Sau đại dịch, Bình Dương chuẩn bị triển khai hàng loạt dự án phát triển vùng

25/10/2021 10:39 GMT+7

Bị thiệt hại nặng nề bởi Covid-19 , vừa kiểm soát thành công dịch ở cấp độ 2, Bình Dương bắt tay ngay vào thực hiện Đề án Vùng đổi mới sáng tạo, chuẩn bị xây dựng hàng loạt dự án, công trình phát triển vùng.

Kiến tạo một Bình Dương thông minh mới

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Becamex cho biết Đề án Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương là giai đoạn phát triển tiếp theo của Đề án Thành phố Thông minh Bình Dương, là đề án được kỳ vọng và mong muốn xây dựng một hình ảnh Bình Dương mới, quy hoạch theo mô hình TOD, phát triển chuỗi đô thị dọc theo các tuyến giao thông công cộng, đảm bảo đầy đủ các tiện ích nhà ở, văn phòng… người dân có thể tìm thấy mọi tiện ích trên các điểm đô thị này.

Đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương đã cô đọng chiến lược phát triển của Bình Dương trong Mô hình 5 lớp, ông Hùng cho biết tại lớp thứ nhất về quy hoạch đô thị và giao thông, Dự án Vòng xoay A1 tại Thành phố mới Bình Dương đang chuẩn bị khởi công sẽ là điểm TOD đầu tiên của Bình Dương và từ đó nhiều điểm TOD tiếp theo sẽ được phát triển dọc theo tuyến giao thông công cộng kết nối vào với hệ thống Metro Bến Thành - Suối Tiên. Trước mắt là hệ thống bus BRT (xe bus nhanh) và tương lai là hệ thống Metro để giải quyết ùn tắc giao thông trên QL 13 và đường Mỹ Phước Tân Vạn - Bàu Bàng. Các dự án tiếp theo sẽ là dự án cải tạo và nâng cấp QL 13 tại những điểm nghẽn bằng việc xây dựng các cầu vượt, hầm chui, đường gom, đường song hành dọc theo tuyến.

Phối cảnh xây dựng thành phố mới Bình Dương trong tương lai

ẢNH: B.C

Tại Lớp thứ 2, Bình Dương sẽ xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo lấy ĐH Quốc tế Miền Đông và các trường đại học khác trên toàn tỉnh là trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Tại ĐH Quốc tế Miền Đông hiện có hơn 20 doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động, với hệ thống phòng Techlab, Fablad, Vườn ươm doanh nghiệp phục vụ khởi nghiệp, thu hút các nhà khởi nghiệp về sáng tạo ra các ý tưởng mới, ứng dụng vào thực tế cuộc sống.

Tiếp theo là lớp thứ 3 - lớp phát triển kinh tế cân bằng, việc thu hẹp khoảng cách giữa thương mại dịch vụ và công nghiệp là yêu cầu cấp bách của Bình Dương trong giai đoạn mới. Bình Dương đang tập trung xây dựng khu Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC), là cánh cửa giúp Bình Dương giao thương với 230 trung tâm thương mại thế giới trên toàn cầu.

Lớp thứ 4 - phát triển công nghệ, xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho cả khu vực công và khu vực. Bình Dương có nền tảng công nghiệp lớn vì vậy rất phù hợp để phát triển công nghiệp 4.0.

Lớp thứ 5 - phát triển nguồn nhân lực, cũng là lớp quan trọng nhất trong mô hình 5 lớp, quyết định sự thành công của mọi chiến lược. Ông Hùng khẳng định một đô thị thông minh hay thành phố thông minh phải thỏa mãn được 3 yếu tố kết nối, như: Kết nối hạ tầng; kết nối xã hội và kết nối công nghệ.

Phối cảnh xây dựng tuyến Metro trong thành phố mới Bình Dương

Ảnh: B.C

Đẩy mạnh các dự án trọng điểm của TP thông minh

Tại buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo, chuyên gia TP. Eindhoven (Hà Lan) về xây dựng vùng đổi mới sáng tạo, thông minh Bình Dương, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng nhiệm vụ trọng tâm của Đề án Thành phố thông minh Bình Dương 2021-2021 là quy hoạch Vùng đổi mới sáng tạo, tập trung nguồn lực để đưa Bình Dương vươn cao hơn nữa trên trường quốc tế, gia nhập các hiệp hội uy tín trên thế giới.

Ông Lợi yêu cầu Ban điều hành đề án Thành phố thông minh Bình Dương và các sở ngành phối hợp chặt chẽ với Becamex IDC, doanh nghiệp, viện trường nhanh chóng tập trung đẩy mạnh các dự án trọng điểm của Thành phố Thông minh đã đề ra. Theo đó, Bình Dương đẩy mạnh xây dựng KCN khoa học công nghệ, Trung tâm Thương mại thế giới WTC, Mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD)… Hoàn thiện, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu của từng ngành, là nền tảng để xây dựng trung tâm điều hành thành phố thông minh, hoàn thành trước tháng 6.2022…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.