Sắp xét xử vụ án cô giáo bị đồng nghiệp sát hại do bị từ hôn

17/03/2019 10:18 GMT+7

Dự kiến, ngày 19.3 tới, TAND TP.HCM sẽ xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến thầy giáo sát hại người yêu sau khi bị từ hôn.

Ngày 19.3, theo dự kiến, TAND TP.HCM sẽ xét xử sơ thẩm vụ án “giết người” đối với thầy giáo Võ Minh Thắng (28 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM). Nạn nhân bị Thắng sát hại là người yêu cũng là đồng nghiệp của bị cáo.
Đây là vụ án từng gây xôn xao dư luận vào tháng 4.2018, sau khi bị người yêu, cũng là cô giáo cùng trường từ hôn, Thắng đã ra tay sát hại người yêu là chị N.T.T (27 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Theo nội dung vụ án, Võ Minh Thắng và chị N.T.T đều là giáo viên Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh) và có quan hệ tình cảm với nhau, gia đình hai bên dự tính tổ chức đám cưới.
Tuy nhiên khoảng cuối tháng 3.2018, chị T. chủ động hủy hôn. Thắng nhiều lần liên lạc với chị T. để hàn gắn tình cảm nhưng chị T. không đồng ý.
Khoảng 10 giờ 45 ngày 23.4.2018, sau khi gác thi, Thắng gặp chị T. tại trường để nói chuyện nhằm hàn gắn tình cảm nhưng chị T. vẫn không đồng ý và cả hai xảy ra cự cãi nhau.
Sau đó chị T. lấy xe máy đi về nhà, còn Thắng điều khiển xe máy bám theo sau. Khi đến công viên bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trên đường Trường Sa (đoạn qua Q.Bình Thạnh), Thắng ép xe chị T. vào lề đường để tiếp tục nói chuyện và hai người tiếp tục cãi nhau
Trong lúc tức giận, Thắng rút dao trong cốp xe máy đâm nhiều nhát vào người khiến chị T. tử vong. Sau khi sát hại chị T., Thắng lên xe máy định ra cầu Bình Lợi tự tử nhưng đã suy nghĩ lại và quay xe về công an Q.Bình Thạnh đầu thú.

Khiếu nại không nhận được kết luận điều tra, cáo trạng

Quá trình điều tra, gia đình nạn nhân bị sát hại yêu cầu Thắng bồi thường 919 triệu đồng.
Sau khi nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND TP.HCM, gia đình của chị T. (người bị hại) lên TAND TP.HCM liên hệ trực tiếp với thư ký đang giải quyết hồ sơ vụ án, đề nghị được xem và nhận cáo trạng, kết luận điều tra vụ án. Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị H. (chị ruột của chị T.), thư ký từ chối cho gia đình tiếp xúc hồ sơ vụ án.
“Em gái tôi là nạn nhận, là người bị sát hại và chúng tội muốn được biết kết luận điều tra, cáo trạng ghi những nội dung gì trong đó nhưng chúng tôi không thể xem được. Trước đây, chúng tôi có đề nghị cơ quan điều tra (CQĐT) và viện kiểm sát (VKS) cung cấp những tài liệu này thì họ nói CQĐT và VKS không có nghĩa vụ tống đạt kết luận điều tra, cáo trạng cho người bị hại. Bảo tôi có gì ra tòa. Khi ra đến tòa, gia đình chúng tôi cũng không được photo lại”, chị H. bức xúc.
Về vấn đề này, luật sư (LS) Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) cho biết theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, các cơ quan tiến hành tố tụng phải đảm bảo quyền bảo vệ hợp pháp của bị hại trong vụ án hình sự.
“Khoản 2, Điều 62 BLTTHS quy định một số quyền của bị hại hoặc người đại diện của bị hại, trong đó họ có quyền được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án. Ngoài ra, điều luật cho phép bị hại hoặc người đại diện của bị hại có quyền “Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”, LS Hoan nêu và đánh giá nếu bị hại hoặc đại diện người bị hại là những người không hiểu biết hoặc không am hiểu chuyên sâu về pháp luật sẽ khó để thực hiện các quyền trên.
Theo LS Hoan, không phải gia đình bị hại nào cũng đủ điều kiện mời luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, từ đó luật sư có quyền sao chụp hồ sơ vụ án theo Điều 84 BLTTHS năm 2015.
Còn đối với những bị hại không có điều kiện mời luật sư nhưng luật không quy định rõ từng câu từng chữ rằng “bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại được phép sao chụp hồ sơ” thì phải làm như thế nào? LS Hoan phân tích, vấn đề không hợp lý này là luật quy định người bị hại có quyền tự bảo vệ mình hoặc khiếu nại các quyết định, hành vi của các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, cơ chế được nhận cáo trạng, kết luận điều tra hoặc sao chụp hồ sơ vụ án để thực hiện các quyền đó thì luật lại không quy định.
Theo LS Hoan, bị hại hoặc đại diện hợp pháp của bị hại muốn bảo vệ mình hoặc khiếu nại những gì liên quan đến vụ án, thì trước hết họ phải biết nội dung vụ án thông các tài liệu cụ thể, vì vậy BLTTHS cũng nên quy định bị hại có quyền được sao chụp hồ sơ như các quy định của BLTTHS, để quyền của bị hại được bảo đảm hơn.
Đối với vụ án này, chị T. bị bị cáo Thắng sát hại, theo LS Hoan, đành chờ ra phiên tòa, gia đình người bị hại sẽ nắm rõ nội dung vụ án khi chủ tọa đọc cáo trạng. Sau đó họ có quyền tự bảo vệ mình cũng như đưa ra các yêu cầu về bồi thường để HĐXX xem xét. Nếu không đồng ý với bản án sơ thẩm, gia đình người bị hại có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.