Sát giờ G, vẫn chưa biết bay đi - về quốc tế ra sao

28/12/2021 07:15 GMT+7

Nôn nóng chờ đợi lịch bay quốc tế mở lại, nhiều hành khách vẫn đang hoang mang chưa biết bay đi bay về thế nào khi các hướng dẫn từ bộ, ngành và thông báo mở bán vé của các hãng hàng không vẫn rất ít ỏi.

Trước đó, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã đồng ý mở lại các đường bay quốc tế tới các thị trường có nhu cầu cũng như hệ số an toàn cao. Với đề xuất mở lại đường bay đi châu Âu và Úc của Vietnam Airlines (VNA), Văn phòng Chính phủ ngày 26.12 có thông báo kết luận của Phó thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu xem xét. Tuy nhiên, tính đến chiều 27.12, mới chỉ có đường bay đi Nhật Bản và Mỹ chính thức được mở lại, các đường bay khác vẫn đang “treo” chờ đồng ý của nước đối tác.

Sân bay quốc tế Cam Ranh đón khách Nga trở lại sau thời gian gián đoạn vì dịch Covid-19, ngày 26.12

Hiền Lương

Bỏ quy định khách bay từ TP.HCM, Cần Thơ phải test âm tính Covid-19 trong 72 giờ

Chuyến bay ít, giá vé cao

VNA cho biết sẽ mở lại các đường bay thương mại thường lệ 2 chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản từ ngày 5.1.2022 với tần suất 3 chuyến/tuần từ Tokyo (Nhật Bản) về Hà Nội và TP.HCM. Hành khách có thể liên hệ với các kênh bán vé của hãng để bắt đầu đặt chỗ.

Với đường bay Mỹ, hiện VNA khai thác chuyến bay thường lệ theo chủ trương mở cửa đường bay quốc tế giữa TP.HCM với San Francisco (bang California) với tần suất 2 chuyến/tuần vào thứ tư và chủ nhật. Trong đó, chuyến bay đầu tiên sẽ khai thác từ ngày 9.1.2022. Đại diện VNA cũng cho biết đã chính thức mở bán vé rộng rãi bay Mỹ 2 chiều trên website của hãng và hệ thống phòng vé, đại lý.

Tuy nhiên, theo khảo sát trên trang web bán vé chính thức của VNA, vé máy bay từ TP.HCM đi San Francisco mở bán ngày 12.1.2022 với mức giá một chiều là 21,3 triệu đồng đã bao gồm thuế phí. Trong khi đó, chiều ngược lại từ San Francisco về TP.HCM từ 9.1 khi tìm kiếm trên website bán vé đều báo “không có chuyến bay hoặc hết chỗ”.

Với đường bay khứ hồi đi Nhật Bản, hiện cả 2 hãng VNA và Vietjet đều đã mở bán vé, song mức giá khá cao và số lượng chuyến bay cũng rất hạn chế. Đơn cử, Vietjet được phép khai thác đường bay từ Hà Nội đi Tokyo (Nhật) với số lượng 1 chuyến/tuần, theo giá vé mở bán của hãng này mức thấp nhất 1 chiều là 6,6 triệu đồng/vé/chiều hạng phổ thông và 13,8 triệu đồng/vé hạng thương gia.

Trong khi đó, mức giá vé 1 chiều của VNA từ Hà Nội đến Tokyo với hạng phổ thông thấp nhất là 10,6 - 16 triệu đồng, hạng thương gia từ 25 - 41 triệu đồng/vé. Nếu bay khứ hồi từ Hà Nội đi Nhật trong tháng 1.2022 của VNA, hành khách sẽ phải trả tới 24 - 28 triệu đồng/vé hạng phổ thông. Mức giá này cao hơn nhiều so với thời điểm trước dịch (năm 2019).

Chuyến bay đầu tiên chở du khách quốc tế đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), ngày 17.11

Đậu Tiến Đạt

Bay hãng nước ngoài “dễ” hơn trong nước

Sau gần 2 năm đóng băng chờ đợi (tính từ tháng 3.2020) đến hiện nay, các hãng hàng không trong nước vẫn đang thấp thỏm chờ đợi mở lại các đường bay để khai thác thị trường rất lớn từ người Việt có nhu cầu hồi hương, khách kinh doanh đầu tư, cũng như người Việt đi nước ngoài học tập, thăm thân, kinh doanh. Trong khi đó, thị phần rất lớn với các chuyến bay đưa người Việt đi nước ngoài đang được các hãng hàng không nước ngoài khai thác triệt để.

Chị N. (từ TP.HCM) cùng con gái bay sang Melbourne (Úc) vào cuối tháng 11 qua Hãng hàng không Singapore Airlines. Dù rất muốn chọn hãng bay trong nước, nhưng thời điểm đó đại lý cho biết VNA chỉ bán hạng thương gia với giá vé 92 triệu đồng/người/chiều, trong khi vé mua qua đại lý với Singapore Airlines là 42 triệu đồng/người/chiều.

Theo đại diện đại lý vé hàng không Asia Wings Travel, từ Việt Nam hiện nay có nhiều hãng hàng không đã và đang triển khai nhiều đường bay như Singapore Airlines, Qatar Airways, Emirates, Japan Air, Korean Air tới các thị trường Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Trung Đông, Âu, Úc, Mỹ, Canada, châu Phi.

Giá vé chiều đi từ Việt Nam đi châu Âu thời điểm tháng 1 - 2.2022 dao động trong khoảng từ 550 - 800 USD/chiều. Vé đi Úc trong tháng 12.2021 hoặc đầu tháng 1.2022 cao hơn một chút, khoảng 650 - 950 USD/chiều, tuy nhiên nếu đi sau ngày 15.2.2022 thì giá vé chỉ khoảng 550 USD/chiều. Mức giá này được đánh giá không cao hơn quá nhiều so với thời điểm trước dịch.

