Nghị định 123/2015 quy định một trong những điều kiện bắt buộc khi đăng ký kết hôn là phải nộp bản chính giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã nơi người đăng ký thường trú (hoặc tạm trú nếu không có nơi thường trú) cấp.
Tra cứu dữ liệu thay cho xuất trình bản giấy
Đầu tháng 7, chị N.T.T (ở Đắk Lắk) lập gia đình. Để có thể đăng ký kết hôn, chị T. cần có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp bởi địa phương nơi đăng ký thường trú. Do đang cư trú và làm việc tại TP.HCM, chị T. phải mất 1 ngày từ TP.HCM về Đắk Lắk làm xác nhận. "Số ngày phép ít ỏi muốn để dành cho ngày cưới, nhưng tôi vẫn phải bỏ ra 1 ngày để làm thủ tục xác nhận độc thân. Cũng may, thủ tục không có gì trục trặc, tôi có được xác nhận của chính quyền mà không cần đi lại nhiều lần", chị T. cho hay.
Không suôn sẻ như chị T., tháng 1.2023, chị A.T (ở Q.Tây Hồ, Hà Nội) cũng làm thủ tục xác nhận tình trạng độc thân để đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, do thay đổi địa chỉ thường trú vào năm 20 tuổi, cán bộ địa phương yêu cầu chị A.T phải quay về nơi ở cũ để xin xác nhận trong khoảng thời gian từ 18 - 20 tuổi không đăng ký kết hôn với ai.
Đây cũng là thời gian sổ hộ khẩu giấy vừa bị bãi bỏ, nên khi quay về UBND phường cũ để làm xác nhận độc thân, chị A.T phải xin giấy xác nhận cư trú để chứng minh mình từng sinh sống trên địa bàn. Sau khi phát sinh thêm thủ tục này, cộng với sự hướng dẫn của nhiều cán bộ phụ trách, chị A.T mới "vất vả" xin được xác nhận tình trạng hôn nhân.
Thủ tục nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi đăng ký kết hôn là cần thiết, nhằm bảo đảm chế độ hôn nhân một vợ một chồng và bảo đảm hôn nhân không có sự lừa dối. Tuy nhiên, trong bối cảnh các cơ sở dữ liệu (CSDL) đã được xây dựng và dần liên thông như hiện nay, quy định này đã không còn phù hợp, gây tốn kém thời gian, công sức cho cả cơ quan quản lý nhà nước và người dân, nhất là trường hợp từng cư trú nhiều nơi hoặc giấy tờ tùy thân có sự khác nhau về thông tin.
Để phù hợp với thực tiễn, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực. Lãnh đạo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, một trong những điểm mới rất quan trọng của dự thảo là bãi bỏ quy định về việc nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi làm thủ tục đăng ký kết hôn. Thay vào đó, cơ quan làm thủ tục đăng ký kết hôn sẽ thực hiện tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của các bên yêu cầu đăng ký kết hôn từ CSDL hộ tịch và CSDL quốc gia về dân cư.
Quá trình xây dựng nghị định, sở tư pháp một số địa phương đề nghị giữ nguyên yêu cầu nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, nhằm đảm bảo cho việc chứng minh điều kiện kết hôn như lâu nay. Nhưng theo Bộ Tư pháp, việc bỏ quy định nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ là thay đổi phương thức chứng minh điều kiện kết hôn, thay vì để người dân phải nộp giấy này thì cán bộ sẽ tra cứu thông tin trên CSDL điện tử. Trường hợp không có thông tin trong CSDL, cơ quan đăng ký hộ tịch cần đề nghị UBND cấp xã nơi người có yêu cầu thường trú thực hiện việc xác minh.
Chưa bỏ giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
Bày tỏ ủng hộ đối với đề xuất của Bộ Tư pháp, luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) dẫn luật Căn cước năm 2024 quy định tình trạng hôn nhân là một trong những thông tin được thu thập, cập nhật vào CSDL quốc gia về dân cư. Hiện nay, CSDL này đã đi vào vận hành, được kết nối, chia sẻ để các cơ quan có thẩm quyền khai thác thông tin của công dân; vì thế việc tiếp tục yêu cầu nộp bản chính giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi đăng ký kết hôn là thừa.
Theo luật sư Tâm, ngoài đăng ký kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân còn được sử dụng ở nhiều lĩnh vực khác, nhất là liên quan đến đăng ký tài sản (bất động sản, ô tô, xe máy…). Việc đề xuất bỏ quy định nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi đăng ký kết hôn mang lại lợi ích rõ ràng cho người dân như đã nêu, vậy cơ quan quản lý cũng nên nghiên cứu để có giải pháp liên thông dữ liệu ở các lĩnh vực khác, tiến tới tất cả thủ tục đều không cần xuất trình giấy này nữa.
Một số ý kiến đề xuất bãi bỏ hẳn quy định về giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Theo Bộ Tư pháp, về việc có nên bãi bỏ giấy xác nhận này, đa số ý kiến từ các cơ quan T.Ư và địa phương đều nhận định là không, ít nhất tại thời điểm hiện tại. Bởi lẽ, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ngoài mục đích sử dụng để đăng ký kết hôn còn dùng vào các mục đích khác ở trong nước (thủ tục du học, vay vốn, lao động...) hoặc sử dụng để đăng ký kết hôn, làm các thủ tục có liên quan tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (bảo lãnh, xin cấp visa...).
Trong khi đó, không phải tất cả cơ quan có thẩm quyền ở trong nước đều có thẩm quyền khai thác thông tin tình trạng hôn nhân từ CSDL hộ tịch và CSDL quốc gia về dân cư. Các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cũng không thể và không được quyền tra cứu thông tin tình trạng hôn nhân của người dân trong hai CSDL nói trên. Chưa kể, các cơ quan đại diện VN tại nước ngoài cũng chưa sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp, do đó việc tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân từ các CSDL không thực hiện được.
Để tránh xáo trộn, song song với bỏ quy định nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi đăng ký kết hôn, Bộ Tư pháp đề xuất giữ nguyên quy định về cấp giấy này để công dân sử dụng vào các mục đích khác.
Một nguồn tin từ Bộ Tư pháp cho hay việc bỏ quy định nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ thực hiện được khi hệ thống CSDL liên quan đã được thu thập "đúng, đủ, sạch" và có sự liên thông, chia sẻ. Do đó, đề xuất bỏ quy định nộp giấy này ở các lĩnh vực khác ngoài đăng ký kết hôn cần có lộ trình, phải đáp ứng được điều kiện theo quy định thì mới có thể triển khai.
Bình luận (0)