'Sát thủ' thầm lặng sau dịch Covid-19: Đến lúc thay đổi để cuộc sống bình thường

16/05/2020 20:10 GMT+7

Việt Nam kết thúc cách ly xã hội. Ý và nhiều nước châu Âu đang gấp rút chuẩn bị sống chung với dịch Covid-19 . Cuộc sống "bình thường" có trở lại như trước đây khi "sát thủ" mà con người đối mặt không chỉ là Covid-19 ?

Không thể sống khỏe trên một Trái đất bị bệnh

Covid-19 nhắc chúng ta dịch bệnh có thể khủng khiếp thế nào. Tính đến 16.5, hơn 309.000 người thiệt mạng trên toàn thế giới vì Covid-19. Nhưng chúng ta lại ít chú ý sát thủ thầm lặng: Mỗi năm có khoảng 7 triệu người, trong đó có 600.000 trẻ em, tử vong do ô nhiễm không khí.
Có nghĩa là, bình thường chúng ta không làm hết sức mình để chống ô nhiễm và các vấn đề môi trường, dù nó liên tục lấy đi mạng sống của nhiều người, hơn là đại dịch Covid-19.
Chưa tính tới những người mất sức khỏe và bị giảm thu nhập, hay nói cách nôm na là "chết đói" vì ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Chúng ta làm mọi cách để phòng, chống Covid-19 bảo toàn mạng sống cho người dân, kể cả hy sinh kinh tế. Vậy ô nhiễm và bảo vệ môi trường có nên được đầu tư mọi cố gắng và chú ý không, khi nó giết nhiều người hơn cả đại dịch?

Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu là một trong 10 hiểm họa lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu

Chống ô nhiễm và biến đổi khí hậu cũng là bài toán kinh tế có lợi về lâu dài, những thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã được đo lường, lớn hơn nhiều việc hy sinh vài lợi ích ngắn hạn để chuyển đổi sang cách phát triển xanh và bền vững.
Một nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân đã ước tính thiệt hại của ô nhiễm không khí ở Việt Nam năm 2018 là tương đương 4,5-5,6% GDP năm 2018. Chưa tính tới thiệt hại gây ra bởi các ô nhiễm khác như ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn, thực phẩm, hay do thiên tai, mất mùa vì biến đổi khí hậu…
Trong 10 hiểm họa lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu (nghiên cứu năm 2019 của WHO) thì đại dịch cúm chỉ đứng thứ 3:
1. Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu.
2. Các bệnh không lây nhiễm: đái tháo đường, ung thư và tim mạch và một số bệnh khác.

Mỗi năm có khoảng 7 triệu người, trong đó có 600.000 trẻ em, tử vong do ô nhiễm không khí

Trái đất bệnh là do chúng ta

Sự biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng đang tạo điều kiện tốt hơn cho dịch bệnh lây lan. Chiến dịch Vì tự nhiên của National Geographic cảnh báo, sẽ có nhiều dịch bệnh như Covid-19 xuất hiện trong tương lai do nạn phá rừng và sử dụng động vật hoang dã làm vật nuôi, thực phẩm, thuốc men.
Đến khi nào chúng ta sẽ học được bài học tôn trọng động vật và thiên nhiên, vì chính sức khỏe của mình?
Con người xả thải, xả rác, gây ô nhiễm và biến đổi khí hậu thế nào thì quá nhiều nghiên cứu, sự kiện đã chỉ ra. Còn nghi ngờ nào không phải tại con người, hãy nhìn môi trường trong lành hẳn từ khi con người tạm dừng bớt hoạt động vì Covid-19. Các điểm đen ô nhiễm trên toàn thế giới có bầu không khí trong lành kinh ngạc sau rất nhiều năm. Chim, cá heo, thú hoang xuất hiện trở lại. Lượng khí thải toàn cầu vốn tăng đều hàng năm, nhưng năm nay dự đoán sẽ giảm ít nhất 5%.

