Sau đại dịch, CEO 8X Quảng Ngãi khuyên bạn trẻ có thể chọn về quê lập nghiệp

06/07/2021 15:34 GMT+7

Nhà khởi nghiệp 8X với dự án trung tâm thể thao cộng đồng lớn nhất ở Quảng Ngãi, đồng điều hành 2 công ty về năng lượng tái tạo khuyên người trẻ có thể chọn về quê lập nghiệp sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Anh Trần Anh Tuấn (38 tuổi, người Quảng Ngãi) thuộc lớp thanh niên về quê lập nghiệp tiên phong của thế hệ 8X đời đầu. Anh tốt nghiệp khoa Kỹ thuật giao thông, chuyên ngành Kỹ thuật ô tô tại Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM năm 2006. Sau khi tốt nghiệp ĐH, anh đã có khoảng thời gian thử sức bản thân trong lĩnh vực kỹ sư thiết kế và bán hàng ở hai công ty khác nhau tại TP.HCM. Tuy nhiên, anh nhận ra rằng đó chưa phải là mục tiêu, lý tưởng công việc mà mình đang tìm kiếm.

Bỏ phố về quê, khởi nghiệp với dự án bể bơi siêu tiết kiệm cho trẻ em nông thôn

Cuối 2006, anh quyết định trở về quê hương làm việc và trở thành một trong kỹ sư trẻ xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam. Sau đó, anh khởi nghiệp với dự án trung tâm thể thao, tạo nơi tập luyện cho thanh niên và phổ cập bơi cho hàng ngàn trẻ em địa phương. Sau gần 10 năm, trung tâm trở thành điểm sinh hoạt thể thao, là nơi tổ chức các sự kiện, giải thi đấu lớn nhỏ tại TP.Quảng Ngãi.

Cuối 2006, anh quyết định trở về quê hương làm việc và trở thành một trong kỹ sư trẻ xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam

NVCC

Hiện nay, ngoài sống cùng gia đình và điều hành trung tâm thể thao tại Quảng Ngãi, anh cùng một người bạn đại học, điều hành 2 công ty khác, một về năng lượng mặt trời với hơn 200 công nhân, và một công ty chuyên về thủy điện thủy lợi của Bình Định với hơn 700 công nhân.
Nhận thấy nhiều thanh niên đang chật vật mưu sinh ở TP.HCM cùng các đô thị lớn và gặp muôn vàn khó khăn vì dịch Covid-19, nhà khởi nghiệp 8X khuyên người trẻ có thể lựa chọn về quê lập nghiệp sau đại dịch qua đi.

Bỏ phố về quê, 8X lập nghiệp thế nào?

Năm 2006, anh Tuấn về quê theo tiếng gọi con tim. “Tôi nghĩ TP.HCM không có mình thì vẫn là TP.HCM, còn mình ở quê biết đâu lại làm được cái gì đó cho quê hương”, anh Tuấn nói.
Thời điểm anh trở về đúng lúc nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam ở Quảng Ngãi tìm kỹ sư vận hành. Anh là một trong những kỹ sư trẻ mới ra trường nên được nhận về làm.
Anh Tuấn cho hay thời điểm đó, anh chỉ tiêu 1/10 mức lương có được, thậm chí gần như không phải tiêu gì vì công ty lo hết từ A-Z. “Nhà cũng không phải thuê, xăng xe cũng không tốn”, anh Tuấn nói. Làm được 2 năm, anh đủ tiền mua được một miếng đất ở quê. Làm việc thêm 2 năm, anh đã có thể xây một căn nhà khang trang và đầy đủ tiện nghi.

Anh Tuấn Trần thuộc lớp thanh niên về quê lập nghiệp tiên phong của thế hệ 8X đời đầu

