Sau chính biến ở Myanmar, chú ý đổ dồn vào Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing

02/02/2021 14:17 GMT+7

Tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, hiện là cái tên nổi bật sau khi các chính trị gia của Đảng Liên minh vì Dân chủ (NLD) bị bắt giữ và quân đội Myanmar tuyên bố bắt đầu nắm quyền.

Quân đội Myanmar được nhận xét là khá kín tiếng và ngay cả nhiều nhà quan sát lâu năm cũng không có nhiều thông tin hoạt động của lực lượng này.

Vai trò của quân đội trong chính trường Myanmar

Quân đội Myanmar trực tiếp lãnh đạo quốc gia này trong gần 50 năm từ sau cuộc đảo chính năm 1962 và từ lâu đã tự xem bản thân là lực lượng bảo vệ sự thống nhất đất nước.

Quân đội Myanmar khá kín tiếng về các hoạt động.

AP

Với tư cách là bên lập ra Hiến pháp Myanmar năm 2008, quân đội tự giữ vai trò dài hạn trong hệ thống chính trị.
Quân đội sẽ luôn chiếm 25% tổng số ghế quốc hội không thông qua bầu cử. Ngoài ra, tổng tư lệnh quân đội Myanmar sẽ tự bổ nhiệm 3 bộ trưởng quan trọng lãnh đạo các bộ quốc phòng, bộ nội vụ và bộ biên giới, đảm bảo vai trò quan trọng trong nền chính trị.
Điều này tạo ra một thỏa thuận chia sẻ quyền lực khó xử với đảng NLD. Nhiều đảng viên NLD, trong đó có lãnh đạo đảng Aung San Suu Kyi, trong nhiều năm đã bị o ép vì chống lại chính quyền cũ.

Tướng Min Aung Hlaing thăng tiến “chậm mà chắc”

Tướng Min Aung Hlaing (64 tuổi), tránh xa phong trào chính trị phổ biến vào thời điểm đang theo học tại Đại học Yangon từ năm 1972-1974.
“Ông ấy ít nói và thường tránh gây sự chú ý”, một bạn học của ông cho biết.

Tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Myanmar.

Reuters

Khi những người bạn cùng lớp tham gia biểu tình, Tướng Min Aung Hlaing liên tục nộp đơn gia nhập Học viện Quốc phòng DSA, đại học quân sự hàng đầu ở Myanmar và thành công trong lần nộp đơn thứ 3 vào năm 1974.
Theo một người bạn học, ông là một học viên bình thường. Sau đó, ông được thăng chức “chậm nhưng đều đều”. Người bạn học nói ông đã ngạc nhiên khi thấy Tướng Min Aung Hlaing vươn lên đến hàng ngũ sĩ quan cấp cao.

Từ binh sĩ đến chính trị gia

Ông Min Aung Hlaing nắm quyền điều hành quân đội vào năm 2011 khi quá trình chuyển giao dân chủ bắt đầu.
Các nhà ngoại giao ở Yangon cho biết trong buổi đầu nhiệm kỳ cố vấn nhà nước đầu tiên của bà Suu Kyi, ông Min Aung Hlaing đã chuyển mình từ một binh sĩ kín tiếng thành một chính trị gia và một nhân vật công chúng.

Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Tướng Min Aung Hlaing và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.

Reuters

Ông sử dụng Facebook để chia sẻ hoạt động của bản thân. Trang cá nhân của ông thu hút hàng trăm ngàn lượt người theo dõi trước khi bị gỡ bỏ sau cuộc đàn áp người thiểu số theo Hồi giáo ở Rohingya của quân đội Myanmar hồi năm 2017.
Tướng Min Aung Hlaing đã nghiên cứu các quy trình chuyển giao chính trị khác, và nỗ lực hết sức để ngăn chặn tình hình hỗn loạn như ở Libya và các quốc gia Trung Đông khác, theo các nhà quan sát.
Tổng tư lệnh quân đội Myanmar chưa từng thể hiện dấu hiệu ông sẽ từ bỏ 25% số ghế trong quốc hội của quân đội hoặc cho phép thay đổi điều khoản hiến pháp đã ngăn chặn bà Suu Kyi nắm quyền tổng thống.

Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi trong nhà riêng, nơi bà bị quản thúc nhiều năm.

New York Times

Gần đây, quân đội bắt đầu lên tiếng về những bất thường liên quan đến danh sách cử tri trong kỳ tổng tuyển cử ngày 8.11.2020. Đảng của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng áp đảo trong kỳ bầu cử này.
Ông Min Aung Hlaing đã kéo dài nhiệm kỳ thêm 5 năm nữa vào tháng 2.2016, một bước đi gây ngạc nhiên cho giới quan sát vì có nhiều đồn đoán ông sẽ rút lui trong đợt cải tổ lãnh đạo quân đội thường niên.

Các lệnh cấm vận

Vụ đàn áp người Rohingya năm 2017 của quân đội Myanmar khiến hơn 730.000 người phải sơ tán đến Bangladesh.
Các điều tra viên Liên Hiệp Quốc cáo buộc quân đội Myanmar tiến hành những hoạt động có mục tiêu “diệt chủng”. Để đáp trả, Mỹ cấm vận Tướng Min Aung Hlaing và 3 lãnh đạo quân đội khác vào năm 2019.
Nhiều phiên tòa được tổ chức sau đó, trong đó có Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Cũng trong năm 2019, điều tra viên LHQ thúc giục các lãnh đạo thế giới áp lệnh cấm vận kinh tế lên các công ty có liên hệ với quân đội Myanmar.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.