Sạt lở gia tăng ở ĐBSCL

17/06/2023 06:27 GMT+7

Sạt lở bờ sông, bờ biển liên tục gia tăng trong vài tháng qua khiến hàng chục ngàn hộ dân ĐBSCL mất nhà cửa, đất đai; nhiều công trình bị hư hỏng, thiệt hại nặng nề.

Khó có thể thống kê hết bao nhiêu đất đai của người dân ĐBSCL đã biến mất do sạt lở trong nhiều năm qua khi ước tính bình quân mỗi năm khu vực này mất đi khoảng 500 ha đất. Thống kê từ chi cục thủy lợi các địa phương cho thấy chỉ trong 5 năm (2018 - 2022), sạt lở đã làm sập, cuốn trôi ít nhất 2.500 căn nhà ở các tỉnh, thành An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, làm thiệt hại hơn 304 tỉ đồng. Có khoảng 20.000 hộ dân ở 5 địa phương nói trên đang phải sống trong vùng sạt lở, cần phải di dời.

Sạt lở gia tăng ở ĐBSCL   - Ảnh 1.

Sạt lở bờ kênh Cần Lố ở ấp Hòa Dân, xã Nhị Mỹ, H.Cao Lãnh, Đồng Tháp rạng sáng 21.5 gây thiệt hại nhà dân

TRẦN NGỌC

Mất nhà cửa, đất đai

Chưa bao giờ ông Võ Văn Dũng (62 tuổi, ngụ xã Nhị Mỹ, H.Cao Lãnh, Đồng Tháp) có thể tưởng tượng chỉ sau một đêm gia đình mình bỗng nhiên lâm cảnh màn trời chiếu đất. Nhắc lại vụ sạt lở cách đây gần 1 tháng, ông Dũng mắt đỏ hoe kể: "Rạng sáng hôm đó, tôi thức dậy bơm nước thì thấy xuất hiện vết nứt trên tường và nền nhà. Tôi liền la lên cho vợ và mấy đứa cháu chạy ra khỏi nhà. Vài phút sau, những tiếng rầm rầm vang lên, phần nhà sau của tôi cứ thế nứt toác ra rồi trôi tuột xuống kênh Cần Lố". May mắn cho gia đình ông Dũng khi cả nhà đều chạy nạn kịp thời, nhưng căn nhà tường kiên cố, cũng là tài sản lớn nhất của ông, bỗng chốc tan hoang. Đến nay, sau gần 1 tháng, cuộc sống tạm bợ của gia đình ông Dũng đang vô vàn khó khăn.

Xem nhanh 12h ngày 17.6: Bản tin thời sự toàn cảnh

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp, vụ sạt lở khu vực nhà ông Dũng chỉ là một trong 19 vụ sạt lở liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh này từ đầu năm 2023 đến nay. Sạt lở không chỉ xảy ra trên sông Tiền, sông Hậu mà còn lan vào kênh rạch nội đồng các huyện Châu Thành, Cao Lãnh và TP.Sa Đéc, với chiều dài sạt lở gần 1 km, 15 hộ dân bị ảnh hưởng, ước thiệt hại gần 2 tỉ đồng. Theo thống kê của ngành chức năng, hiện tổng chiều dài bờ sông có nguy cơ sạt lở ở Đồng Tháp đã lên tới hơn 130 km.

Tương tự, tại An Giang, sạt lở liên tiếp xảy ra trong vòng 1 tháng qua. Tính từ đầu năm đến ngày 16.6, đã có 36 điểm sạt lở, sụt lún, nứt đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài hơn 1,6 km, ảnh hưởng đến 65 căn nhà, thiệt hại hơn 2 tỉ đồng. Qua khảo sát, cơ quan chức năng An Giang ghi nhận có 56 đoạn bờ sông cảnh báo sạt lở với tổng chiều dài khoảng hơn 181,4 km, khoảng 20.000 hộ dân đang nằm trong vùng bị ảnh hưởng.

Ở phía hạ lưu sông Hậu, sông Tiền, gần 6 tháng qua, tỉnh Vĩnh Long cũng ghi nhận 82 điểm sạt lở ở 7 huyện, thị xã. Gần 5 tỉ đồng đã được ngành chức năng tỉnh này chi ra để khắc phục hậu quả các vụ sạt lở. Trước đó, người dân Vĩnh Long bàng hoàng với vụ sạt lở xảy ra vào tháng 12.2022 cuốn trôi 5 ha đất, 12 căn nhà bị nhấn chìm ở ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, H.Long Hồ…

Nằm ở trung tâm ĐBSCL, TP.Cần Thơ cũng không ngoại lệ khi từ đầu năm đến nay xảy ra 26 vụ sạt lở (tăng 19 vụ so với cùng kỳ năm 2022) tại khắp các quận, huyện Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Phong Điền, Vĩnh Thạnh với tổng chiều dài hơn 930 m, làm 26 căn nhà bị sập và hư hỏng, ước tổng thiệt hại hơn 20 tỉ đồng.

Nằm cạnh Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang cũng hứng chịu 45 vụ sạt lở, ước thiệt hại hơn 4 tỉ đồng kể từ đầu năm đến nay.

Sạt lở gia tăng ở ĐBSCL   - Ảnh 2.

