Do đó, theo các chuyên gia, việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) hoàn toàn cần thiết để khôi phục miễn dịch. “Song song với công tác phòng chống dịch Covid-19, nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác đang có xu hướng gia tăng. Do đó, việc tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin được khuyến cáo, bao gồm vắc xin Covid-19 là rất cần thiết cho bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương lưu ý.
Người dân Q.3 (TP.HCM) tiêm vắc xin Covid-19 mũi 4 |
Độc Lập |
Về sự cần thiết tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, 4) sau khi tiêm liều cơ bản (2 mũi), PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết các nghiên cứu đánh giá tiêm vắc xin Covid-19 có miễn dịch không bền vững và lâu dài, chỉ sau khoảng 4 - 6 tháng thì miễn dịch sẽ giảm, vì vậy người đã tiêm vắc xin Covid-19 vẫn có thể bị tái nhiễm. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới và ở VN đã triển khai tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) để phòng bệnh cho người dân. Hầu hết những đối tượng tiêm chủng đầy đủ khi mắc bệnh hoặc tái nhiễm đều có triệu chứng nhẹ.
Theo PGS Phu, SARS-CoV-2 là loại vi rút liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng, tử vong. Hiện biến chủng Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng có thể chưa phải là biến thể cuối cùng. Việc xuất hiện biến thể mới là hoàn toàn có thể, thậm chí có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch đã có, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.
PGS Trần Đắc Phu đánh giá: Không giống như vắc xin cúm mùa phải sản xuất lại vắc xin theo biến chủng mới, vắc xin Covid-19 không phải là vắc xin sản xuất theo biến chủng mới, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, vắc xin vẫn có tác dụng với các biến chủng mới của SARS-CoV-2. Vì vậy, việc tiêm mũi nhắc lại hoàn toàn cần thiết để phòng bệnh, cho tất cả mọi người. Những ai chưa tiêm đủ thì nên đi tiêm đủ, những ai đã trì hoãn việc tiêm thì cũng nên đi tiêm lại khi bảo đảm điều kiện sức khỏe, nhất là người già, người mắc bệnh nền.
Theo Bộ Y tế, các trường hợp tử vong do Covid-19 chiếm khoảng 80% không tiêm vắc xin hoặc không tiêm đủ mũi, phần lớn các ca tử vong có bệnh nền hoặc ở lứa tuổi cao.
TP.HCM: Khoảng 30% trẻ 5 - 12 tuổi chưa tiêm vắc xin Covid-19
Ngày 18.8, Sở Y tế TP.HCM công bố khảo sát của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) về việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn TP. Khảo sát thực hiện trên 2.792 phụ huynh, trong đó có 2.123 phụ huynh có con trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi (76%) và 699 phụ huynh có con trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi (24%).
Kết quả khảo sát cho thấy, đối với nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi, có 701 trẻ chưa tiêm vắc xin (chiếm 33%), 723 trẻ tiêm 1 mũi (chiếm 34%), 699 trẻ tiêm 2 mũi (chiếm 33%). Đối với nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi, có 15 trẻ chưa tiêm vắc xin (chiếm 2%), 29 trẻ đã tiêm 1 mũi (chiếm 4%), 326 trẻ đã tiêm 2 mũi (chiếm 49%) và 299 trẻ tiêm mũi 3 (chiếm 45%).
Lãnh đạo Sở Y tế cũng trấn an các bậc phụ huynh hãy an tâm về chất lượng của vắc xin, về sự an toàn cho trẻ khi tiêm chủng vì đây là những tiêu chí bắt buộc, ưu tiên hàng đầu và là trách nhiệm của ngành y tế.
Bình luận (0)