Cấp tỉnh giảm từ 20 đơn vị còn 14 đơn vị
Ngày 24.12, Tỉnh ủy Bình Định tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định đã xem xét, cho ý kiến và quyết định phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định đã đưa ra các giải pháp cụ thể để sắp xếp tổ chức bộ máy cấp tỉnh, giảm số lượng sở, ban, ngành từ 20 đơn vị xuống còn 14 đơn vị.
Cụ thể, hợp nhất một số sở, ban, gồm: Sở KH-ĐT hợp nhất với Sở Tài chính; Sở GTVT hợp nhất với Sở Xây dựng; Sở NN-PTNT hợp nhất với Sở TN-MT; Sở TT-TT hợp nhất với Sở KH-CN; Sở LĐ-TB-XH hợp nhất với Sở Nội vụ và Sở VH-TT hợp nhất với Sở Du lịch.
Qua đó, thành lập các sở mới, gồm: Sở Khoa học, công nghệ và truyền thông; Sở VH-TT-DL; Sở Kinh tế - tài chính; Sở Xây dựng và giao thông; Sở Nông nghiệp và môi trường; Sở Nội vụ và lao động.
Các sở sau khi sáp nhập sẽ tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của các sở trước khi hợp nhất.
Tỉnh Bình Định cũng sẽ hợp nhất Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông và Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp. Dự kiến tên gọi sau hợp nhất là Ban Quản lý dự án các công trình giao thông và dân dụng.
Thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh trên cơ sở hợp nhất Ban Giải phóng mặt bằng tỉnh và Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở TN-MT; thành lập Ban Dân tộc - tôn giáo tỉnh.
Hợp nhất Công ty Lâm nghiệp Hà Thanh, Công ty Lâm nghiệp Quy Nhơn và Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn thành Công ty Lâm nghiệp Bình Định, trực thuộc UBND tỉnh.
Ở cấp huyện, việc sắp xếp cũng được thực hiện tương tự, giảm số lượng phòng chuyên môn từ 22 đơn vị xuống còn 14 đơn vị.
Tiếp tục tinh gọn đầu mối bên trong tại các cơ quan, đơn vị
Bên cạnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan Nhà nước, tổ chức Đảng cũng được tinh gọn. Theo đó, kết thúc hoạt động của Đảng ủy khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh để thành lập Đảng ủy cơ quan Đảng, đoàn thể, HĐND, tư pháp cấp tỉnh và Đảng ủy chính quyền cấp tỉnh. Kết thúc hoạt động của các Đảng đoàn, ban cán sự Đảng cấp tỉnh và thành lập hai Đảng ủy cấp tỉnh.
Tại hội nghị, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, đề nghị làm tốt công tác tư tưởng; quán triệt, sau sắp xếp đi vào hoạt động ngay, không được để gián đoạn, trống địa bàn, trống lĩnh vực làm ảnh hưởng đến việc giải quyết công việc cho người dân. Cùng với việc sáp nhập, phải tổ chức sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong tại các cơ quan, đơn vị để giảm ít nhất 15%.
Đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định chủ trì, khẩn trương xây dựng phương án bố trí sắp xếp cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý; phối hợp các đơn vị tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chế độ chính sách (ngoài chế độ chính sách của Trung ương).
Theo phương án sắp xếp, đối với cấp tỉnh, Bình Định sẽ giảm 6 sở, 2 ban quản lý thuộc UBND tỉnh và 2 công ty. Trong thời gian thực hiện phương án sắp xếp, Tỉnh ủy Bình Định yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan không được để trống hoạt động trên các lĩnh vực, ngành quản lý.
Ông Hồ Quốc Dũng đề nghị các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành cần thống nhất nhận thức và hành động, tập trung chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cần xác định rõ sắp xếp tổ chức bộ máy là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược và cấp thiết. Các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu, phải khẩn trương rà soát thực trạng, xây dựng phương án tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
"Việc sắp xếp tổ chức bộ máy không chỉ là nhiệm vụ nội bộ mà còn là một cuộc cách mạng hướng tới tiêu chí "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Đây là bước đột phá nhằm nâng cao hiệu suất làm việc và khả năng đáp ứng yêu cầu đổi mới trong hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy", ông Dũng nói.
Bình luận (0)