Vụ sạt lở khiến 8 căn nhà ở H.Trà Ôn, Vĩnh Long sụp xuống sông Trà Ôn

NAM LONG

Sạt lở biển "cạp" 40 m bờ mỗi năm

Các tỉnh giáp biển như Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh... cũng đang phải gồng mình chống chịu với tình trạng sạt lở gia tăng. Số liệu thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho thấy đến cuối năm 2022, tại 13 tỉnh thành ĐBSCL có tổng 596 vị trí sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài hơn 804 km. Trong đó, sạt lở bờ sông có 548 điểm, với tổng chiều dài bờ bị sạt lở gần 583 km; sạt lở bờ biển có 48 điểm, chiều dài bờ bị sạt lở gần 222 km.

Theo thống kê, tại 5 địa phương An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau hiện có tổng cộng gần 20.000 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cần phải di dời. Trong đó, Đồng Tháp có khoảng 6.400 hộ, An Giang có gần 5.300 hộ, Vĩnh Long 3.000 hộ, Cần Thơ hơn 2.400 hộ và Cà Mau hơn 2.700 hộ. Tổng kinh phí 5 địa phương kiến nghị T.Ư hỗ trợ để di dời gần 20.000 hộ dân nêu trên gần 5.000 tỉ đồng.

Có thể nói, đi cùng với các giải pháp công trình, thách thức lớn nhất của các tỉnh, thành ĐBSCL lúc này còn là việc ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng, nhất là những hộ mất nhà cửa do sạt lở gây ra.

Ở Cà Mau, nhiều năm qua, cùng với triều cường, mưa bão, thì sạt lở luôn là nỗi lo thường trực đe dọa đến tính mạng, tài sản người dân ở đây. Hiện tại, gió mùa tây nam đang bắt đầu thổi mạnh và nỗi ám ảnh về những vụ sạt lở, triều cường lại ùa về. Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, cho biết may mắn là phía biển Tây còn có tuyến đê dài 108 km để bảo vệ, còn phía biển Đông thì không. "Chính vì vậy, tình trạng sạt lở phía biển Đông của Cà Mau ngày càng nghiêm trọng hơn. Bình quân, mỗi năm sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 30 - 40 m. Cá biệt có những điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng như ở Hố Gùi (H.Năm Căn) lên đến 80 m chỉ trong vòng 1 tháng", ông Nam nói.

Theo thống kê, trong tổng số 142 km bờ biển Đông của tỉnh Cà Mau thì có trên 80 km đang trong tình trạng sạt lở với nhiều mức độ khác nhau. Ông Nguyễn Văn Tẻo (ngụ xã Tam Giang Tây, H.Ngọc Hiển) kể: Gia đình ông về đây sống được 18 năm, nhưng chỉ vài năm qua, ông phải dời nhà 3 lần vì sạt lở. Khoảng 3,6 ha đất sản xuất của ông trước đây bị sạt lở giờ chỉ còn chừng 1,6 ha, 2 ha đã tiêu tan ngoài biển.

Cũng như Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu đang phải "căng mình" ứng phó sạt lở từ đầu năm đến nay. Mặc dù chỉ có 6 vụ sạt lở nhưng có đến 108 căn nhà của người dân bị thiệt hại; 2 ha tôm nuôi bị ảnh hưởng.

Sạt lở gia tăng ở ĐBSCL   - Ảnh 4.

Sạt lở cắt đứt giao thông nông thôn ở TP.Cần Thơ

ĐÌNH TUYỂN

Căng sức ứng phó

Sạt lở lan rộng, các địa phương ĐBSCL đều đang căng sức ứng phó, đặc biệt là ưu tiên đảm bảo tính mạng cho người dân. Nhiều tỉnh thành như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh… hiện đã phải công bố tình huống khẩn cấp ở một số khu vực sạt lở nghiêm trọng.

Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho biết từ thực tế địa phương, tỉnh đã kiến nghị T.Ư khảo sát, đánh giá toàn tuyến sông Tiền, sông Hậu. Từ đó đưa ra các giải pháp khả thi, lâu dài. "Trước mắt, chúng tôi đang sắp xếp lại các lồng bè để thí điểm dùng lồng bè che chắn, giảm tốc độ dòng chảy tại các huyện Thanh Bình, Cao Lãnh, Hồng Ngự. Đây vừa là giải pháp nằm trong quy hoạch quản lý lồng bè nuôi cá, vừa có thể tạo điều kiện bồi lắng phù sa, phòng chống sạt lở", ông Đạt nói.

Sạt lở gia tăng ở ĐBSCL   - Ảnh 5.

Tỉnh An Giang cũng đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ xây dựng các cụm, tuyến dân cư và có cơ chế ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng cụm, tuyến dân cư, đáp ứng nhu cầu bố trí cho các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở có nơi ở ổn định. Đặc biệt là hỗ trợ địa phương quy hoạch lại hệ thống giao thông, chợ, trường học, công trình xây dựng… theo hướng xa bờ sông nhằm hạn chế sạt lở và thiệt hại do sạt lở.

Trong khi đó, Bạc Liêu, Cà Mau kiến nghị Chính phủ và Bộ NN-PTNT ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn để tiếp tục thi công kè tại những khu vực thường xuyên sạt lở hay nguy cơ cao. Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành các công trình kè biển những đoạn bờ biển, bờ sông bị sạt lở nguy hiểm… Trước đó, thống kê của cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT cho thấy riêng trong giai đoạn 2016 - 2020, để khắc phục 375 km sạt lở bờ sông, bờ biển mức độ nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm ở ĐBSCL, Chính phủ đã phải chi gần 12.000 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.