Sau bánh mì thanh long, chị em nội trợ Sài Gòn làm bánh bao thanh long 'độc nhất'

21/02/2020 12:10 GMT+7

Ở nhà chăm con mùa dịch, lại có sở thích làm bánh, chị Quỳnh sáng tạo ra món bánh bao thanh long khiến cho ai nhìn cũng mê mẩn.

Nảy ra ý tưởng từ bánh mì thanh long

Căn bếp nhỏ của chị Lê Như Quỳnh (31 tuổi) ngập tràn mùi bột bánh và đầy đủ dụng cụ làm bánh. Chị Quỳnh vui vẻ chia sẻ với tôi vì thấy bánh mì thanh long ở tiệm bánh ABC nên cũng muốn thử làm bánh từ thanh long. Phần khác cũng vì đang trong mùa dịch Covid-19 nên con gái được nghỉ học. Chị Quỳnh ở nhà, vừa giữ con chị vừa nghĩ ra cách làm các loại bánh cho con ăn thay vì mua đồ ăn bên ngoài.
“Ban đầu chị dự định làm bánh mì thanh long nhưng cảm thấy nhiều người làm quá rồi, với lại làm bánh mì thì hơi cực chút xíu là mình phải ăn liền mới giữ được độ nóng, mới ngon. Còn bánh bao cho mấy bé ở nhà ăn sáng ăn trưa vẫn được, mình hấp lại là được”, chị nói.
Công việc của chị Quỳnh là kinh doanh bánh trung thu và một số loại bánh khác trên mạng. Sau khi đăng tải video làm bánh bao thanh long và hình ảnh lên Facebook, chị Quỳnh nhận được rất nhiều bình luận tích cực. Trước mắt, chị Quỳnh chỉ có ý định làm cho con gái ăn. Nếu có nhiều người ủng hộ và đặt hàng nhiều thì chị sẽ nghĩ đến chuyện làm bánh để bán.
Chị Quỳnh thường mua thanh long ở siêu thị với giá là 4.000 đồng/kg. Mỗi lần đi siêu thị chị mua khoảng 5 đến 7kg để ăn, làm bánh và làm nước ép. Bánh bao thanh long của chị Quỳnh là loại đặc không nhân. “Vì làm thêm nhân bánh thì rất phức tạp và tốn thời gian. Tạo hình bánh cũng đã một phần mất thời gian rồi mà thêm làm nhân nữa thì phải đầu tư và cần thêm nhiều người làm nữa, chị thì chỉ làm một mình”, chị Quỳnh giải thích thêm.
“Không chỉ bánh mì mà mình còn có thể làm rất là nhiều loại. Bánh mì ngọt, bánh mì mặn, hamburger, xôi, chè, sữa chua, nước ép... ”, chị Quỳnh liệt kê ra rất nhiều món ăn mà chị nghĩ đến. Là một người mẹ có con nhỏ, chị Quỳnh mong muốn những người làm mẹ khác cũng mua thanh long và dưa hấu vì có thể chế biến được rất nhiều món mà lại an toàn.

Thanh long xoay nhuyễn sẽ được cho vào trộn với bột bánh cho thêm ít đường và muối trước khi đánh đều bằng máy.

Chị Quỳnh đánh bột bằng máy đánh, nếu không có máy đánh bột có thể nhồi bánh bằng tay.

Bánh sau khi được đánh đều sẽ được vo thành từng viên nhỏ tầm 50g.

Bánh sau khi vo tròn sẽ được ủ trong vòng 30 phút để bánh nở.

Công thức đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ

Trước đây chị Quỳnh cũng có làm nhiều loại bánh bao khác nhau như bánh bao bí đỏ, bánh bao trà xanh, còn bánh bao thanh long thì đây là lần đầu. Tay vo tròn bột bánh một cách thành thạo, chị Quỳnh vẫn không quên nói thêm về công đoạn làm bánh.
Về nguyên liệu, bánh bao thanh long vẫn sử dụng các nguyên liệu như các loại bánh bao thông thường khác như bột mì đường, muối... chỉ thêm nguyên liệu mới là thanh long. Thanh long mua về sẽ được chị Quỳnh rửa sạch, cho vào máy xay xay nhuyễn, sau đó trộn với bột trước, thêm ít đường để có vị ngọt và thêm ít muối cho vị đậm. Sau khi trộn đều rồi mới đánh đều lên bằng máy, nếu không có máy đánh bột thì có thể lấy tay để nhồi.
“Nhồi cho đến khi nó mịn thì mình ngắt ra thành từng phần nhỏ rồi mình vo tròn lại. Tùy mình muốn tạo hình nào cũng được, hình tròn hoặc hình ú, rồi sao đó mình ủ trong vòng nửa tiếng. Nếu như tạo hình trái thanh long như chị thì mình lấy kéo mình nhấp xung quanh bánh bao, để tạo thành những cái râu thanh long. Sau đó mình chấm một ít bột trà xanh quét lên những chiếc râu đó. Cuối cùng mình hấp từ 5 đến 10 phút là chín”, chị nói.

Sau khoảng thời gian ủ bánh chị Quỳnh sẽ lấy kéo để tạo hình quả thanh long cho bánh bao.

Công đoạn tạo hình bánh đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo tay và rất khó với người mới bắt đầu làm.

Bánh tạo hình xong sẽ được quét bột bánh lên râu bánh để tăng tính thẩm mĩ.

Tôi không thể rời mắt khỏi tay chị Quỳnh khi chị cầm kéo tỉ mỉ tạo râu thanh long. Công đoạn này có lẽ là bước quan trọng nhất bởi nếu không khéo thì sẽ rất khó để tạo hình bột bánh. Nhưng đối với chị Quỳnh thì bước khó nhất đối với chị là công đoạn hấp bánh. Tuy mất thời gian ngắn nhưng phải để ý lửa một xíu để giữ được màu và chín bánh.
“Khi hấp chín, mình cầm cái bánh trên tay thì màu nó sẽ không được như ban đầu vì màu thanh long sẽ bị mất đi chút ít. Vị thì nó không có đậm được vị thanh long lắm đâu nhưng mình cảm nhận là nó thật sự nguyên chất từ thanh long nên mình cũng yên tâm, nhìn nó cũng xinh xinh nữa. Cầm bánh trên tay mình cảm thấy rất là hạnh phúc, với lại mình thấy nó ý nghĩa lắm”, chị Quỳnh bộc bạch.

Bánh sẽ được hấp lên trong khoảng thời gian ngắn.

 

Bánh bao sau khi hấp sẽ không còn được màu như ban đầu nhưng vẫn rất đẹp mắt.

Chị Quỳnh tự hào về sản phẩm do chính tay mình làm ra

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.