Sau 6.9: Hà Nội cần làm gì để nới lỏng giãn cách?

01/09/2021 11:57 GMT+7

Sau ngày 6.9, Hà Nội có thể sẽ giãn cách thêm ít nhất 7 ngày, hoặc dài hơn. Để nới lỏng, tiến tới gỡ bỏ giãn cách, "chìa khoá" cho Hà Nội là tốc độ tiêm vắc xin phủ rộng 70% dân số thành phố, bao gồm cả người nhập cư.

CDC Hà Nội: Hà Nội có thể giãn cách thêm ít nhất 7 ngày

Với diễn biến dịch hiện tại, việc Hà Nội gỡ bỏ giãn cách sau ngày 6.9 là gần như không thể xảy ra. Theo ông Khổng MInh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, dịch bệnh tại thành phố vẫn phức tạp, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan, đặc biệt là việc hình thành các chùm ca bệnh, các ổ dịch trên địa bàn. Riêng ổ dịch P.Thanh Xuân Trung (Q.Thanh Xuân) mới trải qua gần 10 ngày, cần ít nhất phải sau 14 ngày mới có thể ổn định được tình hình.
Về giải pháp cho ổ dịch Thanh Xuân Trung, ông Tuấn cho biết đã kiến nghị chính quyền địa phương giảm bớt lượng người trong khu vực phong toả. Ví dụ như có 2 hộ dùng chung một nhà vệ sinh thì di dời đi 1 hộ, đó là cách để giảm, hạn chế tiếp xúc và lây nhiễm. Tuy nhiên, việc bố trí, sắp xếp khu vực di dời cho người dân cũng cần tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng.

Đợt giao vắc xin Covid-19 AstraZeneca lớn nhất cho Việt Nam với hơn 2 triệu liều

Phó giám đốc CDC Hà Nội đánh giá, hiện một số khu vực "ổ dịch" trên địa bàn thành phố đã giảm mức độ nguy hiểm, như khu Văn Chương, Văn Miếu (Q.Đống Đa). Tuy nhiên, một số khu vực như chùm ca bệnh ở Lê Trọng Tấn (P.Khương Mai, Q.Thanh Xuân) lại tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Chủ cửa hàng khi có biểu hiện bệnh thì không đi thăm khám, mà vẫn bán hàng cho khách, như vậy có nguy cơ rất cao lây nhiễm cho nhiều người.
"Thành phố có lẽ phải duy trì giãn cách xã hội thêm ít nhất là 7 ngày, hoặc cũng có thể dài hơn để đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Bây giờ nếu không giãn cách nữa thì không thể phòng, chống dịch bệnh. Việc này Thành uỷ và UBND thành phố sẽ quyết định, xem xét dựa tất cả các yếu tố", ông Tuấn nói.

Vắc xin mới là chìa khoá "bình thường mới"

Theo Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, tỷ lệ tiêm chủng/vắc xin phân bổ thực tế của Hà Nội hiện cao nhất cả nước (91,75%), tức gần như có đến đâu tiêm hết đến đó. Hà Nội hiện cũng chỉ xếp sau TP.HCM về lượng vắc xin được phân bổ so với cả nước, với tỷ lệ 14,58% lượng vắc xin.
Dù vậy, số lượng người đã được tiêm theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội mới khoảng 2,15 triệu người (bằng 31% người dân trong độ tuổi tiêm chủng).

Nếu không tiêm phủ đủ vắc xin, Hà Nội khó gỡ bỏ giãn cách bền vững

Ngọc Thắng

Sau 3 lần Hà Nội thực hiện giãn cách (từ 24.7 đến nay), mặc dù dịch ở thành phố vẫn đang trong tầm kiểm soát, nhưng gần đây vẫn ghi nhận rải rác các ổ dịch, đặc biệt xuất hiện ở những người giao lưu rộng như người bán hàng ở chợ, siêu thị, lái xe...
Lý giải tình trạng này, theo PGS - TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, dịch tại Hà Nội đã vào cộng đồng. Vì thế, sau 3 lần thành phố thực hiện giãn cách vẫn còn những ca lẩn khuất trong cộng đồng chưa phát hiện được, từ đó lây lan hình thành các ổ dịch mới.
“Khoảng 1 tuần trở lại đây, dịch được phát hiện tại những ổ dịch có người giao lưu, tiếp xúc rộng như người bán hàng, mua hàng, như tại Thanh Xuân Trung hay Lê Trọng Tấn (Q.Thanh Xuân). Đây là điều rất đáng lo ngại”, ông Phu đánh giá.

Người tiếp xúc gần với F0 Covid-19 thì bao lâu phát bệnh | BÁC SĨ ƠI số 12

Bên cạnh đó, dịch bệnh bên ngoài Hà Nội vẫn phức tạp, khó lường. Vì thế, theo ông Phu, “muốn bền vững thì phải tiêm đầy đủ vắc xin cho người dân, nếu không thì hết ổ dịch này sẽ có ổ dịch khác. Vắc xin cần phủ rộng hết tới những người dân trong độ tuổi, người nguy cơ cao”.
Theo ông Phu, bài học từ nhiều nước như Anh hay Mỹ, sẽ không thể đưa số ca Covid-19 về 0. Tuy nhiên, dù số lượng lây nhiễm hàng ngày vẫn rất cao, song người dân tại các nước này đã được tiêm đủ 2 mũi nên dù có nhiễm bệnh cũng không diễn biến nặng, không gây quá tải cho hệ thống y tế. Điều nguy hiểm khi bùng phát dịch không chỉ là số lượng ca nhiễm, mà còn là các ca diễn biến nặng nhiều, có thể gây quá tải và khiến nhiều hệ thống y tế sụp đổ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.