34 hộ buộc phải di dời
Sạt lở bắt đầu xảy ra lúc khoảng 5 giờ 30 ngày 21.5 tại bờ sông Ô Môn, đoạn tiếp giáp rạch Vàm (cách ngã ba sông Hậu khoảng 100 m), thuộc KV. Thới Lợi, P.Thới An, Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ. Đây là đoạn bờ sông đã liên tiếp xảy ra sạt lở từ ngày 7 - 11.5 mà Thanh Niên đã thông tin.
[VIDEO] Lạnh người cảnh 5 căn nhà sụp xuống sông trong chớp mắt
|
Đến sáng 21.5, đoạn sạt lở kéo dài gần 60 m, ăn sâu vào đất liền hơn 10 m; 5 căn nhà dọc bờ sông đổ ụp xuống sông; hơn 50 m đường giao thông nông thôn bị cắt đứt hoàn toàn. Trước đó, khu vực sạt lở đã được chính quyền địa phương cảnh báo người dân di dời nên không gây thương vong.
Tại đoạn sạt lở, những vết nứt lớn tiếp tục kéo dài, hàng chục căn nhà có thể sụp xuống sông bất cứ lúc nào. Ông Đào Minh Huy, Chủ tịch UBND P.Thới An, cho biết thống kê đến thời điểm này đã có 7 căn nhà bị sụp, 34 hộ dân sống lân cận khu vực sạt lở buộc phải di dời khẩn cấp. Chính quyền địa phương đã huy động khoảng 140 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ xuống hiện trường giúp dân tháo dỡ nhà cửa, di dời đồ đạc đến nơi an toàn.
Sáng cùng ngày, ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, đã đến hiện trường chỉ đạo di dời dân. “Yêu cầu chính quyền địa phương tận dụng trường học, chùa chiền bố trí nơi ở tạm cho bà con thuộc diện phải di dời mà chưa có nơi ở…”, ông Dũng nói.
Về vấn đề khắc phục sạt lở, ông Dũng cho biết Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đã tiến hành quan trắc và khảo sát lòng sông, dòng chảy đoạn sạt lở được 3 ngày. Theo thông tin ban đầu, đáy sông đoạn sạt lở sâu từ 14 m. Nguyên nhân sạt lở là khu vực trên có hố xoáy, dòng chảy mạnh “đâm” trực diện vào khu vực đang sạt lở, tạo thành những hàm ếch lớn. Đến ngày 25.5 đoàn khảo sát của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam sẽ có báo cáo cụ thể để trên cơ sở đó có giải pháp khắc phục hiệu quả, khả thi nhất.
Chiều cùng ngày, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai TP.Cần Thơ đã phối hợp chính quyền địa phương chi hỗ trợ tổng cộng 395 triệu đồng cho những hộ bị thiệt hại nhà cửa.
Bình luận (0)