Nếu nhìn về lịch sử, SAT, ACT và các kỳ thi chuẩn hóa có lịch sử một thập kỷ ở Mỹ, được sử dụng khá rộng rãi trong các trường đại học để xét tuyển sinh dựa trên số lượng nhiều học sinh thi. SAT khá nổi tiếng vì theo truyền miệng, muốn vào các đại học “top”, điểm thi SAT càng cao, cơ hội càng nhiều, và thậm chí, nếu có ai đọc bảng tin xếp hạng đại học của US News [2] sẽ thấy cả thông tin về điểm trung bình SAT ở từng trường mà người đọc muốn khảo cứu (mục Test Scores). Nói như vậy, để thấy ảnh hưởng của SAT trên toàn hệ thống giáo dục Mỹ và thế giới là như thế nào.
Theo báo chí đưa tin, kỳ thi SAT đã được ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU-HN) bàn bạc hợp tác với College Board vào năm 2014 và Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ quản lý kỳ thi SAT tại Đông Nam Á từ năm 2016 [3]. Theo TS Sái Công Hồng, sau khi lựa chọn các chương trình tuyển sinh tiên tiến trên thế giới, VNU-HN quyết định đi theo mô hình tuyển sinh tương tự Mỹ, có tính đến những điều kiện đặc thù của Việt Nam [3]. Qua trao đổi với một giáo sư chuyên về kiểm định chất lượng đại học, được biết VNU-HN tin tưởng vào chất lượng của kỳ thi chuẩn hóa này đối với việc xét tuyển sinh đại học ở Việt Nam, vì nó đáp ứng được tính minh bạch, thi có điểm nhanh và tổ chức thi dễ dàng cho số lượng thí sinh đông, qua hơn 2 năm thực hiện kỳ thi đánh giá năng lực.
tin liên quan
Trường ĐH Quốc tế tổ chức kỳ thi SATChiều 19.1, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM công bố phương thức tuyển sinh năm nay.
Vậy, SAT, ACT và các kỳ thi chuẩn hóa khác hiện đang được đánh giá như thế nào ở Mỹ?
Theo GS. Linda Darling-Hammond (Stanford) [4], trong bài viết gần đây của bà về thách thức về việc dạy và học ở thế kỷ 21, bà có chia xẻ “… do bởi các kỳ kiểm tra trước đây đã được thiết kế không phải để đo lường các kỹ năng (kỹ năng lao động cho thế kỷ 21 - ND), chúng ta cần nỗ lực để xây dựng hệ thống đánh giá mới mà có thể đánh giá tiến bộ của học sinh hướng đến những đánh giá mà đại học và nghề nghiệp, công việc yêu cầu sau này đòi hỏi”. Theo như bà và nhiều đồng nghiệp nghiên cứu nhiều năm, tiếc là, SAT, ACT hay bất kỳ kỳ thi chuẩn hóa nào khác không hỗ trợ việc đánh giá năng lực học tập tích cực, sáng tạo và giải quyết vấn đề như đòi hỏi của thời đại này [5].
Mỹ, theo như rất nhiều nghiên cứu chuyên ngành giáo dục, đã tụt hạng khá nhiều trong hơn 30 năm qua. Mỹ đã từng là nước hàng đầu trong giáo dục vào những năm 70 của thế kỷ trước, nhưng đến nay, kết quả kiểm tra các môn toán - đọc - khoa học của học sinh Mỹ đứng gần như thấp hơn tất cả các nước phát triển, sau cả Việt Nam, mà nguyên do, theo GS. Darling-Hammond chỉ ra, “Mỹ đã quá tập trung vào các kỳ kiểm tra, kiểm tra chuẩn hóa và những câu hỏi thi lựa chọn đúng sai (multiple choice)” [5], trong khi thiếu đi những giáo viên được lựa chọn và đào tạo có chất lượng, nhằm hướng dẫn cho học sinh những kỹ năng học tập của thế kỷ 21.
tin liên quan
4 lý do kỳ thi SAT mới dễ hơn SAT cũVào ngày 5.3, SAT - một trong những kỳ thi chuẩn hóa cho việc đăng ký học đại học tại Mỹ - đã chính thức áp dụng những thay đổi mới về cấu trúc và phương thức ra đề thi, theo Business Insider.
