Một lần nữa phát động chương trình văn hóa lớn
Đạo diễn - NSƯT Trịnh Quang Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Hãng Phim tài liệu và khoa học T.Ư, cho biết chiều 20.2 diễn ra buổi tổng duyệt bộ phim tài liệu 80 năm Đề cương về văn hóa VN. Tham dự buổi tổng duyệt có Hội đồng duyệt phim quốc gia, Ban Tuyên giáo T.Ư và Bộ VH-TT-DL. Bộ VH-TT-DL và Cục Điện ảnh đã giao nhiệm vụ này cho Hãng Phim tài liệu và khoa học T.Ư.
Bộ phim nhìn lại chặng đường dài kể từ khi Bản Đề cương văn hóa VN do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư tháng 2.1943 đến nay. Bản thân việc thông qua đó là sự kiện chính trị quan trọng, tạo nền tảng cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới. Phim cũng nhằm phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn của Đề cương cũng như triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
Đạo diễn Nguyễn Quý Mạnh Minh, đạo diễn phim, cho biết ở bản duyệt chiều 20.2, phim 80 năm Đề cương về văn hóa VN có thời lượng 35 phút. Trước đó, theo đặt hàng từ Cục Điện ảnh, phim dự kiến dài 32 - 35 phút. Phim dự kiến phát sóng vào 20 giờ 30 ngày 27.2 trên VTV1. Các đài truyền hình T.Ư và địa phương cũng phát sóng bộ phim trong dịp kỷ niệm này.
Ông Minh cũng cho biết trong phim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khoảng 2 phút. "Đó là một đoạn nội dung cốt lõi của việc nhìn lại Đề cương về văn hóa VN", ông Minh nói và chia sẻ: "Biến văn hóa thành một lực lượng để khơi dậy tinh thần, khát vọng yêu nước là tinh thần mà phim hướng tới. Nó dựa trên nền tảng câu chuyện Đề cương văn hóa của Đảng, có cả tính thống nhất, nhất quán của Đảng trong việc đưa ra những mục tiêu cho phát triển văn hóa, đất nước trong 2 giai đoạn chiến tranh và hòa bình". Theo ông Minh, phim cũng cho thấy sau 80 năm, một lần nữa Đảng phát động một chương trình văn hóa lớn như hiện tại.
Tư liệu đồ sộ, hình ảnh đất nước đẹp
Ông Nguyễn Quý Mạnh Minh cho biết nhiệm vụ làm phim được giao sau khi Hội nghị văn hóa toàn quốc thành công. Thời kỳ mà đoàn phim cần tiếp cận kéo dài 80 năm. Chính vì thế, cái khó là việc làm sao có thể tập hợp được khối tư liệu lớn. "Đoàn phim tiếp cận vấn đề này trong giai đoạn khá ngắn. Thời gian để thực hiện, nội dung tập hợp tư liệu lại là khối lượng lớn. Chúng tôi phải huy động nhiều nguồn tư liệu khác nhau để có sự đa dạng suốt quãng thời gian đó", ông Minh chia sẻ.
Theo ông Minh, tư liệu của 80 năm cũng được chắt lọc, đó không phải là tư liệu đơn thuần mà có hướng về văn hóa. Chính vì thế, tư liệu của cá nhân, Nhà nước đều được đoàn phim tìm đến để khai thác. Bản thân ông Minh cũng có một khối tư liệu cá nhân tích lũy qua nhiều năm.
Phim tài liệu 80 năm Đề cương về văn hóa VN gồm 4 phần.
Tuần phim kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa VN
Tuần phim giới thiệu những bộ phim có đề tài, chủ đề về văn hóa, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước, con người VN, phát hành và phổ biến những bộ phim đặt hàng từ nguồn ngân sách nhà nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, diễn ra từ 25.2 - 3.3 trên toàn quốc.
Có 10 bộ phim được trình chiếu trong tuần phim lần này, trong đó có 4 phim truyện, 4 phim tài liệu và 2 phim hoạt hình. Trong đó, các phim truyện gồm: Bình minh đỏ; Cơn giông; Phượng cháy; Nhà tiên tri. Các phim tài liệu gồm: Hồ Chí Minh, năm 1946 phần 1 và 2; Văn hóa soi đường quốc dân đi; Chầu văn - âm hưởng linh thiêng; 80 năm Đề cương về văn hóa VN. Các phim hoạt hình gồm: Kỳ tích đầm Dạ Trạch; Đôi cánh kim cương.
Phần 1 khẳng định những giá trị của bản Đề cương trong thời gian 80 năm qua, khẳng định tầm nhìn xa trông rộng của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Phần 2 đề cập nội dung Đề cương về văn hóa VN và các nghị quyết của Đảng 80 năm qua về phát triển văn hóa, nêu cao truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc, khẳng định sự kiên định con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn.
Phần 3 là nội dung Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng. Một nền văn học nghệ thuật mới hình thành trong khói lửa của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tạo nên nhiều tác phẩm giá trị.
Phần 4 là quyết tâm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng XIII về văn hóa, Kết luận số 76-KL/TW ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị, Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về văn hóa.
Ông Minh cũng hé lộ trong phim có nhiều di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận cũng xuất hiện, trải dài từ Bắc đến Nam.
Triển lãm Nghệ sĩ là chiến sĩ
Triển lãm Nghệ sĩ là chiến sĩ sẽ khai mạc ngày 24.2, tại Bảo tàng Mỹ thuật VN. Triển lãm nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa VN, thể hiện sự hưởng ứng, vận động và chuyển biến về nhận thức tư tưởng của giới văn nghệ sĩ trong thời kỳ 1945 - 1954. Họ từ bỏ cuộc sống chốn phồn hoa đô thị để tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, dũng cảm nhận trách nhiệm xây dựng và phát triển nền văn hóa mới VN.
Triển lãm giới thiệu 80 tác phẩm từ bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật VN, được sáng tác từ 1945 - 1954 trên chất liệu giấy của 30 tác giả thuộc các thế hệ họa sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật VN, trong đó có 22 họa sĩ mỹ thuật Đông Dương. Trở thành chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, họ vẽ tranh, tổ chức triển lãm, làm báo, tuyên truyền, dạy mỹ thuật, hay trực tiếp tham gia chiến đấu. Đề tài, cảm hứng sáng tác của họ bấy giờ là nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Họ hòa mình vào đoàn quân Nam tiến, dân công, tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, bộ đội, du kích…
Công chúng có thể gặp lại nhiều tên tuổi lớn của mỹ thuật VN. Đó là họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung với tác phẩm Làm kíp lựu đạn, họa sĩ Trần Văn Cẩn với Kéo bễ lò rèn, họa sĩ Văn Giáo với Đoàn kết chống xâm lăng, họa sĩ Diệp Minh Châu với Du kích Bến Tre, họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc với Dân công sửa chữa cầu đường, họa sĩ Tô Ngọc Vân với Bộ đội nghỉ trong hang, Nguyễn Thị Kim với Bộ đội và thiếu nhi.
Triển lãm còn có bộ tranh địch vận của họa sĩ Lương Xuân Nhị, một hình thức tuyên truyền góp phần làm dao động tâm lý phía bên kia chiến tuyến. Sử dụng nhiều loại giấy có trong thời điểm đó, bằng các kỹ thuật ký họa chì, mực, vẽ màu nước, bột màu, in…, các họa sĩ đã thể hiện sự quyết tâm, hăng say, sáng tạo trong hành trình làm chiến sĩ, thể hiện niềm tin, sự quyết tâm gánh vác trọng trách của đất nước.
Bình luận (0)