Sạt lở sông Thu Bồn đe dọa hàng trăm hộ dân

30/08/2024 08:32 GMT+7

Hàng trăm hộ dân sống dọc sông Thu Bồn (Quảng Nam) đang bất an khi sạt lở ăn sâu vào bờ với tốc độ nhanh. Nếu không có phương án cứu bờ sông, nguy cơ xóa sổ cả một ngôi làng sẽ diễn ra.

TỐC ĐỘ SẠT LỞ NHANH BẤT THƯỜNG

Sông Thu Bồn đoạn qua thôn Nhị Dinh 3 (xã Điện Phước, TX.Điện Bàn, Quảng Nam) xảy ra sạt lở từ hàng chục năm qua, đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, sạt lở nghiêm trọng kéo dài khoảng 2 km ở thôn Nhị Dinh 3. Vị trí sạt lở nặng nhất chỉ còn cách nhà dân hơn 100 m.

Sạt lở khiến hàng trăm hộ dân thôn Nhị Dinh 3 sống trong tâm thế bất an, nhất là khi mùa mưa bão cận kề. Mùa lũ năm ngoái, tình trạng sạt lở đã "ăn" sâu gần chục mét vào vườn ông Hồ Quang Thường (64 tuổi, ở khu dân cư Bình Trị, thôn Nhị Dinh 3). Gần 500 m2 đất canh tác ven sông của gia đình ông đã ngưng sản xuất suốt 2 năm qua.

Sạt lở sông Thu Bồn đe dọa hàng trăm hộ dân- Ảnh 1.

Ông Hồ Quang Thường lo lắng trước nguy cơ chỉ vài năm nữa mảnh vườn của mình sẽ bị "xóa sổ"

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

"Với tốc độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng thế này, có trồng trọt gì thì đến mùa mưa cũng bị nước cuốn trôi, lại mất trắng. Trước đây, vườn của gia đình tôi trồng hoa màu, rộng hơn 1.200 m2, cách bờ sông cả trăm mét, nay chỉ còn cách bờ sông khoảng 10 m. Phần lớn diện tích đất đã bị kéo tuột xuống sông", ông Thường buồn bã nói.

Trong vòng 2 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có khoảng 2 - 3 ha đất sản xuất và đất vườn ven sông bị lũ cuốn. Chưa dừng lại ở đó, dự báo khoảng 40 ha đất nông nghiệp đang có nguy cơ bị xóa sổ.

Ông Trương Phú Hòa (Trưởng thôn Nhị Dinh 3)

Theo ông Thường, tình trạng sạt lở diễn ra rất nhanh và nghiêm trọng. Với tốc độ này, nếu không có phương án xây kè thì sẽ có nguy cơ xóa sổ hàng ngàn héc ta đất sản xuất và cuốn phăng cả ngôi làng. "Những năm qua, người dân chúng tôi cứ phải sống trong cảnh bất an khi bờ sông Thu Bồn sạt lở nhanh một cách bất thường", ông Thường nói.

Ông Trương Phú Hòa, Trưởng thôn Nhị Dinh 3, đưa ra con số đáng lo: Trong vòng 2 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có khoảng 2 - 3 ha đất sản xuất và đất vườn ven sông bị lũ cuốn. Chưa dừng lại ở đó, dự báo khoảng 40 ha đất nông nghiệp đang có nguy cơ bị xóa sổ, hình thái ở nhiều đoạn sông bị thay đổi, không ít hộ gia đình đã phải khăn gói rời đi nơi khác sinh sống.

Căn nhà của ông Hòa bây giờ cũng chỉ cách vị trí sạt lở khoảng 100 m đường chim bay. "Những lần tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị sớm có phương án xây kè. Sạt lở đang đe dọa cuộc sống của khoảng 240 hộ dân với 1.200 nhân khẩu sống trong khu dân cư Bình Trị", ông Hòa lo lắng.

Sạt lở sông Thu Bồn đe dọa hàng trăm hộ dân- Ảnh 2.
Sạt lở sông Thu Bồn đe dọa hàng trăm hộ dân- Ảnh 3.

Khoảng 2 km chiều dài bờ sông Thu Bồn đoạn qua thôn Nhị Dinh 3 sạt lở với tốc độ nhanh

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

DO DIỄN BIẾN THỜI TIẾT PHỨC TẠP ?

Bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó chủ tịch UBND TX.Điện Bàn, cho biết địa phương vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn đoạn qua thôn Nhị Dinh 3; trong đó nêu rõ những năm gần đây, bờ sông Thu Bồn đoạn qua TX.Điện Bàn thường xuyên sạt lở mỗi khi mưa lớn, lũ lụt, tốc độ xói lở ngày càng mạnh, nhiều hộ gia đình đã mất nhà cửa, một số khu dân cư phải di dời, nhiều vùng đất sản xuất bị thu hẹp… Ở thôn Nhị Dinh 3, nơi thiệt hại nặng nề, vị trí sạt lở chỉ còn cách khu dân cư gần nhất 140 m.

Hình thái dòng sông bắt đầu có những thay đổi lớn, lòng sông biến dạng, xói lở tại vị trí bờ tả và bồi lắng tại bờ hữu. Trong 2 năm đã bồi lắng tạo bãi cao trung bình 2 - 4 m so với đáy sông ở bên hữu, còn vị trí bờ tả bị sạt lở gần 80 m.

"Vị trí sạt lở vào sâu đất sản xuất hơn 80 m; gần 12,5 ha đất sản xuất dọc theo chiều dài gần 2 km sông bị biến mất. Đặc biệt, cuối năm 2023 trở lại đây, tốc độ sạt lở ngày càng nhanh", bà Châu nói.

Bàn thêm về nguyên nhân sạt lở và bồi lắng, UBND TX.Điện Bàn cho rằng có nhiều lý do, nhưng tập trung chủ yếu vẫn là tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, mưa lũ với cường độ lớn và kéo dài khiến dòng chảy thay đổi bất thường.

Qua phân tích về dòng chảy và lòng sông, UBND TX.Điện Bàn nhận thấy giải pháp chung là nạo vét chỉnh dòng chảy, xây dựng công trình kè bảo vệ và trồng cây dọc 2 bờ sông nhằm ổn định đường bờ, giảm vận tốc dòng chảy tác động vào khu dân cư… Dự kiến kinh phí theo phương án xây dựng kè kết hợp nạo vét chỉnh dòng chảy khoảng gần 30 tỉ đồng.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay sau khi nhận tờ trình của UBND TX.Điện Bàn, UBND tỉnh đã có công văn nêu quan điểm xử lý vấn đề sạt lở. Trước mắt, yêu cầu TX.Điện Bàn cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, theo dõi diễn biến sạt lở; chỉ đạo việc xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở; tổ chức khảo sát, đánh giá, lập dự án đầu tư xử lý sạt lở trong trường hợp cần thiết.

"Về đề nghị đầu tư dự án kè chống sạt lở, tỉnh đã giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp các ngành, đơn vị, địa phương liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh để làm văn bản đề nghị các bộ, ngành T.Ư hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách T.Ư để thực hiện dự án", ông Bửu nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.