Sắp xếp khu phố, ấp ở Củ Chi: Người hoạt động không chuyên trách 'đạo đức đi đầu'

27/09/2024 04:42 GMT+7

Đây là những chia sẻ được đúc kết từ quá trình hoạt động không chuyên trách khu phố, ấp từ những người đã gắn bó với công việc này hơn 30 năm tại hội nghị tổng kết công tác sắp xếp khu phố, ấp theo quy định của Trung ương do UBND H.Củ Chi tổ chức ngày 26.9.

Ông Hoàng Văn Minh (62 tuổi, Bí thư chi bộ, Trưởng ấp Lô 6, xã An Nhơn Tây, H.Củ Chi, TP.HCM) cho hay đã gắn bó với các hoạt động không chuyên trách khu phố, ấp, tổ dân phố được hơn 35 năm. 

"Trước đây tôi tham gia thanh niên xung phong, sau đó về tham gia hoạt động tổ nhân dân để đóng góp cho địa phương. Làm công việc này thì đạo đức phải đi đầu, tạo uy tín với người dân, từ từ người ta đồng thuận thì mình mới có thể truyền tải đầy đủ các chủ trương, chính sách đến với họ một cách tốt nhất", ông Minh nói.

Còn ông Nguyễn Văn Nhiện (62 tuổi, Phó bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây) đã tham gia hoạt động khu phố, tổ dân phố từ năm 1985.

"Khi còn làm tổ trưởng tổ nhân dân, tôi được gắn bó với bà con, sâu sát với người dân nhất. Giai đoạn đó là thời kỳ bao cấp, xăng còn hiếm, tôi ghi tên từng hộ dân, cố gắng không để sót ai để bà con có xăng để đi lại. Làm công việc này phải gương mẫu, hoàn chỉnh, nếu mình không khéo thì sẽ ảnh hưởng đến người dân", ông Nhiện chia sẻ.

Sắp xếp khu phố, ấp ở Củ Chi: Người hoạt động không chuyên trách 'đạo đức đi đầu'- Ảnh 1.
Sắp xếp khu phố, ấp ở Củ Chi: Người hoạt động không chuyên trách 'đạo đức đi đầu'- Ảnh 2.

Ông Hoàng Văn Minh (trái) và ông Nguyễn Văn Nhiện nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TP.HCM và Huy hiệu TP.HCM sau những đóng góp của mình cho hoạt động khu phố, ấp

ẢNH: THÚY LIỄU

Giai đoạn dịch Covid-19, ông Nhiện nỗ lực hoàn thiện công việc của mình. Ông kể, có hôm 1 - 2 giờ đêm mới về đến nhà, sau khi lo xong thủ tục cho bà con đi chích ngừa. "Lúc đó tôi chỉ nghĩ làm sao đưa giấy kịp thời cho bà con được chích ngừa, phòng bệnh chứ có nghĩ gì khác đâu. Trong lần đó, tôi cũng bị nhiễm bệnh 2 lần, nhưng may mắn vượt qua, bây giờ còn sức thì cứ làm hỗ trợ bà con", ông Nhiện nói.

Vì những đóng góp đó, tại hội nghị, ông Minh và ông Nhiện đã được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TP.HCM kèm Huy hiệu TP.HCM.

Cũng tại hội nghị, có 186 người hoạt động không chuyên trách khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân có thời gian tham gia công từ 30 năm trở lên được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TP.HCM; 188 người có thời gian tham gia công tác hoạt động không chuyên trách từ 30 năm trở lên được nhận Huy hiệu TP.HCM. Ngoài ra, H.Củ Chi có 2 cá nhân được đề xuất tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong công tác hoạt động khu phố, ấp.

