Đeo khẩu trang mua vội
Không như chợ Bến Thành một năm gần như là mất trắng nếu chỉ sống dựa vào khách du lịch, chợ Tân Định “năm Covid” vẫn giữ chân được khoảng một nửa lượng khách so với năm ngoái theo chia sẻ của nhiều tiểu thương tại đây.
Bên trong ngôi chợ có thiết kế độc đáo với ba tháp chuông kinh doanh đa dạng các mặt hàng, từ quần áo vải vóc, giày dép cho tới thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô… Tuy bán cho người Việt là chính nhưng nhiều sạp hàng vẫn không tránh khỏi tình trạng ế ẩm do dịch bệnh kéo dài.
|
Bà Linh (47 tuổi, Q.Bình Thạnh), là chủ sạp hàng quần áo trẻ em chia sẻ: “Năm nay sao mà so được với mọi năm, vắng lắm, giảm 50% doanh thu là có. Gần tết, khách cũ nhớ tới mình ghé ủng hộ nên mừng lắm”.
Mẹ bé Nhật Long (học lớp 5 trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng) là khách quen ở sạp của bà Linh, cho biết: “Nay là bữa học cuối của con nên tôi tranh thủ dẫn bé ghé chợ mua ít áo quần đón tết. Tình hình dịch bệnh phức tạp nên hai mẹ con không đứng ngắm nghía như mọi khi. Giờ này mọi năm chợ này đông vui nhộn nhịp lắm, năm nay chẳng thấy không khí tết”.
Trước đó, học sinh trên địa bàn thành phố được phép dừng đến trường từ ngày 2.2.2021 theo chỉ đạo của UBND TP.HCM để phòng, chống Covid-19.
|
Tết… như ngày thường
Kể từ khi dịch bùng phát lại, không khí ở chợ lại rơi vào tình trạng đìu hiu như một năm trở lại đây. Người bán ngồi chờ chực một lúc lâu mới có khách đến. Đến 5 giờ chiều chỉ lác đác vài ba bóng người.
Chủ sạp Cẩm Vân (60 tuổi) bán áo quần thêu cho phụ nữ lớn tuổi ở chợ đã được mấy mươi năm. “Mùa dịch ế lắm, đóng cửa cũng phải trả tiền nên dù cả ngày không có khách cũng ra ngồi đó. Khách người ta thường mua nhiều vào dịp tết, nhưng giờ nhìn chợ thế này thử hỏi không khí tết ở đâu nữa”, bà vừa nói vừa chỉ tay khắp các lối đi trong chợ.
|
Bà Linh chia sẻ thêm, trẻ con mấy năm trở lại đây thích tới các trung tâm thương mại hơn là chợ như thời xưa. Thêm nữa, bệnh dịch ảnh hưởng tới kinh tế, phụ huynh dẫn con đi mua cũng cân đo đong đếm kỹ lưỡng.
Hàng hóa nhập về được bán sát giá, nhưng vì muốn mấy đứa trẻ có cái mặc đẹp trong năm mới nên bà thường giảm giá chút đỉnh để chia sẻ với nỗi khó khăn của bố mẹ chúng khi đứng trước sạp nhưng còn đắn đo.
“Năm nào tôi cũng bán ở chợ tới 30 tết mới nghỉ, mùng 6 mới ra bán lại. Hai vợ chồng đều ăn chay nên việc sắm sửa chuẩn bị cho tết nhất không quá tốn kém. Bán buôn không bằng năm ngoái thì thắt chặt chi tiêu, nhưng mâm cỗ cúng tổ tiên ngày tết nhất định phải chỉn chu, đủ đầy”, bà Linh lạc quan nói khi nhắc đến Tết Nguyên đán.
Chợ Tân Định một chiều cuối năm vắng hoe, lối đi giữa các sạp hàng vốn nhỏ hẹp nay lại thênh thang đến lạ. Ai cũng hy vọng dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát để tết năm sau… không như năm nay.
Bình luận (0)