Theo Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội, mưa sao băng Geminids (còn được gọi là vua của các trận mưa sao băng) thường xuất hiện hàng năm từ ngày 7 - 17.12. Người yêu thiên văn thường coi Geminids là mưa sao băng đẹp nhất trên bầu trời, tạo ra tới 120 vệt sao băng nhiều màu sắc mỗi giờ vào lúc cực điểm. Nó được tạo ra từ các mảnh vỡ của một tiểu hành tinh có tên là 3.200 Phaethon, phát hiện vào năm 1982.
Anh Vũ Thế Hoàng, Hội trưởng Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội, cho biết năm nay, mưa sao băng Geminids sẽ đạt cực đại vào đêm 13.12 và sáng 14.12.
Sáng 15.12, Geminids vẫn còn hoạt động mạnh. Mặt Trăng gần pha trăng mới sẽ khiến bầu trời đủ tối để có thể quan sát sự kiện tuyệt vời này. Điều kiện quan sát tốt nhất sẽ là từ một vị trí tối sau nửa đêm. Các sao băng có xu hướng tỏa ra từ chòm sao Gemini (Song Tử), nhưng cũng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.
Cũng trong ngày 14.12 còn một sự kiện thiên văn khác là nhật thực toàn phần. Tuy nhiên, ở Việt Nam không quan sát được hiện tượng này. Nhật thực toàn phần sẽ chỉ thấy được từ vùng phía nam Chile và miền nam Argentina. Pha nhật thực một phần sẽ được nhìn thấy ở hầu hết các vùng phía nam Nam Mỹ, đông nam Thái Bình Dương và nam Đại Tây Dương.
Sau trận mưa sao băng Geminids, ngày 21 - 22.12, những người yêu thiên văn lại tiếp tục được ngắm mưa sao băng Ursids. Đây là trận mưa sao băng cỡ nhỏ, với khoảng 5 - 10 sao băng mỗi giờ. Trận mưa sao băng này được hình thành từ các hạt bụi còn sót lại của sao chổi Tuttle, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1790. Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm 21, rạng sáng 22.12. Trăng bán nguyệt đầu tháng sẽ lặn ngay sau nửa đêm, để lại một bầu trời tối thuận lợi cho việc quan sát mưa sao băng.
Anh Vũ Thế Hoàng cho hay, thời điểm quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại một vị trí tối, cách xa những ánh đèn thành thị. Sao băng có thể sẽ xuất hiện từ phía chòm sao Ursa Minor (Tiểu Hùng), nhưng cũng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.
Ngoài ra, ngày 21.12 còn diễn ra hiện tượng “đại giao hội” hiếm gặp giữa 2 hành tinh Sao Mộc và Sao Thổ. Hai hành tinh sáng chói sẽ chỉ cách nhau 7 phút cùng trên bầu trời đêm và gần nhau đến mức tạo nên một “hành tinh đôi” sáng chói.
Người yêu thiên văn có thể nhìn về phía tây ngay sau khi mặt trời lặn để quan sát lần giao hội hành tinh ấn tượng và hiếm có này. Lần đại giao hội gần đây nhất xảy ra vào năm 2000.
|
Bình luận (0)