Giác độ nghiên cứu mỹ thuật sẽ ra mắt vào ngày 12.12, nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật. Cuốn sách gồm các bài viết do các giảng viên, cựu sinh viên của khoa này nghiên cứu, công bố trong vòng 5 năm trở lại đây. Họ đều đã là những tên tuổi đáng kể trong giới nghiên cứu mỹ thuật như: Trang Thanh Hiền, Quách Thị Ngọc An, Trần Hậu Yên Thế, Nguyễn Anh Tuấn, Bùi Thị Thanh Mai, Vũ Thị Hằng...
Sách Giác độ nghiên cứu mỹ thuật gồm 3 phần. Phần 1 Mỹ thuật cổ có những bài viết về nghệ thuật Phật giáo ở miền Bắc, vũ khí cổ trong lăng mộ võ quan thời Lê Trung Hưng, mỹ thuật cung đình thời Nguyễn ở Huế…
Phần 2 Mỹ thuật ứng dụng có những bài viết về nghề thủ công, cảm hứng truyền thống trong sáng tạo mỹ thuật ứng dụng hiện nay, các lưu trữ trong bối cảnh nghệ thuật đương đại.
Phần 3 Mỹ thuật hiện đại nêu các vấn đề về nghệ thuật công cộng thúc đẩy cộng đồng và sáng tạo điểm đến, hình dung về mỹ thuật học so sánh, sự thay đổi về nghệ thuật công cộng sau chiến tranh, điêu khắc đương đại...
Cũng trong ngày 12.12, Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật cũng khai mạc triển lãm tranh Đồng hành tại Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Trưng bày gồm 59 tác phẩm mỹ thuật của 35 tác giả là những thế hệ giảng viên, sinh viên nghiên cứu mỹ thuật đã và đang giảng dạy, học tập tại khoa.
Các tác phẩm đa dạng: từ hội họa, đồ họa tới điêu khắc và bản rập, phản ánh quan niệm và cá tính riêng của mỗi tác giả. Trong số này có những cái tên nổi tiếng trong giới nghiên cứu mỹ thuật như Phan Cẩm Thượng, Trang Thanh Hiền...
Thành lập năm 1978, Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật được coi như một trung tâm đào tạo nghiên cứu mỹ thuật trong nước. Sinh viên của khoa hiện làm việc và giảng dạy ở hầu hết các trường ĐH, viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực mỹ thuật, nghiên cứu mỹ thuật như: Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật T.Ư, Trường ĐH Nghệ thuật Huế, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM…
Một số công trình nghiên cứu mỹ thuật của sinh viên, giảng viên Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật có thể kể đến: sách Lịch sử mỹ thuật Việt Nam và Thế giới của Phạm Thị Chỉnh; sách Chạm khắc cổ qua các bản rập Việt Nam của Nguyễn Hải Phong; sách Lăng mộ Hoạn quan Thái giám thế kỷ 17, 18 của Quách Thị Ngọc An...
Bình luận (0)