Sắp khánh thành công trình tôn tạo di tích quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

07/08/2024 12:11 GMT+7

Ngày 9.8, Hội Nhà báo Việt Nam và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ đồng tổ chức lễ khánh thành và bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, tại xã Tân Thái, H.Đại Từ.

Theo thông tin từ Hội Nhà báo Việt Nam, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời ngày 4.4.1949, giữa núi rừng ATK Việt Bắc. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sắp khánh thành công trình tôn tạo di tích quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng- Ảnh 1.

Công trình tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sắp được khánh thành

SƠN HẢI

Trước đó, ngày 28.3.2019, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL ban hành Quyết định số 1182/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là di tích quốc gia, thuộc địa bàn xã Tân Thái, H.Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Đến ngày 4.4.2019, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức lễ khánh thành bia di tích nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Sắp khánh thành công trình tôn tạo di tích quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng- Ảnh 2.

Bia di tích do Hội Nhà báo Việt Nam khánh thành từ năm 2019 nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

SƠN HẢI

Chào mừng 75 năm ngày thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, ngày 18.1, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND và các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên tổ chức lễ khởi công tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Sau 7 tháng thi công, công trình di tích này đã hoàn thành cơ bản các hạng mục chính.

Công trình gồm nhà trưng bày - bảo tàng thu nhỏ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, dưới hình thức căn nhà cấp 4 rộng 80 m2 xây trên đồi cao, phỏng dựng theo tài liệu ghi chép và một số hình ảnh tư liệu để lại, xưa là nhà tre nứa, nay là nhà khung gỗ, mái lá nhân tạo chống cháy.

Sắp khánh thành công trình tôn tạo di tích quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng- Ảnh 3.

Phù điêu với 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

SƠN HẢI

Nhà sàn - bảo tàng thu nhỏ trưng bày về báo chí Chiến khu Việt Bắc 1946 - 1954 rộng 80 m2, phỏng dựng từ ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, nơi chỉ đạo trực tiếp các hoạt động báo chí kháng chiến và cũng là nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam năm 1950.

Công trình này có phù điêu với 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng; hội trường trong lòng đồi phục vụ hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác, có sức chứa trên 150 người; quảng trường mini phục vụ tổ chức sự kiện, rộng 200 m2...

Theo Hội Nhà báo Việt Nam, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sau khi tu bổ, tôn tạo dự kiến sẽ là "địa chỉ đỏ" các nhà báo về nguồn, sinh viên và học sinh học tập, trải nghiệm về lịch sử báo chí. Di tích này cũng là nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo về báo chí, tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn, nơi phát thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, lễ trao các giải báo chí khu vực và địa phương…

Sắp khánh thành công trình tôn tạo di tích quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng- Ảnh 4.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ là địa chỉ tham quan, tìm hiểu lịch sử báo chí Việt Nam

SƠN HẢI

"Chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến các hội nhà báo địa phương, các liên chi hội và chi hội nhà báo trong toàn quốc với mong muốn tất cả giới báo chí thấy rõ tầm quan trọng của di tích này; coi đây là một địa chỉ đỏ để các nhà báo, nhất là các nhà báo trẻ, hướng về nguồn, để tìm hiểu lịch sử báo chí hào hùng, nghe kể chuyện về lớp lớp đàn anh đi trước và xây đắp cho tương lai của báo chí nước nhà", nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.