Lê Nam

Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, nhà khởi nghiệp 8X tâm sự thời còn ngồi trên ghế nhà trường, anh từng quyết tâm bằng mọi giá phải vào TP.HCM để “đổi đời”, bởi anh xuất thân từ gia đình khó khăn và không muốn ai trong nhà phải chịu khổ thêm nữa. Tuy nhiên, sau một thời gian học tập và làm việc, anh nhận ra rằng dù có cố gắng thế nào đi nữa thì rất khó có thể thành công, tạo được cơ đồ vì đất Sài Gòn có quá nhiều tinh hoa và nhân tài.
“Hiện nay, các doanh nghiệp đang có xu hướng đầu tư theo kiểu nước chảy về vùng trũng, tức là đổ về các tỉnh lẻ nhiều hơn. Vì vậy, các tỉnh đã sầm uất, đông đúc hơn nhiều. Mình nghĩ người trẻ có trí tuệ, có tố chất xây dựng công cụ để cải tiến môi trường xung quanh của mình. Vì vậy, xu hướng hiện tại không còn là đất lành chim đậu nữa mà hoàn toàn có thể khai phá tạo cơ hội ở ngay vùng đất mà sinh ra, dù nó cằn cỗi hay sỏi đá”.
Về khoảng cách địa lý, vị CEO 8X cũng khẳng định không còn là vấn đề. Đang “kẹt lại” ở TP.HCM vì dịch Covid-19 gần 2 tháng nay nhưng bản thân anh vẫn tham gia điều hành công việc tại quê nhà và nhiều tỉnh thành thông qua các công cụ trực tuyến.

Khởi nghiệp ở chính quê hương

Sau nhiều năm cống hiến ở nhà máy lọc dầu, năm 2012, anh Tuấn quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực khá mạo hiểm. Lúc đó, Quảng Ngãi không có một địa điểm nào cho người dân tập luyện thể thao, trẻ em không được phổ cập bơi lội, thanh niên không có một địa điểm để tổ chức sự kiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, anh dùng tất cả số vốn tích lũy được để xây dựng Trung tâm thể thao rộng 10.000 m2 ngay tại quê nhà. Dự án này, ngay từ khi còn là ý tưởng đã được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng xã hội và chính quyền địa phương.

Dự án "hồ bơi lắp ráp" của anh Tuấn với chi phí tiết kiệm, hữu ích

NVCC

Dự án giúp 2.000 trẻ em địa phương được phổ cập bơi

NVCC

Với quy mô gần 10.000m2, sau gần 10 năm đưa vào vận hành, khai thác, đến nay Trung tâm Thể thao này đã trở thành điểm sinh hoạt thể thao chính, là nơi tổ chức các sự kiện, giải thi đấu lớn nhỏ tại TP.Quảng Ngãi. Với dự án này, nhà khởi nghiệp trẻ còn có nhiều ý tưởng và thực hiện các chương trình có ý nghĩa lớn cho cộng động xã hội.

Ánh Viên về nước phát động phong trào dạy và học bơi cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tại trung tâm của anh Tuấn năm 2016

NVCC

Hồi năm 2016, anh từng mời Ánh Viên từ Mỹ về Việt Nam, cùng với UBND tỉnh, Sở Văn Hoá - Thể thao TP.Quảng Ngãi tổ chức chương trình “Bơi cùng Ánh Viên - Đồng hành cùng thanh thiếu niên phòng chống đuối nước”, nhằm phát động phong trào dạy và học bơi cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Sau đó 3 năm, anh tiếp tục đồng hành cùng UBND tỉnh Quảng Ngãi mời HLV Park Hang Seo về trung tâm giao lưu cùng người hâm mộ, thúc đẩy phong trào bóng đá cho thanh niên địa phương nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập tỉnh Quảng Ngãi.

HLV Park Hang Seo về trung tâm giao lưu cùng người hâm mộ tại Quảng Ngãi năm 2019

NVCC

“Chưa bàn đến lợi ích kinh tế, riêng về lợi ích xã hội mình làm tại địa phương với bản thân mình có ý nghĩa rất lớn, điển hình là phổ cập bơi cho hơn 2.000 trẻ em. Tôi tin rằng một việc nhỏ mà mỗi người trẻ dành sức lực và tâm huyết thực hiện cũng giúp quê hương mình thay đổi từng ngày”, anh Tuấn nói.

Anh Tuấn ấp ủ ra mắt một cuốn sách chủ đề "Về quê lập nghiệp" hỗ trợ thanh niên; đồng thời cuốn sách cũng nhằm mục đích gây quỹ phổ cập bơi 10.000 trẻ em nghèo vũng lũ

Lê Nam

Tiếp tục hành trình truyền cảm hứng cho người trẻ, anh dành 2 năm để rèn luyện kỹ năng viết, đúc kết toàn bộ hành trình khởi nghiệp, bài học xương máu khi bỏ phố về quê lập nghiệp trong một cuốn sách, dự kiến xuất bản cuối tháng 8. “Tôi hy vọng cuốn sách sẽ tiếp cận khoảng 100.000 thanh niên có khát khao được trở về quê hương lập nghiệp giống như tôi. Chúng ta hoàn toàn có thể sống một cuộc đời ý nghĩa bằng cách làm một điều gì đó cho quê hương mình", anh Tuấn chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.