Trước khi sắp xếp khu phố, ấp, H.Củ Chi có 20 xã và 1 thị trấn, gồm 8 khu phố, 170 ấp và 1.907 tổ dân phố, tổ nhân dân. Tổng số người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp là 1.628 người (trong đó có 683 người kiêm nhiệm). Tổng số người hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố, tổ nhân dân là 1.470 người (trong đó có 424 người kiêm nhiệm).

Sau khi sắp sếp khu phố, ấp, H.Củ Chi có 305 khu phố, ấp (13 khu phố và 292 ấp), đảm bảo quy mô số hộ (đối với ấp từ 350 hộ trở lên, đối với khu phố từ 500 hộ trở lên). Trong đó, có 2 xã giữ nguyên hiện trạng không thực hiện sắp xếp ấp (gồm xã Trung Lập Thượng và xã Nhuận Đức). Trụ sở sinh hoạt ở các khu phố, ấp trên địa bàn huyện hiện có 178 trụ sở khu phố, ấp.

Sắp xếp khu phố, ấp ở Củ Chi: Người hoạt động không chuyên trách 'đạo đức đi đầu'- Ảnh 3.

Các cá nhân nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TP.HCM và Huy hiệu TP.HCM tại hội nghị

ẢNH: THÚY LIỄU

Đến nay, UBND các xã, thị trấn đã thực hiện bố trí 1.513 người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp; bố trí 1.013 người trực tiếp tham gia hoạt động ở khu phố, ấp (trong đó có bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp và người trực tiếp tham gia hoạt động ở khu phố, ấp phù hợp với tình hình thực tế từng khu phố, ấp).

Thời gian tới, H.Củ Chi sẽ thường xuyên theo dõi, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác giải quyết các chế độ chính sách, phụ cấp, kinh phí hoạt động, đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của khu phố, ấp.

Đồng thời, lãnh đạo huyện cũng tiếp tục chỉ đạo UBND 21 xã, thị trấn thực hiện rà soát kiện toàn các tổ chức đoàn thể - chính trị khu phố, ấp, các chi hội quần chúng, hội đặc thù, kiện toàn Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, tổ chuyển đổi số cộng đồng, tổ hòa giải… tại khu phố, ấp theo quy định.

Trước đó, ngày 14.3, tại kỳ họp lần thứ 14 HĐND TP.HCM khóa 10 đã thông qua Nghị quyết số 11 về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố trên địa bàn TP.HCM. 

Theo đó, có 2.008 khu phố, ấp và 25.369 tổ dân phố, tổ nhân dân thuộc 249 phường, 58 xã, 5 thị trấn cần được sắp xếp. Việc sắp xếp khu phố, ấp không làm thay đổi địa giới hành chính cấp phường, xã và phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; đảm bảo quyền lợi cho người tham gia công tác tại khu phố, ấp.

Sau khi sắp xếp, TP.HCM có 4.861 khu phố, ấp thành lập mới, mỗi khu phố có 500 hộ, mỗi ấp có 350 hộ. Nhân sự người hoạt động không chuyên trách khu phố, ấp và người trực tiếp tham gia hoạt động khu phố, ấp từ giảm từ 64.309 người xuống còn 43.749 người.

Mức phụ cấp với các chức danh hoạt động không chuyên trách từ ngày 1.7.2024 tại khu phố có quy mô từ 500 hộ trở lên; ấp có quy mô từ 350 hộ trở lên được quy định như sau: 

Bí thư chi bộ và Trưởng khu phố, ấp hưởng phụ cấp bằng 1,4 lần mức lương cơ sở/tháng.

Trưởng ban Công tác mặt trận khu phố, ấp hưởng phụ cấp bằng 1,2 lần mức lương cơ sở/tháng; Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu phố, ấp có mức phụ cấp bằng 1 lần lương cơ sở/tháng.

Bí thư Chi đoàn Thanh niên khu phố, ấp hoặc Trưởng Chi hội khác (Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ, Hội Nông dân...) hưởng phụ cấp hằng tháng bằng 1 lần mức lương cơ sở.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.