Máy bay hiếm, giá vé tăng cao
Báo cáo tại Hội nghị giao ban công tác quý 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2024 của Bộ GTVT chiều 1.4, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không VN, cho biết các hãng hàng không đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt máy bay trên diện rộng. Theo tính toán, cao điểm hè năm nay, tải cung ứng cần khoảng 24 - 26 triệu ghế. Với cách vận hành thông thường, số máy bay để phục vụ đợt cao điểm dự kiến thiếu từ 24 - 26 chiếc.
Đáng lo ngại, hiện việc thuê máy bay vừa khan hiếm, vừa tăng giá. Nếu thời điểm trước tết, giá thuê máy bay A321 là 2.300 USD/giờ thì hiện tại con số này đã chạm ngưỡng 4.000 USD/giờ. Các hãng dù tích cực đàm phán cũng rất khó thuê.
Liên quan đến kế hoạch lấp khoảng trống đội bay, ông Đặng Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, thông tin trong tháng 5 tới, hãng sẽ tiếp nhận máy bay thân rộng thứ 30. Mặc dù trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hãng đã đàm phán với Tập đoàn Boeing lùi thời gian nhận máy bay nhưng trước tình huống phát sinh, các bên đã đàm phán lại và đẩy nhanh tiến độ, kịp thời đưa vào phục vụ dịp cao điểm hè. Song song, Vietnam Airlines cũng cố gắng đàm phán, thương thảo với các hãng cho thuê để có đội tàu bay 4 chiếc "thuê ướt" (thuê ngắn hạn đội bay hoàn chỉnh) khai thác trong dịp cao điểm hè.
"Trước đây, thông thường hãng để 2 - 3 máy bay dự phòng tình huống phát sinh, song trước tình hình khan hiếm, hãng đã táo bạo áp dụng giải pháp không để máy bay dự bị (hoặc chỉ bố trí thời gian 1/2 chiếc) nhằm tăng số lượng máy bay khai thác và sản lượng hành khách", ông Tuấn nói và khẳng định Vietnam Airlines cung ứng đủ chuyến bay phục vụ nhu cầu hành khách ngay cả trong bối cảnh hàng không đối mặt nhiều thách thức, cùng mức giá phù hợp với đa dạng hành khách.
Bamboo Airways cũng đã lên kế hoạch thuê ướt một số tàu bay tăng cường dịp cao điểm nhưng vẫn còn phụ thuộc các đối tác, do tàu khô và ướt đều đang khan hiếm trên toàn thế giới. Trong khi đó, hãng hàng không Vietravel Airlines nỗ lực tăng tần suất, mở rộng mạng bay cho kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 sắp tới. Đồng thời, triển khai nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi để kiềm chế tình trạng giá vé máy bay tăng quá cao.
Mặc dù vậy, giá vé máy bay dịp lễ vẫn khiến nhiều gia đình ngán ngẩm. Đơn cử, dịp lễ 30.4 - 1.5 sắp tới, chặng Hà Nội - Phú Quốc chỉ có vài chuyến bay, giá dao động từ gần 6 triệu đến gần 10 triệu đồng; bay Hà Nội - Nha Trang phải chi từ 5,8 - hơn 7 triệu đồng/cặp vé khứ hồi; từ TP.HCM đi Đà Nẵng, giá vé cũng tăng gấp 1,5 lần ngày thường, ngang cao điểm Tết Nguyên đán - khoảng 5 triệu đồng/vé khứ hồi...
Khẳng định hãng đã phải rất cân nhắc khi áp dụng tăng giá vé máy bay để tránh xáo trộn tới thị trường, song lãnh đạo Vietnam Airlines thừa nhận giá vé máy bay hiện tăng cao hơn so với thời điểm dịch Covid-19 và trước năm 2019. Nguyên nhân, các yếu tố chi phí đầu vào như nhiên liệu, vật tư, cùng nhiều yếu tố khác tăng rất cao. Cụ thể, giá nhiên liệu đầu vào neo ở mức cao trên 100 USD/thùng, tỷ giá biến động bất lợi tiếp tục gây ra các khó khăn. Lãi suất đồng USD cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí tài chính và gián tiếp đến chi phí thuê tàu bay. Tất cả những vấn đề này đặt ra áp lực lớn đối với các hãng hàng không trong việc kiểm soát chi phí và duy trì lợi nhuận.
