Dự kiến tại kỳ họp giữa tháng 7.2024, HĐND TP.HCM sẽ xem xét, thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn TP. Theo phương án sắp xếp đã được Bộ Nội vụ thống nhất, TP.HCM sẽ không thay đổi về số lượng quận, huyện mà chỉ sáp nhập 80 phường thuộc 10 quận (3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận).
ĐA SỐ NGƯỜI DÂN ĐỒNG THUẬN
Đến nay, UBND TP.HCM đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri 80 phường thuộc diện sáp nhập. Theo đó, có 877.674/961.533 cử tri đồng ý với chủ trương sắp xếp, chiếm tỷ lệ hơn 91%. Các ý kiến khác tập trung nêu khó khăn trong việc chuyển đổi giấy tờ, địa chỉ sau sáp nhập, đồng thời đề nghị chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc chuyển đổi các loại giấy tờ sau khi sắp xếp. Bên cạnh đó, người dân đề xuất việc đặt tên phường mới nên có chọn lọc để ít tác động nhất; sắp xếp trụ sở, bố trí cán bộ kịp thời để thuận tiện khi làm thủ tục hành chính; tăng cường an ninh trật tự, an sinh xã hội, vệ sinh môi trường tại phường mới khi dân số tăng.
Ông Nguyễn Hoàng Hưng, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên (Sở Nội vụ TP.HCM), cho biết dự kiến sẽ có 450 cán bộ, công chức dôi dư sau khi sáp nhập 80 phường để thành lập 38 phường mới. So với giai đoạn 2019 - 2021, công tác sắp xếp phường lần này phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn. "Sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư là câu chuyện khiến chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều", ông Hưng nói, đồng thời cho biết TP.HCM đã chuẩn bị giải pháp phù hợp, đúng quy định và chia sẻ với tâm tư, lo lắng của đội ngũ ở cơ sở.
Theo đó, hiện Sở Nội vụ phối hợp, hướng dẫn 10 quận nói trên rà soát cụ thể số lượng cán bộ, công chức dôi dư để xây dựng phương án sắp xếp đảm bảo khoa học, có lộ trình, đề xuất chế độ, chính sách nhằm sớm ổn định lực lượng. Trước đó, TP.HCM đã thống nhất không giao bổ sung biên chế năm 2024 theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội (QH) nhằm ổn định bộ máy, tránh làm phát sinh số lượng cán bộ, công chức.
Tương tự, đối với trụ sở, Sở Nội vụ phối hợp Sở Tài chính và 10 quận xây dựng phương án và lộ trình sắp xếp trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị, hoàn thành trong thời hạn 3 năm kể từ ngày đề án được Ủy ban Thường vụ QH thông qua.
Về giấy tờ, Sở Nội vụ tham mưu UBND TP.HCM hướng dẫn 10 quận và các phường sau sắp xếp chuyển đổi, cập nhật thông tin cho người dân, tổ chức. Các cơ quan làm thủ tục chuyển đổi giấy tờ phải tạo điều kiện thuận lợi và không được thu phí, lệ phí.
CÁC QUẬN CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ ?
Giai đoạn 2019 - 2021, khi TP.HCM tiến hành sáp nhập 19 phường và 3 quận (2, 9, Thủ Đức để thành lập TP.Thủ Đức) đã nảy sinh một số bất cập kéo dài đến nay, nhất là trong việc bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức và trụ sở dôi dư.
Khảo sát của PV Thanh Niên cho thấy một số trụ sở hiện tại còn bỏ trống hoặc sử dụng không hết công năng, mặt bằng hiện có. Đơn cử như sau khi Q.5 sáp nhập P.15 và P.12, trụ sở cũ của Ban Chỉ huy Quân sự P.15 đến nay vẫn đang bỏ trống, còn trụ sở Đảng ủy - UBND P.15 cũ hiện chỉ sử dụng một phần làm bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Công an P.12.
Riêng TP.Thủ Đức, trong gần 3 năm sau khi sáp nhập, nhiều phòng ban chuyên môn có số lượng cấp phó lên tới 7 - 8 người, cao hơn gấp đôi quy định. Phải đến khi có Nghị quyết 98/2023 của QH về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cho phép TP.Thủ Đức tăng số lượng cấp phó và thành lập một số đơn vị mới thì địa phương này mới sắp xếp được căn bản.
Theo tìm hiểu, nhiều quận ở TP.HCM đã nhận diện được khó khăn khi bố trí cán bộ, công chức hậu sáp nhập phường và có sự chuẩn bị từ sớm. Như tại Q.Gò Vấp, khi TP.HCM cho phép tăng thêm số lượng phó chủ tịch đối với phường trên 50.000 dân hồi tháng 2.2024 thì địa phương quyết định chưa tiến hành bổ nhiệm, bổ sung ngay mà chậm lại một nhịp. Lý do được lãnh đạo quận nêu ra là để dành biên chế bố trí lại cho lãnh đạo các phường thuộc diện sáp nhập. Sắp tới, Q.Gò Vấp sắp xếp 8 phường, gồm sáp nhập P.4 và P.7 vào P.1, nhập P.9 vào P.8, tách P.13 thành 2 để nhập vào P.14 và P.15.
Bà Trương Minh Kiều, Chủ tịch UBND Q.5, cho biết từ khi xây dựng đề án, Q.5 đã tính toán tổng biên chế được phê duyệt, chuẩn bị một bước để khi sáp nhập thì không ảnh hưởng quá nhiều đến công chức. Đối với lực lượng bán chuyên trách, quận không để đội khung các phường hiện hữu, đến khi sáp nhập có thể điều động qua lại. Riêng một số trường hợp tới tuổi hưu, cận tuổi hưu thì địa phương cũng đã trao đổi trước để cán bộ, công chức chia sẻ, ủng hộ việc chung.
Đối với cán bộ, công chức giữ chức danh lãnh đạo, Q.5 đã chủ động ngừng bổ nhiệm mới, các đơn vị bị hụt thì động viên cán bộ cáng đáng thêm công việc. "Đội ngũ lãnh đạo cấp quận đang thiếu cũng không bổ sung, để dành biên chế bố trí cán bộ khi sáp nhập phường. Thời gian vừa rồi, biên chế của quận chỉ giảm chứ không tăng, nơi nào cần thiết lắm mới điều động, tăng cường", bà Kiều nói thêm.
Về sắp xếp trụ sở, Chủ tịch UBND Q.5 cho biết trong đợt này, quận sẽ rà soát toàn bộ trụ sở của cả hai giai đoạn và đề xuất Ban chỉ đạo 167 TP.HCM phương án xử lý. Lường trước một số tác động đến người dân khi thay đổi địa giới hành chính, Q.5 đã xây dựng dự thảo kế hoạch để hạn chế ảnh hưởng. Tại các phường thuộc diện sáp nhập, một số thủ tục hành chính chưa bị ảnh hưởng bởi tên phường thì quận vận động người dân làm trước trong thời điểm này để khi nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH thông qua, hồ sơ không bị dồn dập trong thời gian ngắn.
Bình luận (0)