Chiến dịch Vì tự nhiên của National Geographic cảnh báo, sẽ có nhiều dịch bệnh như Covid-19 xuất hiện trong tương lai do nạn phá rừng và sử dụng động vật hoang dã

Phải đợi bị tát bằng đại dịch Covid-19, đứa con ngang ngược của Mẹ Thiên nhiên là loài người mới làm được điều mà bao nỗ lực quốc gia - xuyên quốc gia chống biến đổi khí hậu bao thập kỷ không làm được. Nhưng bài học có được rút ra sau cú tát này để thay đổi, hay cứ chờ tới lúc Mẹ Thiên Nhiên thực sự nổi giận?
Tạp chí y khoa Lancet mới công bố một nghiên cứu cho thấy một thế giới ấm hơn khuếch đại ô nhiễm không khí vốn có, tạo ra rủi ro về tình trạng thiếu lương thực, bệnh truyền nhiễm, lũ lụt và nhiệt độ cực đoan. Các nhà khoa học cảnh báo, các tác động có thể đặt gánh nặng lên các thế hệ, đặc biệt với trẻ em, với dịch bệnh và bệnh tật suốt cuộc đời.
Mọi cảnh báo đã đưa ra, thế giới sẽ còn đối mặt với nhiều đại dịch trong tương lai, nếu chúng ta vẫn sống như vậy.

Nếu ta không chú ý về vấn đề bảo vệ môi trường và chung tay, thì vừa không tạo nên quan tâm xã hội, tiền đề của chính sách, mà dù có biện pháp cũng thực hiện nửa vời

Cần thay đổi thế nào sau lời cảnh báo của Covid-19?

Quay trở lại cuộc sống bình thường liệu có khả thi?
Quay lại những ngày báo động ô nhiễm không khí các thành phố lớn lên mức nguy hiểm đỏ và tím, sau những ngày xanh lành trong phong tỏa và cách ly?
Quay lại với xả túi ni lông và các đồ nhựa dùng một lần ngập ngụa thành phố, sông biển?
Ở góc độ cá nhân, nếu ta không chú ý về vấn đề bảo vệ môi trường và chung tay, thì vừa không tạo nên quan tâm xã hội, tiền đề của chính sách, mà có biện pháp cũng thực hiện nửa vời. Cũng như chống dịch Covid-19, chính phủ có nghiêm mà dân không chấp hành, cũng như dùng một chiếc đũa thay vì cả đôi.

Đến khi nào chúng ta sẽ học được bài học tôn trọng động vật và thiên nhiên, vì chính sức khỏe của mình?

Bao việc nhỏ nhỏ lợi đơn lợi kép và vì thói quen ta ít đổi, từ tránh dùng và xả đồ nhựa một lần, tiết kiệm điện nước, không xài thức ăn hoài phí, ủng hộ trồng cây, lưu thông một cách ý thức, không ăn thịt chim thú hoang dã, dùng đồ thân thiện môi trường...
Chỉ cần chú ý hơn, với tâm thức thay đổi cách sống xanh hơn để bảo vệ chính mình và gia đình mình. Khó khăn ngoại quan lúc nào chả nhiều. Nhìn khó khăn để tìm cách giải quyết hoặc nhìn vấn đề mà hành động là sự khác biệt với nhìn khó khăn để từ chối thay đổi hay nhìn vấn đề mà thỏa hiệp, cam chịu.
Nếu ta không nghĩ ra cụ thể cần làm gì thì bao người đã nghĩ và gợi ý hộ. Tham gia các nhóm sống xanh, nói không với túi ni lông, không xả rác bừa bãi, không phá rừng hủy hoại thiên nhiên... Không bao giờ thiếu ý tưởng và cảm hứng từ người xung quanh để sống lành, trách nhiệm hơn, và khỏe mạnh hơn.
Cuộc khủng hoảng môi trường đang ngày càng bộc lộ rõ, tính đa dạng sinh học giảm mạnh và biến đổi khí hậu đang tiến tới điểm không thể quay đầu.
Đại dịch tới để nhắc chúng ta mỏng manh thế nào thế nào với các vấn đề mang tính toàn cầu. Giờ ta sẽ thay đổi cách cư xử ra sao?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.