.2015, số 2217/ĐS-VP ngày 5.8.2015), đến nay đang được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.
“Tổng công ty muốn di dời các hộ dân hợp pháp ra chỗ khác và đầu tư xây dựng 31 Láng Hạ làm khu tái định cư, dành cho đường sắt đầu tư trụ sở làm việc tại khu đất 107 Trần Hưng Đạo. Hà Nội đồng ý cho ngành đường sắt đầu tư xây dựng chỗ 31 Láng Hạ, nhưng tại số 107 Trần Hưng Đạo thì thủ tục pháp lý tòa nhà còn vướng mắc vì là bảo tồn cổ nên Hà Nội chưa chấp thuận và Sở Xây dựng cũng không phản hồi dù đã có nhiều văn bản gửi đi”, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt khẳng định.
Nhà đã 3 lần sửa chữa
Theo ông Hoạch, tòa nhà đã 3 lần sửa chữa, lần gần nhất năm 2010 tu bổ chống dột và dùng vật liệu nhẹ ngăn phòng hội trường chứ không thể cải tạo thay đổi kết cấu. Mái tôn thì được sửa từ năm 1996 khi nhà dột.
“Ngành đường sắt thấy căn nhà 107 không thể sử dụng lâu dài nhưng cũng chưa từng thuê đơn vị nào kiểm định về đảm bảo an toàn nhà. Trong quá trình sử dụng không phát hiện nguy cơ mất an toàn hay nguy cơ khẩn cấp về đổ sập. Chỉ trước 5 phút tòa nhà sập, cán bộ công nhân viên mới thấy rung, nghiêng và hô hào mọi người tháo chạy. Thời gian nhà sập xuống là quá nhanh,” ông Hoạch thông tin thêm.
Đề cập đến trách nhiệm của đường sắt trong việc sử dụng ngôi nhà này, ông Hoạch khẳng định, Tổng công ty Đường sắt đã báo cáo với thành phố sự xuống cấp của ngôi nhà. Đường sắt chưa có quyền sở hữu ngôi nhà đó bởi hiện không có giấy tờ gì về ngôi nhà. Sở hữu tòa biệt thự cổ này thuộc Hà Nội, còn đường sắt được sử dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.