Sắp xếp lại trường hoạt động không hiệu quả

17/09/2016 04:57 GMT+7

Sau hơn 1 năm luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành, cuối cùng Chính phủ đã có nghị quyết thống nhất giao Bộ LĐ-TB-XH là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh thực trạng tuyển sinh, đào tạo CĐ và TC đang rất ngổn ngang.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB-XH), đưa ra một số giải pháp triển khai trong thời gian tới nhằm thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp phát triển.
Theo ông Minh, thời gian qua Tổng cục Dạy nghề đã có phương án chuyển giao, sáp nhập, giải thể các cơ sở hoạt động không hiệu quả; tập trung chỉ đạo các cơ sở đang hoạt động tốt đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đào tạo; tích cực triển khai thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường công lập. Trên cơ sở đó, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng Đề án “Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp” nhằm thực hiện tái cấu trúc mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện có theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô và phân tầng chất lượng để trình Thủ tướng phê duyệt trong năm 2016. Ông Minh cho rằng sự thay đổi lớn nhất sắp tới chính là sự thống nhất trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

tin liên quan

Bộ LĐ-TB-XH chính thức quản lý giáo dục nghề nghiệp
Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị quyết về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.2016. Trong đó, Thủ tướng đã chính thức giao cho Bộ LĐ-TB-XH là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Mục tiêu chung của giáo dục nghề nghiệp là nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo... Chính vì vậy, giáo dục nghề nghiệp phải được đào tạo theo hướng thực hành, chuyển đào tạo theo hướng “cung” sang “cầu” tạo sự đột phá về chất lượng tiếp cận trình độ quốc tế; gắn kết chặt chẽ với lao động, việc làm, xuất khẩu lao động, xóa đói giảm nghèo, thị trường lao động trong nước và quốc tế. Đặc biệt, người tốt nghiệp trình độ CĐ được công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành và liên thông lên trình độ ĐH. Người có trình độ tay nghề cao sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường lao động chung các nước ASEAN, cũng như các nước trên thế giới.
Năm 2017, các trường được chủ động xác định chỉ tiêu. Việc tuyển sinh sẽ được áp dụng theo hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Hiệu trưởng các trường quyết định phương án tuyển sinh của trường mình. Việc thi tuyển sẽ do các trường tự quyết định, nhất là đối với các trường thuộc một số lĩnh vực ngành nghề đặc thù, còn đa số sẽ xét tuyển thông qua hồ sơ và kết quả học tập ở bậc học phổ thông.

tin liên quan

Trường trung cấp 'chết' trước thời hạn
Bộ GD-ĐT quy định năm 2016 là thời hạn cuối cùng để các trường ĐH dừng việc tuyển sinh và đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Trên thực tế, nhiều trường ĐH đã bỏ hẳn bậc học này từ trước đó nhưng trường trung cấp vẫn 'không sống được'.

Đối tượng tuyển sinh CĐ tập trung vào học sinh tốt nghiệp THPT, TC là học sinh tốt nghiệp THCS.
Đối với các trường đào tạo một số ngành, nghề đặc thù (y tế, văn hóa nghệ thuật), Bộ LĐ-TB-XH là cơ quan quản lý nhà nước chứ không làm thay đổi cơ quan chủ quản của các trường này. Các bộ, UBND cấp tỉnh vẫn là cơ quan quản lý trực tiếp như hiện nay. Bộ LĐ-TB-XH chỉ ban hành cơ chế chính sách, hướng dẫn tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.