Một số đại lý khác cũng liên tục thông báo mở bán vé cho hành khách có nhu cầu đi du học, đi công tác tại nước ngoài trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo đại diện Asia Wings Travel, lịch bay cũng thay đổi liên tục do tác động của dịch, nên một số khách tự đặt vé của các hãng ra sân bay lại không được bay.

“Gần đây có hành khách tự book vé đi Canada, nhưng không được bay do không nắm được quy định quốc tế khi quá cảnh tại các nước. Các hãng cũng thay đổi lịch như hoãn, hủy... mà hành khách rất khó liên hệ”, vị này cho biết.

Covid-19 sáng 28.12: Cả nước 1.666.545 ca | Hà Nội “nối dài kỷ lục” dịch bệnh

Người Việt ở nước ngoài vẫn chưa biết về thế nào

Khi trình Chính phủ phương án mở lại các đường bay quốc tế hồi cuối tháng 11, Cục Hàng không Việt Nam cũng dự kiến có khoảng 180.000 - 200.000 khách sẽ tham gia các chuyến bay về Việt Nam . Đây cũng là thị trường chủ lực được kỳ vọng sẽ hâm nóng du lịch nội địa sau thời gian dài đóng băng. Thế nhưng, thực tế, chỉ còn 3 ngày nữa là tới “giờ G” nối lại các đường bay thương mại quốc tế theo chỉ đạo của Thủ tướng, bà con Việt kiều muốn về nước vẫn hoang mang chưa biết đi đường nào.

“Rất nhiều bạn bè, người thân của tôi ở nước ngoài nghe thông báo chính sách đã bắt đầu mở rồi, chuyến bay thường lệ sắp có rồi, họ mừng lắm, ngóng đợi từng ngày được về nước ăn tết. Nhưng khi hỏi lại là về kiểu gì, về theo thủ tục nào, ai cũng ngớ ra, chẳng biết về thế nào”, dẫn câu chuyện của bản thân, TS Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), cho rằng với tiến độ triển khai mở cửa đường bay thường lệ quốc tế như hiện nay, kiều bào khó có thể tự mua vé về quê ăn tết. Bởi các chuyến bay vẫn chưa mở bán vé. Ngoài ra, các Việt kiều muốn về nước mà không đi bằng các chuyến bay combo, chuyến bay giải cứu thì có cần phải đăng ký với ai không, có cần giấy tờ, thủ tục gì không… đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.

Theo báo cáo vừa gửi Thủ tướng, Bộ Ngoại giao cho biết hiện người Việt Nam ở nước ngoài có thể về nước theo 3 cách: các chuyến bay “giải cứu”, các chuyến bay combo, hoặc tham gia chương trình du lịch thí điểm sau đó ở lại.

Theo thông tin từ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hiện còn khoảng 140.000 người Việt Nam ở nước ngoài muốn về nước, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Do đó, các chuyến bay thương mại thường lệ dự báo sẽ không đáp ứng được hết nhu cầu về nước của kiều bào. Ngoài ra, các chuyến bay thương mại thường lệ trước mắt được xem xét khôi phục từ 9 thị trường, trong khi nhu cầu về nước của kiều bào thì trải khắp nơi trên thế giới. Do đó, Bộ Ngoại giao đề xuất bên cạnh các chuyến bay thương mại thường lệ, các chuyến bay du lịch thí điểm, tiếp tục tổ chức các chuyến bay giải cứu và chuyến bay combo.

TS Lương Hoài Nam phân tích chi phí cho 1 chuyến bay combo/chuyến bay giải cứu hiện rất lớn và nhiều thủ tục nhiêu khê, nên ngay khi có thông tin mở đường bay, nhiều bà con đã hủy vé combo để chờ nối lại chuyến bay thương mại thường lệ... Thế nhưng, những đường bay có số lượng Việt kiều rất lớn như Úc, châu Âu dù có hãng hàng không đề xuất mở trước, nhưng vẫn chưa được phê duyệt. Nhiều người sẵn sàng bay tới Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… để nối chuyến về Việt Nam, nhưng đường bay cũng chưa mở bán vé. Hiện tại, các hãng hàng không nước ngoài vẫn đang bay thường lệ đến Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cũng như chở khách đi, nhưng lại không được chở người Việt về nước.

“Tại sao việc mở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế của các hãng Việt Nam lại khó khăn đến thế?”, ông Nam đặt câu hỏi.

Bỏ quy định test âm tính với khách bay từ TP.HCM, Cần Thơ

Hôm qua 27.12, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn vừa ký Quyết định 2233/QĐ-BGTVT, sửa đổi bổ sung các quy định bay nội địa thường lệ. Theo đó, hành khách bay từ TP.HCM, Cần Thơ không cần chứng nhận âm tính trong 72 giờ trước khi bay. Quy định test âm tính chỉ áp dụng với hành khách bay từ địa bàn có dịch cấp 4 hoặc cách ly y tế (vùng phong tỏa).

Ngoài ra, Bộ GTVT cho phép tăng tần suất khai thác trên các đường bay nội địa từ ngày 29.12.2021 - 16.2.2022 (chia 2 giai đoạn từ 29.12.2021 - 18.1.2022 và từ 19.1.2022 - 16.2.2022). Theo đó, đường bay Hà Nội - TP.HCM tăng lần lượt lên 25 chuyến khứ hồi/ngày và 52 chuyến khứ hồi/ngày; TP.HCM - Đà Nẵng tăng tương ứng 20 chuyến khứ hồi/ngày và 27 chuyến khứ hồi/ngày…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.