Sáp nhập đâu chỉ là phép cộng

21/08/2018 04:58 GMT+7

Trong khi ngọn cờ tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế được giương cao, là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thì cơ quan tham mưu cấp dưới về công tác này lại tỏ ra rất dè dặt, nước đôi.

Sau khi giảm đầu mối, sáp nhập các cơ quan hành chính, vấn đề được quan tâm nhất là công tác cán bộ: ai sẽ làm trưởng, quy trình tuyển chọn có minh bạch, có giảm được số lượng cấp phó hay đơn giản chỉ là một phép cộng cơ học? Những câu trả lời cốt yếu này hiện vẫn chưa có trong đề án sáp nhập cơ quan hành chính cấp xã, huyện đang được Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, tham mưu với cấp có thẩm quyền.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về quan điểm khi tham mưu về xử lý cấp phó sau sáp nhập, một vị thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: “Quan điểm chung là cố gắng sắp xếp theo quy định, còn từng trường hợp cụ thể thì để theo lộ trình”, và “Phấn đấu (số lượng cấp phó) theo quy định, một số địa phương sẽ cụ thể trong đề án và được xem xét một cách kỹ lưỡng”. Như vậy, ngay cả Bộ Nội vụ, với tư cách cơ quan tham mưu, cũng chưa thể hiện quan điểm nhất quán về xử lý số cấp phó này, mà vẫn để nước đôi.
Thử hỏi, nếu không ràng buộc, mà chỉ “cố gắng” với “phấn đấu”; lại còn để “đặc thù” cho những địa phương có số lượng cấp phó vượt khung, thì liệu có địa phương nào chịu “hy sinh”, làm chuẩn chỉnh ngay từ đầu?
Theo vị thứ trưởng này, “cái được” của sáp nhập là rất lớn, “nhưng cũng có giai đoạn quá độ”. “Nếu tách ra thì dễ, nhưng ở đây bài toán là sáp nhập. Như Hà Tây sáp nhập với Hà Nội, cấp phó của các sở, ngành toàn xung quanh một chục. Trong khi xây dựng đề án, không chỉ có hướng dẫn của Bộ Nội vụ, mà các địa phương cũng rất thận trọng. Phải sắp xếp hợp lý, có tính đến độ trễ, có lộ trình, có ổn định mới phát triển được”, vị này lý giải.
Cứ như tình hình này, thứ duy nhất được giảm là một vị trí cấp trưởng. Một cách làm sẽ rất đàng hoàng, minh bạch (nếu làm đúng) là thi tuyển lãnh đạo thì chưa bao giờ được bàn đến trong đề án.
Nêu lý do cản trở việc mạnh tay, lãnh đạo một cơ quan tham mưu cho biết: “Nước ngoài thì một cộng một bằng hai, nhưng ở ta cán bộ là cả quá trình phấn đấu, học tập, quy hoạch, bồi dưỡng lâu dài của cả tập thể... Hiện nhiều cái định tính rất tốt: tăng cường nọ kia, giữ ổn định, có tính kế thừa... nhưng để lượng hóa được thì khó”. Làm sao để “giữ ổn định” mà vẫn “tăng cường”? Câu hỏi này xem ra khó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.