Sau cú té chấn thương cột sống, đạo diễn Ái Như tái xuất với ‘Bàn tay của trời’

22/09/2020 17:00 GMT+7

Đạo diễn Ái Như bị té trong lúc biểu diễn, chấn thương cột sống phải nghỉ dưỡng một thời gian, nhưng tai nạn đó không "hạ gục" được chị.

Ái Như đã nhanh chóng quay lại sân khấu bằng vở kịch Bàn tay của trời do chính chị đạo diễn và đóng luôn một vai trong đó. Chị đã có những chia sẻ thú vị cùng Thanh Niên:
* Đầu tiên xin chúc mừng chị đã bình phục. Nhưng thiệt lòng, thấy chị diễn vai vợ thầy đồ có cảnh bị xô ngã, lăn lóc, có nhiều tư thế nguy hiểm, khán giả hồi hộp muốn "rụng tim", cứ sợ xương sống của chị mới vừa bình phục liệu có ảnh hưởng gì hay không?
- Đạo diễn Ái Như: Chân thành cảm ơn sự quan tâm của khán giả. Xin bật mí là sức khỏe của tôi đã hồi phục 80%, và khi diễn tôi có mang đai để bảo vệ cột sống. Khi lăn hay khi té, tôi cũng biết lựa thế chứ không chủ quan. Mong khán giả yên tâm.

Lớp học tại nhà thầy đồ (Quốc Thịnh) với tiêu chí Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín

ẢNH: H.K

* Vì sao chị quyết định dựng lại vở Bàn tay của trời trong lúc này?
- Đây là vở từng thành công tại Nhà hát kịch sân khấu nhỏ TP.HCM (sân khấu 5B), sau đó tôi có dựng lại ở sân khấu Hoàng Thái Thanh (TP.HCM) cũng khá lâu rồi. Giờ vẫn muốn làm lại, bởi tôi luôn mong Bàn tay của trời đồng hành với chúng tôi, sáng đèn lâu dài. Nội dung vở rất sâu sắc, nhân văn, câu chuyện xưa mà bây giờ vẫn còn phù hợp. Bàn tay của trời có tính hiện thực và tính cảnh báo rất cao, đặc biệt về vấn đề giáo dục. Giáo dục luôn là cái gốc, nếu không được giáo dục tử tế thì con người sẽ hư hỏng, còn gây hại cho xã hội. Thử nhìn xem, nạn bạo lực học đường, trò không kính thầy, mua điểm, mua bằng, bệnh thành tích… đã rộ lên. Không quan tâm thì đợi đến bao giờ.
* Sự trở lại lần này xem ra khá tốn kém, trong lúc sân khấu Hoàng Thái Thanh đang khó khăn…
- Tốn kém phải chịu thôi. Bởi diễn viên thì đông hơn trước, thiết kế, trang phục cũng công phu hơn. Nhưng tôi đã muốn “tung tẩy” thì đành cố gắng vậy. Không dễ có một kịch bản hay, nếu phải đầu tư mạnh cũng chấp nhận.
* Những chi tiết mới trong vở do chị nghĩ ra hay ai nghĩ ra? Chi tiết oan hồn của vợ thầy đồ đã làm khán giả thú vị, xin chị lý giải thêm về ẩn ý của mình trong nhân vật đó.
- Tôi đã nghĩ ra chi tiết oan hồn của vợ thầy đồ, chứ bản dựng trước thì bà đồ sau khi sinh đã qua đời luôn. Giờ tôi nghĩ, bên kia là một tên tướng cướp cứ lẽo đẽo đi theo đứa con bị tráo, để chứng kiến con lớn khôn, ngoan hiền, học giỏi, thì bên đây, bà mẹ cũng không thể bỏ con, không thể siêu thoát, mà bà vẫn muốn theo con để dùng năng lực của mình cảm hóa con, ngăn chặn việc xấu. Rất tiếc, bà chỉ là một linh hồn, năng lực không thể cao, cho nên không ngăn được con, đó chính là bi kịch của bà. Còn bên kia là bi kịch của tướng cướp Tư Chớp, cũng không ngăn được quả báo đến với con hắn. Hắn chỉ muốn đi đường tắt, và gieo đau thương cho người khác, thì hắn sẽ nhận lại bi kịch. Với oan hồn bà mẹ, tôi còn muốn gửi gắm thông điệp: Hãy làm hết sức khi có thể. Dù bà đồ chỉ tác động được với đứa con xấu xa kia trong một thoáng chốc, nhưng thoáng “từ bi bất ngờ” ấy vẫn nên cố gắng làm.

Tướng cướp Tư Chớp (NSƯT Thành Hội - phải) cứ lẽo đẽo theo chăm sóc Nhân (Lê Nguyên Bảo) mà không dám nhận đó là con mình

ẢNH: H.K

* Câu thoại “từ bi bất ngờ” của nhân vật Đức khiến khán giả cười rần, nhưng cảm động. Nhân vật này do Thế Hải đóng, quả là một vai khó, vậy mà chị đã rèn luyện cho diễn viên rất thành công. Trong vở có rất nhiều diễn viên trẻ đều diễn rất tốt, khán giả khá khâm phục. Liệu chị có “sợ” khi làm việc với diễn viên trẻ hay không?
- "Sợ" chứ! Đây là một vở phải thoại chính xác từng chữ, biểu diễn cũng phải chỉn chu từng chút chứ không phải kịch sinh hoạt, vì vậy lên sàn tập, tôi và các em đều vất vả. Nhiều em mới toanh hoặc mới diễn đâu đó một ít, giờ về với mình hầu như phải rèn lại rất nhiều. Tôi không ngại hướng dẫn các em, vấn đề là các em cần phải nghiêm túc học hỏi và cũng cần khiêm tốn nữa. Có em mới xin về sân khấu Hoàng Thái Thanh mà cứ đòi đóng vai chánh. Phân cho em vai phụ thì em nói trước mặt tôi: “Gia đình em bảo nếu đóng vai phụ thì thôi”. Tôi trả lời thẳng: “Vậy em đừng về sân khấu Hoàng Thái Thanh nữa, vất vả lắm. Tôi thử vai, biết em ở mức nào thì phân công mức đó, rồi khi em tiến bộ sẽ có vị trí khác. Giờ em đòi liền vai chánh thì tôi không đáp ứng được”. Tôi nói thật, dù các em tốt nghiệp ở đâu đi nữa thì lên sàn diễn thực tế cũng phải rèn lại, vì thực tế nó khác xa lắm. Mong lớp trẻ hiểu cho tấm lòng của chúng tôi. Và đôi khi “sợ” diễn viên trẻ ở mấy điểm đó.
* Vở này được dư luận khen ngợi, chị có tự tin là sẽ kéo được khán giả tới rạp?
- Tôi không chắc nhưng hy vọng là vậy. Song điều tôi mong ước nhất là các trường học sẽ tổ chức cho học sinh đi xem vở này vì liên quan đến vấn đề giáo dục. 8 năm nay, sân khấu Hoàng Thái Thanh có liên kết với nhiều trường học cho học sinh đi xem kịch như giáo dục ngoại khóa. Vì vậy, hy vọng Bàn tay của trời sẽ tiếp tục lịch trình này. Mình cố gắng nói cho thế hệ trẻ nghe về những ưu tư, những cảnh báo, gương xấu - tốt, mong gieo vào các em những suy nghĩ tử tế.
* Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị về vở Bàn tay của trời. Chúc đạo diễn Ái Như phục hồi sức khỏe hoàn toàn và gặt hái nhiều thành công!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.