Sạt lở Nam Trà My: 'Ầm. Mọi thứ bị san phẳng... Con ơi, mẹ phải sống sao?'

30/10/2020 08:41 GMT+7

“Chỉ sau tiếng nổ lớn, ngôi làng vốn bình yêu bao lâu nay bỗng phút chốc bị “xóa sổ”. Tôi chỉ kịp ôm hai con bỏ chạy ra khỏi đống đồ nát. Thảm họa diễn ra quá nhanh”, bà Trần Thị Minh Châu nói trong nước mắt.

“Ầm. Mọi thứ bị san phẳng”

“Kinh hoàng” là câu nói mà ông Lê Xuân Cang (ở thôn 1, xã Trà Leng, H.Nam Trà My, Quảng Nam), một trong những nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ sạt lở núi vùi lấp hàng chục người vào chiều tối 28.10, thốt lên khi tiếp xúc với chúng tôi.

Sạt lở ở xã Trà Leng: 12 nạn nhân bị thương nặng đã được đưa đi cấp cứu

“Tôi sống hàng chục năm nay, cũng nhiều lần nghe những vụ sạt lở núi nhưng có lẽ đây là trận sạt lở núi kinh hoàng, khủng khiếp nhất. Ầm. Mọi thứ bị san phẳng”, ông Cang nhớ lại.

Hiện trường vụ sạt lở khiến hàng chục người bị vùi lấp ở Trà Leng.

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Theo ông Cang, chiều 28.10, do ảnh hưởng của bão số 9, trời bắt đầu mưa to. Chỉ vài giờ đồng hồ sau, xuất hiện một tiếng nổ lớn ở ngọn đồi sau làng đã kéo theo hàng chục ngàn mét khối đất đá san lấp toàn bộ ngôi làng.

“Nghe tiếng nổ lớn tôi chỉ biết ôm vợ con chạy ra ngoài và đành bất lực nhìn ngôi làng cùng hàng chục người dân đang trú ẩn trong nhà bị vùi sâu xuống đống đất đá. Thiên tai thật khắc nghiệt”, ông Cang buồn bã rồi nói thêm “Sau một đêm lật từng viên đá, dỡ từng tấm gỗ, cào từng lớp bùn lầy, chúng tôi đã cứu sống nhiều người bị thương nặng ra ngoài”.

Để tận mắt chứng kiến sự tàn khốc của thiên tai, ngày 29.10, PV Thanh Niên đã có chuyến lội bộ hơn 3 giờ đồng hồ trên đoạn đường đầy bùn đất với hàng trăm điểm sạt lở hiểm trở. Vì sạt lở xảy ra với khối lượng lớn nên tuyến đường huyết mạch QL40B từ trung tâm H.Bắc Trà My lên xã Trà Leng, bị cô lập, ách tắc hơn 1 ngày.

Tận mắt chứng kiến một ngôi làng vốn bình yên bao lâu nay bỗng chốc tiêu tan bởi “họa núi đè”, khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Ngôi làng với hàng chục căn nhà, nơi hàng ngày những đứa trẻ vẫn chạy vui đùa, theo cha mẹ đi rẫy với bao kỷ niệm nay bị “xóa sổ”, bởi mẹ thiên nhiên. Ngôi làng giờ chỉ còn lại khung cảnh tan hoang. Đau nhưng đành bất lực!.

Kinh hoàng đường thủy đặc rác chắn lối vào hiện trường sạt lở ở Nam Trà My

“Bữa cơm cuối cùng”

Ngồi thất thần với đầu tóc rũ rượi, chị Hồ Thị Hòa (20 tuổi, ở thôn 1, xã Trà Leng), liên tục gọi tên con trai không ngớt. “Con ơi! Mẹ xin lỗi. Mẹ phải sống sao bây giờ. Mẹ mua sữa về cho con rồi đây. Con ở đâu vậy. Con ơi!”.

Những người dân may mắn sống sót được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Chị Hòa vốn là một thợ làm tóc ở  (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), mấy ngày qua thấy mưa bão nhớ nhà nên xin nghỉ làm về thăm nhà. Đi được nửa đường, chị được người dân làng khác thông tin là cả làng chỗ chị ở bị sạt lở núi, nước lũ từ thượng nguồn tràn theo con suối ven làng đã san phẳng toàn bộ ngôi làng. “Cả gia đình tôi bị chôn vùi hết dưới lớp đất đó rồi. Trời ơi!”, Hòa nấc nghẹn. Con chị Hòa bị vùi dưới đống đất đá và vẫn chưa được tìm thấy.

Những tiếng khóc nấc nghẹn, bật ra nhưng không thành lời trong nỗi đau đớn, vô vọng trước cảnh tượng hoang tàn, đợi chờ đoàn cứu hộ đang tìm kiếm những người thân. Điều kỳ diệu dường như không xảy đến với chị. Tất cả trước mắt chị đều là cảnh đổ nát. Tất cả đều hoang tàn.

“Thật sự không thể tin nổi vào cảnh tượng này. Nó quá khủng khiếp. Giờ chỉ mong sớm tìm được những người thân đang bị mất tích”, Hoài nghẹn ngào.

Ngồi lặng im trước hiện trường với đôi mắt đầy sợ hãi, bà Trần Thị Minh Châu chua xót kể, chiều tối 28.10, nghe tiền nổ sau nhà bà bật dậy ôm 2 đứa con nhỏ bỏ chạy thật nhanh ra ngoài, bỏ lại những âm thanh chát chúa sau lưng.

Sạt lở kinh hoàng ở Nam Trà My: Mất liên lạc với Bí thư xã Trà Leng

“Chỉ sau tiếng nổ lớn, ngôi làng vốn bình yêu bao lâu nay bỗng phút chốc bị “xóa sổ”. Tôi chỉ kịp ôm hai con bỏ chạy ra khỏi đống đồ nát. Thảm họa diễn ra quá nhanh”, bà Trần Thị Minh Châu nói trong nước mắt.

Bàng hoàng, sợ hãi là cảm giác chung mà nhiều người dân thôn 1, Trà Leng đang phải trải qua khi may mắn là những người thoát chết trong cơn thảm họa sạt lở núi.

Hàng trăm người tổ chức tìm kiếm thi thể các nạn nhân đang còn mất tích.

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Đôi tay run rẫy thắp nén hương cạnh thi thể em trai vừa được tìm thấy, bà Hồ Thị Hồng chỉ biết ngục mặt xuống khóc nước nở. Khi nghe bão số 9 đổ bộ, bà liên tục gọi điện nhắc nhở con cái không được ra ngoài để tránh nguy hiểm.

Sáng 28.10, em trai bà có việc phải ra ngoài nên ghé sang nhà bà chơi. Bà đã tự tay nấu cho em ăn nhưng bà không ngờ đó lại là bữa ăn cuối cùng.

“Đau lắm! Chỉ trong vài phút quả đồi san lấp hết tất cả. Dân chúng tôi mất tất cả rồi. Em ơi, còn cơ hội nào để nấu cơm em ăn nữa đâu!”, bà Hồng nghẹn ngào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.