Xe

Sáp nhập quận, phường: Q.4 nên về quận nào?

26/12/2016 14:59 GMT+7

Nếu có việc sáp nhập thì Q.4 nên về với quận nào cho hợp lý? Đây là thắc mắc của nhiều người và là một câu hỏi cần được cân nhắc kĩ.

TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học - Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, phân tích: Nếu nhập Q.4 vào Q.7 thì xa quá, có vẻ không ổn. Còn về với Q.1, thì giữa Q.4 và Q.1 là 2 miếng đất có tính chất rất khác nhau; Q.1 giữ vai trò trung tâm, nên về với Q.1 cũng không ổn.
Theo TS Nguyễn Minh Hòa, Q.4 cũng liền kề với Q.8, nếu nhập vào mà nó quá lớn thì có thể tính đến phương án chia lại địa giới của 2 quận này.
"Chủ trương sáp nhập là hợp lý để giảm bớt bộ máy trung gian, nhưng nhập vào đâu, nhập ra sao cần phải được tính toán rất kĩ vì nó liên quan đến vị trí, kinh tế, xã hội, tôn giáo. Nếu không thể có phương án nào khả thi thì cũng không nhất thiết phải nhập quận này vào quận khác mà cần thiết nhập phường lại thì rất nên vì không thể tiếp tục duy trì một bộ máy “khổng lồ” như vậy trên một địa bàn bé xíu", TS Nguyễn Minh Hòa cho biết thêm.

tin liên quan

Nghiên cứu, đề xuất sáp nhập một số phường, quận TP.HCM
Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Đỗ Văn Đạo cho biết Sở Nội vụ sẽ nghiên cứu, kiến nghị Thường trực Thành ủy TP.HCM sáp nhập một số phường, kể cả sáp nhập quận, để tinh giản biên chế, tiết kiệm cơ sở vật chất.
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, đưa ra một góc nhìn khác, Q.4 là quận có tiềm năng kinh tế, phát triển đô thị rất cao. Nhưng nếu sáp nhập vào Q.1 sẽ đẩy giá đất của Q.4 lên cao và rất nhanh, như vậy các dự án cần đền bù giải tỏa sẽ gặp nhiều khó khăn vì không có đủ tiền để đền bù.
Thứ hai, Q.4 hiện không có nhiều di sản có giá trị, chỉ vài di tích nên phần lớn có thể giải tỏa trắng được. Nếu như vậy, để hỗ trợ cho trung tâm đô thị TP.HCM là Q.1, đất tại Q.4 có thể quy hoạch lại dùng một nửa làm nhà cao tầng, một nửa làm công viên cây xanh, hồ nước để bù lại cho Q.1 đang thiếu cây xanh, hồ nước.
“Như vậy, theo tôi, nên sáp nhập cơ quan hành chính Q.4 vào với Q.2 sẽ hợp lý hơn. Xây dựng cầu nối từ Q.4 qua khu An Phú (Q.2) là đẹp. Nếu xây dựng đề án sáp nhập này, cần cân nhắc thật kỹ, sau đó việc chỉnh trang đô thị mới được tiến hành trên quy mô diện rộng”, ông Sơn nói.
Bờ sông Sài Gòn phía quận 4 vẫn còn nhiều căn nhà xập xệ đứng cạnh các cao ốc hiện đại Ảnh: Độc Lập
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói: Mô hình cải cách hành chính này từng được đại biểu TP.HCM kiến nghị lên Quốc hội, xây dựng các cơ quan hành chính tại TP.HCM theo 3 mô hình: một cấp, hai cấp và 3 cấp. Theo đó, các quận trung tâm sẽ làm thủ tục hành chính ngay tại UBND thành phố, không cần qua các UBND quận nữa. Thứ hai, các quận gần quận trung tâm được tổ chức theo 2 cấp là quận và thành phố. Cuối cùng, các quận, huyện ven thành phố mới phải tổ chức bộ máy theo 3 cấp: Phường (xã), quận (huyện) và thành phố như hiện nay.
Số hóa quy trình xử lý công việc
Để không bị quá tải sau khi sáp nhập, tinh giản biên chế thì cần xem xét thực hiện đồng thời một số vấn đề sau: Thứ nhất là cải cách thủ tục hành chính để rút số giờ giờ phải xử lý hồ sơ. Thứ hai xã hội hoá một số hoạt động mà từ trước đến nay các cơ quan nhà nước đang làm. Quản lý quỹ lương theo khối lượng công việc thực tế, để từ đó khuyến khích động lực cạnh tranh của các địa phương. Cuối cùng là ứng dụng công nghệ thông tin để tự động hoá một số quy trình xử lý công việc, giải quyết tình trạng phải vận chuyển thủ công hồ sơ giữa đơn vị cụ và đơn vị sau sáp nhập.
PGS.TS Võ Trí Hảo, Phó Trưởng khoa Luật, Đại học Kinh tế TP.HCM


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.