+ Phóng viên: Sau khi sắp xếp, địa giới hành chính rộng hơn, trong lúc lãnh đạo thu hẹp lại, UBND tỉnh làm gì để nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, phục vụ tốt hơn cho người dân, cho doanh nghiệp? Nhất là trong bối cảnh T.Ư đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương?
Ông Võ Văn Phi: Ngày 28.9.2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1194 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025. Có 4 huyện, thành phố thuộc diện phải sắp xếp (gồm H.Tân Phú, H.Vĩnh Cửu, TP.Long Khánh và TP.Biên Hòa), trong đó giảm từ 22 đơn vị hành chính cấp xã, xuống còn 11 đơn vị.
Sau khi nghị quyết có hiệu lực (từ ngày 1.11), các đơn vị thuộc diện sắp xếp đồng loạt tổ chức kỳ họp HĐND bầu ra bộ máy chính quyền. Theo đó, các chức danh chủ chốt (cấp trưởng) được xem xét tiếp tục bố trí lại hoặc chuyển công tác khác, đảm bảo mỗi chức danh cán bộ cấp xã đều có lãnh đạo chủ chốt quản lý.
Với sự thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số đối với đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp thì việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công vụ phải được quan tâm nhiều hơn, nhất là những nhiệm vụ có liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Chúng tôi đã có một số giải pháp như thực hiện đánh giá cán bộ, sàng lọc, lựa chọn người nổi trội về mọi mặt để giới thiệu bầu vào bộ máy chính quyền mới đảm bảo đủ năng lực lãnh đạo điều hành. Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính nhằm phục vụ nhân dân, doanh nghiệp tốt hơn. Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc xử lý công việc. Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ và cải cách hành chính nhằm thúc đẩy bộ máy chính quyền và cán bộ công chức ở cơ sở nói chung và những đơn vị hành chính mới thành lập nói riêng thực hiện tốt trách nhiệm công vụ, kịp thời xử lý xem xét xử lý đối với những trường hợp chấp hành chưa đúng quy định.
+ Thưa ông, những công việc tiếp theo sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của UBND tỉnh ra sao để sớm hoàn thành mục tiêu là tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, một trong những tỉnh phát triển quan trọng của Vùng Đông Nam bộ, như lời Thủ tướng Chính phủ đã gửi gắm?
- Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giúp tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng; đồng thời tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, tiết kiệm kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc…
Ngoài ra, sắp xếp các đơn vị hành chính tạo cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, lãnh thổ, hạn chế tình trạng chia cắt, manh mún, nhất là trong bối cảnh T.Ư đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Ngày 24.9, dự hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá", để "Kết nối - Hội nhập - Cất cánh". Qua đó, Thủ tướng Chính phủ đã gửi gắm "Đồng Nai đã nói là làm; đã đi là đến, đã bàn là thông"; "Đồng Nai quyết chí đồng tâm, vượt qua thách thức, ấm lòng nhân dân"; "Đồng Nai thi với toàn vùng, không ngừng phấn đấu đi đầu tiên phong".
Nhằm thực hiện những gửi gắm của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai đặt trọng tâm phát triển vào các khu vực động lực mới, đặc biệt là quanh sân bay quốc tế Long Thành và hành lang sông Đồng Nai. Quy hoạch này bao gồm phát triển các khu đô thị và hệ thống hạ tầng giao thông để kết nối chặt chẽ với sân bay Long Thành cũng như các khu công nghiệp. Điều này nhằm tận dụng lợi thế của tỉnh trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội, và mở rộng các khu vực đô thị chiến lược, đặc biệt là ở TP.Biên Hòa và Long Khánh.
Đồng thời tiến hành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đẩy nhanh các dự án hạ tầng giao thông kết nối, xây dựng các cơ chế khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu công nghiệp và dịch vụ logistics, du lịch.
+ Sau khi sắp xếp, Đồng Nai đã tinh giảm được 11 đơn vị hành chính cấp xã, những cán bộ dôi dư bố trí ra sao?
- Trước đây, 22 đơn vị hành chính cấp xã (cũ) gồm 619 người (202 cán bộ, 194 công chức và 223 người hoạt động không chuyên trách). Sau khi sắp xếp, bố trí tại 11 đơn vị hành chính (mới) gồm 455 người (105 cán bộ, 164 công chức và 186 người hoạt động không chuyên trách). Số còn lại 171 người (98 cán bộ, 32 công chức và 41 người hoạt động không chuyên trách) thì được điều động, luân chuyển sang cơ quan, đơn vị khác để công tác 130 người và giải quyết thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi 41 người để hưởng chế độ.
+ Việc xử lý các loại giấy tờ liên quan như chủ quyền đất đai, hộ tịch, hộ khẩu ra sao…được thực hiện ra sao?
- Như đã trình bày ở trên, tổ chức bộ máy hành chính mới đã thành lập và hoạt động bình thường, trong trường hợp người dân, doanh nghiệp có yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, hộ tịch, hộ khẩu… thì liên hệ bộ phận "Một cửa" của đơn vị hành chính mới để được hướng dẫn cụ thể.
Trong trường hợp cá nhân, tổ chức có nhu cầu chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan thì không thu các loại phí, lệ phí theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo cho các huyện, thành phố hướng dẫn thực hiện tốt công tác bàn giao giữa đơn vị hành chính mới, cũ được đầy đủ, đảm bảo về thông tin cơ sở dữ liệu lưu trữ trước mắt và lâu dài.
+ Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi.
Bình luận (0)