Du lịch muốn chuyển hướng cũng khó
Theo khảo sát các doanh nghiệp (DN) lữ hành, việc các hãng hàng không thông báo có thể thiếu máy bay giai đoạn cao điểm hè hiện chưa ảnh hưởng tới kế hoạch bán tour bởi đa số công ty đã đặt xong vé cho lễ 30.4 - 1.5 và cao điểm hè. Tuy nhiên, những đoàn phát sinh thêm hoặc những nhóm gia đình đi lẻ chắc chắn sẽ bị tác động, hoặc không có vé nếu mua sát lễ, hoặc phải chấp nhận giá rất cao.
"Mùa hè năm 2023 đã cho thấy việc giảm hẳn nhu cầu du lịch nội địa phần lớn là do tác động giá vé máy bay tăng. Khá nhiều du khách đã so sánh với các điểm du lịch ở các quốc gia lân cận như Thái Lan, Singapore… và cuối cùng quyết định không đến Phú Quốc. Điều này xảy ra vào mùa hè - mùa du lịch cao điểm nhất năm 2023 thực sự là bất thường và đáng lo ngại", ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông Công ty Du lịch Việt, dẫn chứng.
Theo ông Vũ, sau thời gian dài hàng không biến động, các DN du lịch thời gian qua phải nghiên cứu chọn những điểm đến trong nước phù hợp để lên kế hoạch đặt vé máy bay cho cả năm. Năm nay việc các hãng hàng không áp dụng mức cọc vé cho sê ri đoàn theo cả năm càng khiến DN lữ hành cần đánh giá kỹ lưỡng hơn bởi mức cọc cho một năm là khoản chi phí khá lớn. Bên cạnh đó, để chủ động, Du lịch Việt đang thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt để du khách có được những chuyến du lịch giá hợp lý và chất lượng như áp dụng ưu đãi mua tour sớm giảm giá nhiều hơn, triển khai bán song song cả landtour (tour tại điểm đến) và tour trọn gói.
"Chúng tôi cũng đẩy mạnh các tour đường sắt, đường bộ nhằm thay thế một số tuyến quá khan hiếm vé máy bay hoặc giá quá cao nhưng cũng không đơn giản. Như Phú Quốc, hơn 90% khách tiếp cận phải bằng đường bay, đi tàu thủy thì chỉ có khách từ Kiên Giang ra được, khách đi từ TP.HCM phải mất thêm một ngày. Từ Vũng Tàu chạy tàu ra cũng rất mệt. Hay Đà Nẵng cũng vậy, từ TP.HCM mà đi tàu ra thì phải mất 2 ngày cho chặng đi/về. Xây dựng tour như vậy rất khó và khách hàng cũng không muốn. Sự chuyển hướng như vậy chỉ có thể áp dụng với một đối tượng khách nhỏ. Nếu giá vé máy bay không ổn định thì chắc chắn thị trường du lịch nội địa sẽ ngấm đòn", ông Phạm Anh Vũ lo ngại.
Mặc dù khó nhưng lữ hành còn có thể linh hoạt chuyển hướng, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, "khổ" nhất là các điểm đến, hệ thống lưu trú mà thời gian qua đầu tư rất mạnh cho các sản phẩm du lịch mới. Những điểm đến có thể sử dụng phương tiện cá nhân, phương tiện xe công cộng, xe du lịch, tàu hỏa tiếp cận thì vẫn có khả năng duy trì. Đơn cử như Tây Ninh, vừa qua du lịch phát triển đột biến. Đà Nẵng cũng đang có nhiều chính sách mạnh mẽ thu hút khách địa phương và khách từ các thị trường lân cận.
Song Phú Quốc là đảo, phương tiện đến chủ yếu là máy bay và đường thủy nên sẽ cực kỳ khó. Hiện sân bay Phú Quốc chỉ còn các chuyến bay nội địa đến từ Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng. Các hãng đã tạm ngừng khai thác tuyến bay từ Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang (Khánh Hòa). Với những tổ hợp giải trí mới có giá trị hàng ngàn tỉ đồng, Phú Quốc sẽ phải dùng nguồn khách quốc tế bù đắp lại, nhưng khách quốc tế năm nay cũng chưa thể bùng nổ ngay được.
VN cần có giải pháp để cải thiện tình trạng thiếu đường bay, thiếu máy bay cả trong nước và quốc tế. Đề xuất Chính phủ, Bộ GTVT và các đại sứ quán vào cuộc và hỗ trợ tìm kiếm cơ hội tăng cường hợp tác hàng không với các quốc gia, các hãng hàng không quốc tế hàng đầu để xúc tiến mở các đường bay mới và tăng tần suất các chuyến bay thẳng hiện có giữa các địa bàn trọng điểm du lịch của VN và các thành phố cấp 1, cấp 2 của các thị trường khách du lịch quốc tế mục tiêu. Đặc biệt là các thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc…
Đại diện Tập đoàn Sun Group
Bình luận (0)