Hội họp, gặp gỡ, du lịch đều online... thời trang chạm đáy

05/12/2020 15:00 GMT+7

Do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 , xuất khẩu dệt may năm nay giảm mạnh (15% so với năm trước) sau 25 năm tăng trưởng liên tục.

Theo dự báo của Bộ Công thương, tổng trị giá xuất khẩu của ngành dệt may năm nay sẽ đạt khoảng 33,5 - 34 tỉ USD, giảm hơn 3 tỉ USD (tương đương 14 - 15%) so với năm trước, nhưng cao hơn dự báo trước đó vào tháng 4 là chỉ đạt 30 - 31 tỉ USD. Báo cáo của bộ này kết luận: “Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm sau 25 năm tăng trưởng liên tục”.

Thời trang “rớt” thê thảm

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho rằng đây là sự sụt giảm “nằm trong dự báo từ tháng 3 năm nay”. Không quá khó để đoán trước kết cục này vì đại dịch Covid-19 “ghê gớm quá, khủng khiếp quá”. Trong rổ hàng xuất khẩu dệt may, mặt hàng thời trang sụt giảm nhiều nhất, đến 90%, vì các nền kinh tế liên tục “bế quan tỏa cảng”. “Du lịch đứng yên, tiệc tùng đông người cũng hạn chế, cả thế giới đứng yên, không đi đâu, không gặp gỡ, toàn họp hành, làm việc qua online thời gian dài. Thậm chí du lịch và ăn mừng cũng qua online thì ai có nhu cầu mua áo quần đẹp đâu. Trong mùa bán hàng “Thứ sáu đen tối” (Black Friday), lượng hàng thời trang giảm giá được bán ra trên thế giới tăng mạnh, nhưng không đủ sức “giải cứu” cho ngành may mặc của thế giới đang tồn đọng cả núi hàng”, ông Phạm Xuân Hồng cho biết.
Theo Bộ Công thương, trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm khoảng 20%, thậm chí có thể giảm tới 25%, và các quốc gia cạnh tranh được hỗ trợ bởi đồng tiền của các quốc gia này giảm giá so với đồng USD, kim ngạch hàng dệt may Việt Nam năm nay sụt giảm từ 14 - 15%. Dự báo tháng cuối năm dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại Mỹ và một số nước châu Âu, nên tình hình sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may, da giày sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu cuối năm. Tuy nhiên, bộ này cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp dệt may đã chuyển đổi nhanh kết cấu các mặt hàng truyền thống và đã gặt hái nhiều thành quả đáng trân trọng. Cụ thể, nhóm các doanh nghiệp chuyên trị hàng xuất khẩu veston, sơ mi cao cấp, thời trang… đã chuyển sang làm đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nên mức giảm của dệt may Việt Nam là “không lớn như các quốc gia khác và đây là nỗ lực rất lớn của ngành dệt may”.

Năng “nhặt” những đơn hàng nhỏ lẻ

Chiều 4.12, tại nhà xưởng của Công ty TNHH may mặc Dony tại Q.Tân Bình, TP.HCM, ông Phạm Quang Anh chìa ra hai bản hợp đồng mới ký kết với đối tác ở Mỹ cung cấp 200.000 chiếc khẩu trang vải hiệu Dony Mask, nói: “Khi bắt đầu mùa dịch, những hợp đồng chúng tôi ký với đối tác châu Âu và Mỹ toàn lên tới hàng triệu chiếc khẩu trang. Thế nhưng bây giờ hợp đồng 36.000 chiếc, 50.000 chiếc, rồi 100.000 chiếc… đều “lượm” hết, không bỏ sót bất kỳ khách hàng nhỏ lẻ nào. Đây là mặt hàng đã cứu doanh nghiệp rất lớn trong thời gian qua. May mắn hơn, trị giá mỗi đơn hàng chỉ bằng 1/10, 1/20 so với trước, nhưng đổi lại lượng khách hàng biết, tìm đến chúng tôi tăng cả mấy chục lần. Thế nên doanh thu vẫn ổn định, thậm chí năm nay tăng mạnh hơn những năm trước khi làm hàng truyền thống”.
Trong năm nay, mặc dù toàn ngành xuất khẩu giảm đến 15%, nhưng với Dony, ông Phạm Quang Anh tiết lộ tính hết tháng 11, doanh thu đã tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến hết năm 2020, doanh thu tăng gấp 3 lần so với năm 2019, hoàn toàn nhờ vào may khẩu trang vải xuất khẩu. “Thật ra không phải ai làm khẩu trang cũng thành công như chúng tôi, chúng tôi đầu tư rồi xin các giấy chứng nhận quốc tế trước và có thương hiệu riêng, không làm gia công nên lợi nhuận mới tốt vậy. Nếu may gia công, mỗi chiếc khẩu trang thu về 3.000 đồng, nhưng khi có thương hiệu và đầy đủ các chứng chỉ quốc tế, giá bán có thể lên 15.000 - 16.000 đồng/chiếc, giá trị gia tăng thu về cao hơn làm gia công rất nhiều. Tuy nhiên, công ty cũng xác định đây là sản phẩm thời vụ. Khi vắc xin Covid-19 được phổ biến, khi vi rút gây bệnh Covid-19 được tiêu diệt, chắc chắn khách hàng dùng khẩu trang sẽ giảm mạnh. Lúc đó chúng tôi sẽ trở về làm hàng truyền thống là may đồng phục xuất khẩu”, ông Anh chia sẻ.
Đại diện một tập đoàn may mặc xuất khẩu ở miền Trung cũng cho biết doanh nghiệp đã mua vải để chào hàng làm đồ bảo hộ, nhưng đối tác ở châu Âu sau khi xem đòi hỏi nhiều chứng nhận mà để làm được mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, lượng hàng khách đặt cũng rất thấp nên công ty từ bỏ kế hoạch đó. Đổi lại, công ty nhận làm gia công một số đơn hàng nhỏ lẻ từ 500.000 đến 2 triệu chiếc khẩu trang ngay trong mùa dịch. Đến nay, sản phẩm may mặc đồ lạnh mà công ty đang làm xuất sang châu Âu giảm khoảng 40% so với cùng thời điểm các năm trước và hy vọng sẽ tăng nhẹ năm sau, nhưng phục hồi lại như từ đầu, theo vị này phải chờ 2 năm nữa.
Ông Phạm Xuân Hồng dự báo hết năm 2021 dệt may có thể phục hồi tăng 10% so với năm nay, còn được như cũ chắc phải sau năm 2021.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.