Sau chuẩn hóa SIM chính chủ, cuộc gọi rác lại bùng phát

15/07/2023 07:07 GMT+7

Cứ tưởng sau đợt rà soát, đăng ký SIM chính chủ mới nhất, người dùng điện thoại di dộng sẽ được yên thân. Thế nhưng khoảng gần 1 tháng nay, theo phản ánh của nhiều người, họ vẫn mệt mỏi vì bị hành hạ bởi các cuộc gọi rác bất kể giờ giấc.

Chào mời bất kể ngày đêm

Anh N.M.K, ngụ Q.Bình Thạnh (TP.HCM), đang tập trung theo dõi cuộc hội thảo thì điện thoại của anh có tín hiệu gọi đến. Là người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, sợ bỏ lỡ khách hàng quan trọng nên anh vội bắt máy nghe. Phía gọi đến là một giọng nữ, giới thiệu đang có dự án bất động sản, anh K. biết ngay là cuộc gọi quảng cáo nên vội tắt máy, không nén nổi bức xúc dù điều này đã trở thành chuyện thường ngày.

Hằng ngày người dân đang phải chịu đựng những tin nhắn rác không mong muốn Ảnh:

Q.T

Chị N.K, ngụ tại Q.4 (TP.HCM), cũng mệt mỏi khi liên tiếp phải nhận những cuộc gọi chào mời không mong muốn: "Từ tối đến sáng, lúc nào tôi cũng gặp những cú điện thoại hỏi đúng tên, nhưng sau đó là chào mời các kiểu như đầu tư chứng khoán, mua bán nhà đất, dự án bất động sản… Hiện nay các nhà mạng đang thu hồi SIM không chính chủ, đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn nạn phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi quảng cáo nhưng không hiểu sao càng chặn thì lại càng nhiều hơn trước".

Anh T.Đ.Đ, ngụ tại P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức (TP.HCM) cũng cho biết rất khó chịu khi liên tiếp nhận tin nhắn quảng cáo dịch vụ cung cấp "những cô gái xinh đẹp trên toàn quốc" và tin nhắn quảng cáo website cá độ bóng đá trực tuyến. "Tôi rất dị ứng với những loại hình dịch vụ phi pháp, nhưng mở điện thoại ra thì thấy toàn là tin nhắn quảng cáo, chào mời kiểu như vậy, thậm chí có cả tin nhắn lừa đảo nạp tiền 200.000 đồng nhận lại 377.000 đồng. Tại sao cơ quan quản lý không dẹp triệt để tình trạng này, để gây phiền đến người dùng như vậy?", anh Đ. đặt câu hỏi.

Người dân khi nhận được các ứng dụng, tin nhắn, đường link lạ… nên cảnh giác, tuyệt đối không truy cập, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu để đề phòng bị đối tượng xấu đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản; đồng thời cần thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý.


Ông An Xuân Hải, Trưởng phòng Thanh tra - Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT)

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, cuộc gọi rác không chỉ được thực hiện qua SIM điện thoại mà còn được phát tán từ nhiều hình thức như tổng đài đăng ký với nhà mạng và ứng dụng OTT. Gần đây, phần mềm tự động trên máy tính (auto bot) cũng nở rộ, tự động gọi và phát nội dung ghi âm đến khách hàng. Một số công cụ gọi tự động như PhoneBurner cho phép máy thực hiện cuộc gọi từ danh sách đầu vào bất kể ngày đêm, khiến người dùng phải nhận hết cuộc này đến cuộc khác. Một số còn lợi dụng công cụ này để "khủng bố" người khác hoặc phục vụ cho mục đích lừa đảo. 

"Các nhóm lừa đảo cũng đang chuyển sang dùng nền tảng OTT thay cho cuộc gọi từ SIM số truyền thống. Các dịch vụ OTT cho phép mua bán tài khoản và tạo cuộc gọi không khác gì cuộc gọi thường nhưng không chịu sự quản lý, giám sát của các nhà mạng tại VN", ông Sơn cho biết.

Đại diện một nhà mạng di động thừa nhận: "Người dùng vẫn bị cuộc gọi rác làm phiền vì việc chuẩn hóa thuê bao chưa giải quyết hoàn toàn nạn tin nhắn rác. Nhiều SIM rác được kích hoạt sẵn bằng thông tin của người khác và chuẩn, khớp với dữ liệu quốc gia về dân cư nên vẫn có thể dùng bình thường. Ngay cả khi siết chặt quản lý SIM chính chủ, cuộc gọi rác vẫn hoành hành vì theo quy định mỗi người có thể đăng ký tối đa 3 SIM trên một nhà mạng viễn thông. Với 5 nhà mạng, một người có thể đăng ký 15 đầu số. Một công ty chuyên cung cấp dịch vụ tìm kiếm khách hàng qua điện thoại với 100 nhân viên là đã có 1.500 đầu số để "dội bom" người dùng. Chưa kể SIM rác đã "chuẩn hóa" cũng được mua bán khá dễ dàng ngoài thị trường".

