Sạt lở uy hiếp quốc lộ 19C

28/07/2022 15:07 GMT+7

Sông Cô, đoạn chảy qua xã Xuân Long và TT.La Hai, H.Đồng Xuân (Phú Yên) thường xuyên thay đổi dòng chảy, kéo theo sạt lở làm ảnh hưởng diện tích đất sản xuất và uy hiếp QL19C.

Thời tiết thất thường khiến dòng sông Cô, đoạn chảy qua TT.La Hai và xã Xuân Long (H.Đồng Xuân) liên tục thay đổi. Trước đây, dọc hai bờ sông, nhiều hộ dân tận dụng quỹ đất để trồng đậu, mì và làm chuồng trại chăn nuôi. Thế nhưng những năm gần đây, sau mỗi mùa mưa, việc thay đổi dòng chảy khiến sông Cô cứ lấn dần về phía QL19C và một số diện tích đất sản xuất, chuồng trại của người dân bị sạt lở, đổ ập xuống lòng sông.

Dòng sông Cô xâm thực đất sản xuất của người dân và uy hiếp QL19C

ĐỨC HUY

Ông Phan Văn Cường, ở thôn Long Thạch, xã Xuân Long, phản ánh: “Trước đây, lòng sông Cô nằm cách khu dân cư vài chục mét. Người dân còn tận dụng mảnh đất bồi ven sông trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng mấy năm nay, mỗi mùa mưa lũ, nước sông Cô lại xâm thực dần về phía tây, không chỉ nuốt nhiều diện tích đất sản xuất, mà còn có nguy cơ lấn luôn vào cụm dân cư nằm dọc bờ sông. Mặc dù địa phương đã làm rọ đá hạn chế sạt lở, nhưng các hộ gia đình sống ở khu vực này vẫn rất lo lắng, bất an”.

Ông Nguyễn Cho, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Long, xác nhận tại xã Xuân Long có 3 điểm bị sạt lở với chiều dài khoảng 800 m tại thôn Long Thạch; khoảng 1.000 m tại thôn Long Mỹ và khoảng 700 m tại thôn Long Hòa. Tình trạng sạt lở đất làm mất diện tích đất sản xuất của nhiều hộ, đồng thời có nguy cơ ảnh hưởng đến một số cụm dân cư lân cận. Địa phương đã tạm thời làm kè rọ đá các đoạn bị sạt lở, đồng thời trồng lau sậy, lấy cát để tạo lại dòng chảy cũ. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần biện pháp khắc phục bền vững hơn.

Không chỉ bồi lấp, xóa sổ nhiều diện tích đất sản xuất, tình trạng sông Cô xâm thực còn uy hiếp trực tiếp QL19C đoạn qua địa bàn xã Xuân Long. Đặc biệt, tại Km 54, đoạn qua cầu Cây Sung, xã Xuân Long, dòng sông chỉ còn cách mặt đường chừng 3 - 5 m; phía dưới xuất hiện nhiều “hàm ếch” rất nguy hiểm.

Thêm vào đó, tuyến QL19C có một số đoạn trũng thấp, mùa mưa thường bị nước sông dâng lên ngập đường; có nơi ngập gần 1 m. Tình trạng này không những gây ách tắc giao thông, mà còn khiến việc đi lại của người dân vô cùng nguy hiểm.

Ông Phạm Trung Chánh, Phó chủ tịch UBND H.Đồng Xuân, cho biết: “Tình trạng nước sông Cô uy hiếp QL19C trong những năm gần đây là do hiện tượng bồi lấp khu vực lòng sông nên dòng chảy bị đổi hướng, xói mạnh vào hai bên bờ. Đặc biệt, khi mùa mưa sắp đến, các cơ quan chức năng cần có giải pháp gia cố tạm thời để đảm bảo an toàn cho QL19C cũng như các khu dân cư, đất sản xuất ven sông. UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh cho phép được nạo vét, xây dựng công trình kè để hạn chế tác động xấu từ dòng sông Cô”.

QL19C là tuyến huyết mạch nối 4 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai; toàn tuyến dài hơn 150 km, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các huyện miền núi của tỉnh Phú Yên.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên, QL19C đoạn qua tỉnh Phú Yên dài hơn 110 km, là trục giao thông nối liền các huyện miền núi: Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh và các tỉnh như Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai. Sau mùa mưa lũ năm 2021, Sở GTVT tỉnh Phú Yên đã nắm bắt tình hình nguy cơ sạt lở một số đoạn dọc QL19C. “Trước mắt, các ngành chức năng sẽ thường xuyên kiểm tra, đề xuất gia cố các vị trí xung yếu. Về lâu dài đã có quy hoạch QL19C tránh TT.La Hai. Giải pháp sẽ giúp tránh được tình trạng sông Cô uy hiếp. Tuy nhiên, do chưa bố trí được kinh phí nên đến nay chưa thể triển khai”, ông Đông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.