Cùng chia sẻ ý kiến trên của GS. Darling-Hammond, GS.TS Mark Tucker [6], Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu giáo dục và kinh tế (NCEE), người có nghiên cứu hơn 20 năm về những nước và lãnh thổ phát triển giáo dục tiên tiến trên thế giới, từ Phần Lan, Singapore, Đài Loan… cũng có cùng nhận định về lý do tại sao Mỹ đã tụt hạng trong giáo dục phổ thông. Trong báo cáo Fixing Our National Accountability System (tạm dịch, Chấn chỉnh Hệ thống Minh bạch trong nền giáo dục quốc gia), ông và GS. Darling-Hammond đều chỉ ra sự thất bại của hệ thống thi chuẩn hóa của Mỹ, khi tác dụng đo lường tính sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, những kỹ năng học tập cho học sinh trong thế kỷ 21 đã không thể phát huy với cách thi chuẩn hóa bằng những câu hỏi lựa chọn. Bên cạnh đấy, kỳ thi chuẩn hóa lại là ví dụ điển hình của sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội Mỹ, do bởi hầu hết những gia đình trung lưu trở lên mới có khả năng cho con học và luyện thi tốt kỳ thi SAT, ACT, trong khi các gia đình nghèo và trung bình, đa phần các em không thể có điểm thi tốt vì không có cơ hội luyện thi hay học thêm [7].
Ở Mỹ hiện nay, phần nhiều các nghiên cứu đang chỉ ra là thi quá nhiều và thi theo chuẩn đang làm hỏng hệ thống giáo dục Mỹ, vì Mỹ đã sử dụng kết quả kiểm tra và kỳ thi để đánh giá năng lực giáo viên (“test-based accountability and teacher evaluation”) [6]. Theo đó, học đã trở thành “luyện thi”, thay vì học vì kiến thức. Các nhà nghiên cứu của Harvard đã nghiên cứu và đưa ra đề xuất về việc thay đổi các kỳ kiểm tra tại hệ thống trường K-12 (mầm non đến cấp 3), và chỉ coi các kết quả kiểm tra chuẩn hóa như một lựa chọn tham khảo (optional) [8]. Theo xác nhận từ Harvard, không có mối liên kết trực tiếp giữa điểm thi của kỳ thi chuẩn hóa với năng lực học tập của học sinh sau khi vào đại học. Hơn thế nữa, Harvad cũng ghi nhận việc cần thay đổi tư duy về đánh giá năng lực của học sinh, không chỉ dựa trên điểm học trung bình cấp 3 hay điểm thi chuẩn hóa, vì điều này đi ngược với giá trị cơ bản của học tập là “phát triển năng lực tiềm ẩn và trở thành người có khả năng tự học suốt đời”, bên cạnh một lý do rất Mỹ là điểm thi không minh chứng được cho năng lực lãnh đạo, khả năng quan tâm và yêu thương người khác, vì cộng đồng và vì sự tiến bộ của xã hội. Chính vì lẽ đó, nghiên cứu của Harvard đã mạnh dạn đề xuất sự thay đổi việc xét tuyển vào đại học, coi trọng sự tử tế, quan tâm, tình thương và những hoạt động giúp đỡ gia đình và cộng đồng, năng lực tự chịu trách nhiệm, khao khát học tập, mới là yếu tố quan trọng nhất, khi xét đến năng lực của một cá nhân vào đại học.
Năm 2016, theo Reuters điều tra, kiểu thi mới SAT cũng đã tạo thêm nhiều sự khó khăn và bất lợi cho học sinh, vì lý do College Board đã sử dụng những ngôn ngữ toán không phù hợp [9], và đây là một trong nhiều lý do mà rất nhiều hội cha mẹ, hội giáo viên phản đối, không cho con tham gia thi SAT, theo nghiên cứu của Teachers College - Columbia University [10].
tin liên quan
Có nên tiếp tục tham gia khảo sát PISA?Kết quả khảo sát PISA 2015 vừa được công bố cho thấy điểm trung bình cũng như thứ hạng của học sinh VN giảm đáng kể so với 3 năm trước đây.
Xét về bản chất, các nhà nghiên cứu, nhà giáo hay cha mẹ đều đồng ý với nhau ở 1 điểm, kỳ thi chuẩn hóa mà College Board hay ACT cung cấp, không phản ánh là “kỳ thi cho chất lượng dạy và học”. GS. Darling-Hammond có nhấn mạnh đến mục đích của giáo dục phải “vì một cộng đồng tốt” (public good), thì mới có giáo dục tốt, chứ SAT, ACT, GRE, GMAT… bản chất là vì “private good”(tạm dịch, lợi ích tư hữu), khi những kỳ thi này được quản lý và phát triển bởi các tập đoàn hay tổ chức tư nhân, được ủng hộ bởi một số quan chức chính quyền, đã buộc mỗi năm gần 2 triệu học sinh phải thi chuẩn hóa để vào đại học [11].