Đủ chiêu trò phát tán

Cuối tháng 6.2023, cơ quan chức năng tại Hà Nội đã phối hợp bắt giữ một nhóm gồm 3 người là H.V.H, L.V.X (đều trú tỉnh Lạng Sơn) và N.V.T (trú tỉnh Bắc Giang). Cuối tháng 4, thông qua một người quen, H.V.H được một người đàn ông Trung Quốc thuê chở thiết bị BTS giả đi phát tán tin nhắn với tiền công 10 triệu đồng/ngày. Người Trung Quốc này đã chuyển thiết bị BTS giả đến tận nhà và chuyển 720 USD qua tài khoản cho các đối tượng trên để thuê xe ô tô với giá 400.000 đồng/ngày, sau đó thực hiện phát tán tin nhắn rác. Cũng trong tháng 6, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT) và các đơn vị nghiệp vụ công an đã phát hiện và bắt giữ một vụ sử dụng thiết bị BTS giả tại TP.HCM với cách thức hoạt động tương tự như vụ tại Hà Nội.

Lộ thông tin từ đâu ?

Sáng 13.7, chị N.H đưa con gái 16 tuổi tới ngân hàng mở tài khoản. Xong việc, 2 mẹ con chị vừa ra khỏi cửa nhà băng thì con gái chị nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng nhân viên ngân hàng mời cho vay tín chấp lên tới 100 triệu đồng. Trên thực tế, chuyện lộ thông tin cá nhân được phản ánh rất nhiều nhưng chưa có vụ việc nào được xử lý tận gốc. Điển hình như lộ thông tin khi mua vé máy bay, người mua chưa bay thì các dịch vụ xe ở điểm đến đã gửi tin nhắn mời gọi.

Trước đó, trong tháng 3 và tháng 4, Cục Tần số vô tuyến điện phối hợp với cơ quan công an phát hiện 10 vụ sử dụng trạm BTS giả phát tán tin nhắn rác tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Gia Lai, Quảng Nam, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên; bắt giữ 11 đối tượng trực tiếp thực hiện, vận hành, phát tán tin nhắn rác, tin lừa đảo... Ngoài ra, có khả năng các đối tượng này cũng phát tán các tin nhắn xác thực cho dịch vụ cung cấp xuyên biên giới vào VN hoặc tin nhắn giả mạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng để lừa đảo.

Qua nghiên cứu sơ bộ, các đơn vị nghiệp vụ nhận thấy thiết bị các đối tượng sử dụng ngoài việc gây can nhiễu tần số vô tuyến điện, ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp viễn thông, người dân thì còn có thể thực hiện một số hành vi có tính chất hết sức nguy hiểm và gây tác động có ảnh hưởng lớn như phát tán tin nhắn rác rất cao (trung bình 80.000 tin/ngày/thiết bị); có khả năng giả mạo tin nhắn từ các cơ quan nhà nước, ngân hàng, giả mạo thuê bao di động của các tổ chức, cá nhân… để lừa đảo. 

Theo ông An Xuân Hải, Trưởng phòng Thanh tra Cục Tần số vô tuyến điện, thời gian qua tình trạng dùng thiết bị giả lập trạm BTS để phát tán tin nhắn với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, quảng cáo các dịch vụ vi phạm pháp luật như cá độ bóng đá, mại dâm… diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng chủ mưu thường ở ngoài VN, thuê người Việt lắp đặt thiết bị phát tán tin nhắn, quảng cáo lừa đảo.

Việc theo dõi, bắt quả tang đối tượng sử dụng thiết bị BTS giả gặp nhiều khó khăn do đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới; sử dụng thiết bị nhỏ gọn, cơ động, dễ dàng mang theo khi di chuyển trên các phương tiện để tránh bị phát hiện. Các đối tượng này thay đổi liên tục nhiều địa điểm, vị trí trên nhiều tuyến phố, quận nội thành, chỉ dừng di chuyển trong thời gian ngắn để phát tán tin nhắn nên việc xác định, phát hiện nguồn tín hiệu của BTS giả rất phức tạp, mất nhiều thời gian, nhân lực. Ông Hải khuyến cáo: "Người dân khi nhận được các ứng dụng, tin nhắn, đường link lạ… nên cảnh giác, tuyệt đối không truy cập, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu để đề phòng bị đối tượng xấu đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản; đồng thời cần thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.