Sáp nhập 3 văn phòng: 'Đi giám sát về, ông chánh văn phòng sửa lại kết luận'

01/06/2020 18:02 GMT+7

Cả ý kiến của Chính phủ lẫn Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sáp nhập 3 văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND địa phương chỉ giảm đầu mối cơ học còn hiệu quả không cao.

Vừa đá bóng, vừa thổi còi

Chiều 1.6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc tổng kết thực hiện thí điểm Nghị quyết 580 về thí điểm hợp nhất 3 văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND.
Báo cáo tổng kết thí điểm của Chính phủ cho thấy, trong 12 địa phương thực hiện, có 11 địa phương hợp nhất 3 văn phòng thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND. Riêng TP.HCM thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với HĐND thành phố.
Chính phủ đánh giá, ưu điểm của phương án thí điểm là giảm tối đa đầu mối tổ chức văn phòng, số lượng tổ chức bên trong của văn phòng, số lượng lãnh đạo quản lý…
Tuy nhiên, Chính phủ nhìn nhận, văn phòng chung thực hiện chức năng tham mưu, phục vụ nhiều đối tượng khác nhau nên khó đảm bảo tính khách quan trong hoạt động tham mưu đối với công tác quản lý nhà nước của UBND, công tác giám sát của HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội.
Việc này khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác tham mưu, giúp việc đồng thời cho 2 hệ thống cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp.
Ngoài ra, việc hợp nhất còn mang tính cơ học, chỉ giảm đầu mối người đứng đầu, chưa giảm được cấp phó và công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng.
Từ đó, đa số các địa phương triển khai thực hiện thí điểm kiến nghị chỉ nên thực hiện hợp nhất văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với văn phòng HĐND cấp tỉnh và giữ nguyên văn phòng UBND cấp tỉnh. Chính phủ thống nhất với kiến nghị này.

Đối tượng giám sát lại ra kết luận

Nêu ý kiến thảo luận, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, việc hợp nhất 3 chủ thể với nhau “thực sự khó khăn”. “Kết quả giảm là đương nhiên, nhưng giảm này chỉ mang tính cơ học. Còn về chức năng nhiệm vụ thì rất khó khăn, nhất là giám sát”, ông Phúc nêu và cho biết, nhiều khi sau khi chọn đối tượng giám sát xong, chính ông đó lại ban hành kết luận giám sát.
“Nhiều đoàn đại biểu Quốc hội rất bức xúc việc sau khi giám sát về thì chánh văn phòng lại sửa kết luận giám sát đó, dẫn đến không bảo đảm tính khách quan”, ông Phúc nói thêm và cho biết, từ khi thẩm tra Nghị quyết 580 của Quốc hội, ông đã nói “chắc lại tách nó ra thôi”.
Theo ông Phúc, không có cơ sở khoa học nào cho việc nhập 3 văn phòng. Tính từ năm 1976 tới nay, tính bình quân cứ 3 năm rưỡi lại có 1 lần nhập hoặc tách. “Cứ khi cần chuyên môn hoá, cần sâu thì tách ra, nhưng khi cần giảm biên chế, giảm bộ máy lại nhập vào. Câu chuyện này cứ thay đổi thường xuyên như thế, nhiều khi anh em không chuyên tâm, không yên tâm, cũng gây tốn kém về vật chất”, ông Phúc nói và đề nghị lần này cần có đánh giá kỹ.
Tổng thư ký Quốc hội cũng đồng tình với đề xuất của Chính phủ là hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và văn phòng HĐND, song cho rằng luật Tổ chức Quốc hội tới tháng 7.2021 mới có hiệu lực thì “anh em sẽ phải chờ đợi, không biết đi đâu về đâu”.
Từ đó, ông Phúc đề xuất nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định nhập 2 văn phòng theo đề xuất của Chính phủ thì nên có đề án để tiến hành sáp nhập trong năm 2020 chứ không chờ đến khi có luật Tổ chức Quốc hội.

Đề nghị cho tách trở lại

Dành thời gian khá dài để nêu ý kiến về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, cả 9 tỉnh thí điểm việc hợp nhất 3 văn phòng mà bà làm việc đều không đồng tình với việc hợp nhất. “Kể cả tỉnh xung phong làm là Bắc Kạn cũng phàn nàn, cũng kêu. Cho nên, báo cáo đừng nhận định là: anh em đồng thuận, không phải đâu”, bà Phóng nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp

Ảnh Gia Hân

Bà Phóng cũng đề nghị báo cáo của Chính phủ phải kiểm điểm TP.HCM vì đã không thực hiện theo Nghị quyết của T.Ư, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà làm theo mô hình riêng.
Về hiệu quả của việc sáp nhập, bà Phóng cho rằng, chưa nói thành công hay không, song khẳng định là "đạt yêu cầu thấp". Từ đó, bà Phóng đề nghị, sau khi hết thời gian thí điểm (tới 31.12.2019) thì đề nghị trở lại như cũ theo luật.
Nói về hướng sáp nhập, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, không thể sáp nhập văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với văn phòng HĐND như đề xuất của Chính phủ mà cho rằng, nên sáp nhập văn phòng UBND và HĐND vì đây đều là cơ quan giúp việc của chính quyền địa phương.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị tính toán kỹ phương án sáp nhập. “Bây giờ chỉ còn 2 văn phòng, một cơ quan dân cử và văn phòng của UBND, tôi nghĩ đến thời điểm nào đó trong tương lai không xa lại quay trở về, lại có văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội”, ông Hiển nói và cho rằng, về lâu dài, phải có 3 văn phòng mới đảm bảo đầy đủ cả thực tiễn và lý luận.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm, việc hợp nhất 3 văn phòng là thực hiện thí điểm theo nghị quyết của T.Ư, do đó, 1 năm sau đa số ý kiến nói nhập không được thì cho về như hiện tại còn việc nhập văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với văn phòng HĐND phục thuộc luật Tổ chức Quốc hội chứ chưa kết luận vội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.