Sắp phá hai tranh tường quý hiếm ở Hà Nội, lịch sử bị coi nhẹ?

10/09/2019 18:03 GMT+7

Theo nhà nghiên cứu Đào Mai Trang, cả 2 bức tranh tường ở đoạn cắt Bạch Mai - Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã có sứ mệnh lịch sử của mình, và nên dời chúng về bảo tàng.

Sứ mệnh lịch sử

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Đào Mai Trang vẫn nhớ thời điểm khảo sát các công trình mỹ thuật công cộng ở Hà Nội cách đây chục năm. Khi đó bà đã tiếp xúc 2 bức tranh tường ở đoạn cắt Bạch Mai - Minh Khai. Đây là 2 bức tranh cổ động mà giới nghiên cứu di sản quan tâm, chúng đang sắp bị đập bỏ khi dự án mở đường ở đây được thực hiện.
Theo bà Trang, bức tranh tường thứ nhất là một phù điêu có chiều ngang khoảng 10 m, chiều cao khoảng 3 m, được làm theo hình một chiếc lá cờ đang sải rộng theo gió. Trên đó, hình ảnh lớn nhất là tạo hình một nhân vật nam công nhân, tay phải cầm cờ Đảng, tay trái giơ thẳng sang bên phải. Bên dưới cánh tay trông vững chãi, khỏe khắn đó là nhóm nhân vật khác, gợi hình dung là bác sĩ, chiến sĩ, nông dân, nữ công nhân, là hình 4 nhân vật trẻ trung.
“Bức phù điêu có nội dung cổ vũ tinh thần đoàn kết của thanh niên trong tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp của xã hội, với tạo hình nhân vật khỏe khoắn, trẻ trung”, bà Trang đánh giá.

Bức tranh tường cổ động đoàn kết của họa sĩ Trường Sinh ở đoạn cắt Bạch Mai - Minh Khai (Hà Nội)

Ảnh Khuất Tân Hưng

Bức tranh tường thứ hai, theo bà Trang, là một tranh ghép gốm với những mảnh gốm cỡ lớn, với chiều ngang khoảng 3,5 m, chiều cao khoảng 2,5 m.
“Đặc biệt, bức tranh này không thuần túy là một bức tranh miêu tả hay cổ vũ, tuyên truyền cho một sự kiện, một khẩu hiệu nào, bởi nó là một bức tranh được làm theo xu hướng bán trừu tượng. Tranh chỉ có duy nhất một hình ảnh mô tả Tháp Rùa giữa Hồ Gươm, nằm ở góc dưới bên phải, còn lại là những hình khối đa màu sắc, gợi tả mây, hoa, song không quá cụ thể, chi tiết”, bà cho biết.
Thời điểm đó, theo bà Trang, các tác phẩm đã không hề được lưu tâm. “Bề mặt bức tranh ghép gốm thì là nơi treo các lẵng cắm hoa, dây điện thoại của những người bán hoa trên vỉa hè. Phía trước nó, đơn vị cảnh sát giao thông địa phận này cho dựng một chiếc bốt che lấp thêm không gian của bức tranh. Còn bên dưới bức phù điêu là hàng nước vỉa hè, nơi tụ tập của những người lái xe ôm, sửa khóa, bán đá cây. Phía trước nó, người ta cho dựng thêm 2 chiếc cột gắn biển báo giao thông, nên chúng cũng là nơi để chăng bandroll quảng cáo thường xuyên”, bà cho biết.

Nên bày bảo tàng

Bà Trang từng đề nghị trong nghiên cứu của mình cách đây chục năm: “Có lẽ, các bức phù điêu này đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và nên được tháo gỡ khỏi không gian hiện nay, đưa về trưng bày ở một không gian bảo tàng phù hợp”. Tuy nhiên, hiện tại, đề nghị đó của bà khó có khả năng được thực hiện. Do mở đường, 2 bức tranh tường này có nguy cơ bị đập. Trong khi, ngành văn hóa lại chưa có ý kiến gì về điều này.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho biết ông chưa có thông tin gì về 2 bức tranh, cũng như chuyện nó sắp bị phá.
Về bức tranh này, một nhà Hà Nội học thế hệ mới - KTS Nguyễn Trương Quý cho rằng: “Hai bức tranh tường phản ánh trình độ thi công và công nghệ vật liệu giai đoạn 1980. Chúng có một phong cách gần với các tranh cổ động Xô-viết, song cũng có những nét đặc trưng nhằm gợi ra một hình tượng Hà Nội thời hậu chiến, mang tình cảm của cư dân lúc ấy qua sáng tác của họa sĩ Trường Sinh”.
PGS-TS Khuất Tân Hưng, ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho rằng giá trị của 2 bức tranh tường quý hiếm này rất lớn, và chúng là di sản đô thị. “Thời đó ở cửa ô vào những năm 1980, một loạt kiểu công trình như thế được xây dựng. Nó đánh dấu những cột mốc phát triển đô thị. Những điều đó đóng góp không chỉ ý nghĩa từng bức tranh một, mà còn đánh dấu một giai đoạn, một thời kỳ phát triển - thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội”, ông Hưng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.