Kiểm tra để đảm bảo chất lượng dạy và học là điều đúng đắn, nhưng việc thực hiện kiểm tra đánh giá ra sao, bằng cách nào lại cần phải tư duy mới cho phù hợp với yêu cầu thực tế của dạy và học. Trên thực tế, hơn 925 + trường đại học tại Mỹ có kiểm định đã không còn sử dụng SAT, ACT hay bất kỳ điểm thi chuẩn hóa nào để xét tuyển đại học nữa [12], trong đó có những đại học rất uy tín như University of Chicago (chỉ là một hệ số tham khảo) [13].
Rất nhiều ý kiến từ Harvard, Stanford và các Hội Phụ huynh, Giáo viên Mỹ đã ghi nhận những hệ quả xấu từ kỳ thi chuẩn hóa, và yêu cầu chỉ dùng kỳ thi này để tham khảo khi xét tuyển đại học. Thêm vào đó, họ mong được đánh giá học sinh một cách toàn diện, nhấn mạnh đến những nhóm kỹ năng mà cách mạng công nghệ 4.0 đòi hỏi, đặc biệt là tính nhân bản như một con người có trách nhiệm trong một cộng đồng, như GS Darling-Hammond chia xẻ trong bài viết và trong báo cáo của NCEE.
Với tất cả những nghiên cứu và cảnh báo trên từ thực tế kỳ thi chuẩn hóa tại Mỹ, tôi chưa rõ lý do thuyết phục nào VNU-Hà Nội và ĐH Quốc tế TP.HCM lại mong được áp dụng kỳ thi SAT vào Việt Nam để tuyển sinh trong tương lai gần? Đặc biệt khi thông báo về đề án đổi mới giáo dục phổ thông vừa được công bố, nhằm xác định dạy và học ở cấp phổ thông ở Việt Nam sẽ phát triển theo hướng toàn diện và nhân văn như đề xuất của Harvard.
Tài liệu tham khảo: [1] http://thanhnien.vn/giao-duc/truong-dh-quoc-te-to-chuc-ky-thi-sat-785262.html
[2] http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-co-the-quan-ly-ky-thi-sat-cua-my-tai-dong-nam-a-3401549.html
[3] http://colleges.usnews.rankingsandreviews.com/best-colleges/search?school-name=Northwestern&location=
[4] http://learningpolicyinstitute.org/blog/now-we-confront-real-equity-challenge-providing-access-21st-century-learning
[5] https://www.youtube.com/watch?v=RtYszdSU1Yg
[6] http://www.ncee.org/wp-content/uploads/2014/08/FixingOurNationalAccountabilitySystemWebV4.pdf [7] The Flat world and Education. How America’ commitment to equity will determine our future. Linda Darling-Hammond . 2010. Columbia University.
[8] Harvard – Making Care Common Project - http://mcc.gse.harvard.edu/files/gse-mcc/files/20160120_mcc_ttt_execsummary_interactive.pdf?m=1453303460
[9] Reuters investigation new SAT design disadvantages low-score students. http://blogs.edweek.org/edweek/high_school_and_beyond/2016/09/reuters_investigation_new_sat_design_puts_low-scorers_at_disadvantage.html?cmp=eml-enl-eu-news3
[10] https://www.tc.columbia.edu/media/news/docs/Opt_Out_National-Survey----FINAL-FULL-REPORT.pdf; http://www.takepart.com/article/2016/04/06/black-leaders-not-down-with-opt-out-standardized-testing
[11] http://www.stanforddaily.com/2014/12/02/i-am-more-than-a-number-the-case-against-sat-scores-in-college-admissions/
[12] http://fairtest.org/schools-do-not-use-sat-or-act-scores-admitting-substantial-numbers-students-bachelor-degree-programs ; http://blogs.edweek.org/teachers/work_in_progress/2016/01/testing_an_unfortunate_roadblo.html; https://www.washingtonpost.com/local/education/study-says-standardized-testing-is-overwhelming-nations-public-schools/2015/10/24/8a22092c-79ae-11e5-a958-d889faf561dc_story.html?utm_term=.b8f1de9e602d; http://greatcollegeadvice.com/standardized-testing-public-education-and-profits/
[13] At UChicago, you are more than your GPA or test score. https://collegeadmissions.uchicago.edu/apply
Bình luận (0)